Hóa thạch nguyên vẹn của hai loài cá cổ đại, với một trong đó được gọi là "cá tới từ địa ngục" vừa được phát hiện tại Mỹ.
Tại vùng đồng bằng ở phía nam tiểu bang North Dakota (Mỹ), trong khu vực từng là lòng sông ở thời cổ đại, các nhà cổ sinh vật học đang nỗ lực tìm kiếm dấu vết của 'ngày tận thế' trong thời kỳ loài khủng long còn thống trị Trái Đất.
Kết quả là họ đã phát hiện ra vết tích của hai loài cá tầm 66 triệu năm tuổi, những sinh vật sống và chết cùng thời với loài khủng long, được bảo tồn dưới dạng hóa thạch với độ chi tiết cực cao. Công trình nghiên cứu của họ được xuất bản trên Tạp chí Cổ sinh vật học vào đầu tháng 10 vừa qua.
Hình ảnh hóa thạch của cá tầm acipenser praeparatorum, còn được gọi là loài cá đến từ lạch nước địa ngục. (Ảnh: livescience.com)
Theo đó, nhóm các nhà khảo cổ đã tìm thấy các hóa thạch tại một địa điểm có tên là "Tanis". Tanis là một phần của Hệ tầng Hell Creek nổi tiếng và nó chạy qua nhiều khu vực thuộc các bang Montana, South Dakota, North Dakota, Wyoming.
Tanis từng là nơi có một con sông lớn và sâu, cung cấp nước cho Tuyến đường biển nội địa phía Tây hiện đã khô hạn. Tuyến đường biển này kéo dài từ Vịnh Mexico đến tận Bắc Băng Dương. Nhưng vào một ngày định mệnh cách nay 66 triệu năm, Tanis trở thành mồ chôn tập thể cho hàng nghìn con cá nước ngọt cổ đại. Chúng bị thiêu rụi và chôn vùi tại chỗ chỉ trong chớp mắt sau khi một tiểu hành tinh lao xuống Trái Đất và xóa sổ loài khủng long.
"Phát hiện thực sự đáng kinh ngạc”, Lance Grande, nhà cổ sinh vật học tại Bảo tàng Field ở Chicago đồng thời là đồng tác giả của nghiên cứu, nói với Live Science. "Những con cá được tìm thấy trong trạng thái xếp đống lên nhau".
Sau nhiều năm khai quật, Grande và các đồng nghiệp của ông cuối cùng cũng có cơ hội nghiên cứu kỹ lưỡng các hóa thạch cá. Họ nhanh chóng nhận ra rằng bốn mẫu hóa thạch khá đặc biệt, thuộc về hai loài cá mới mà chúng ta chưa biết tới.
Hình ảnh chụp cận cảnh lớp vỏ ngoài rất rắn chắc của loài cá tầm acipenser praeparatorum. (Ảnh: livescience.com)
Hầu như tất cả các lớp phủ bên ngoài của con vật đều được bảo quản nguyên vẹn và hoàn hảo trong hóa thạch. Các mẫu vật này giúp lấp đầy một khoảng trống quan trọng trong hồ sơ hóa thạch của khu vực Bắc Mỹ, vốn thiếu hụt nhiều loài sinh vật thuộc kỷ Phấn trắng muộn. Grande cho biết: “Chúng có rất nhiều điểm giống cá tầm hiện đại, nhưng vẫn có những nét riêng".
Các nhà nghiên cứu đã đặt tên cho một trong những loài cá mới tìm thấy là acipenser praeparatorum ("acipenser" có nghĩa là "cá tầm" trong tiếng Latinh, và "praeparatorum" là "chuẩn bị sẵn sàng," để vinh danh nhóm đã chuẩn bị các hóa thạch trước khi hoạt động nghiên cứu diễn ra. Loài còn lại được đặt tên là acipenser amnisinferos, có nghĩa "cá tầm tới từ lạch nước địa ngục."
Cả hai loài cá ngày nay đều đã tuyệt chủng. Tuy nhiên theo đồng tác giả nghiên cứu Eric Hilton, một nhà sinh vật học tại Viện Khoa học Biển Virginia, chúng có nhiều đặc điểm giống với cá tầm hiện đại có nguồn gốc từ Đông Á và Châu Âu, chứ không phải cá tầm Bắc Mỹ. “Chúng có phần vỏ ngoài dày và cứng để bảo vệ các phần mềm bên trong trước tác động của các con sóng lớn, hoặc dòng chảy mạnh của sông", Hilton nói, cho biết thêm rằng việc cá tầm thích các vùng nước có nồng độ oxy thấp dường như cũng giúp hóa thạch của chúng được bảo quản tốt hơn.
Tuy nhiên, với những con cá tầm ở Tanis, lượng ôxy trong nước ít hay nhiều đã không còn quan trọng vào ngày chúng chết. Tất cả đều là nạn nhân của một đợt sóng thần lớn hình thành khi tiểu hành tinh lao vào Trái Đất, cuốn theo hàng triệu tấn đất đá và đã chôn vùi chúng gần như ngay lập tức.
Ngoài hai loài cá tầm mới được tìm thấy, con sông ở Tanis còn đầy ắp cá mái chèo, cá vây cung, cúc đá, nhiều loại côn trùng khác nhau và loài bò sát sống dưới nước với tên gọi thằn lằn mosasaurus. Các nhà khảo cổ học tin rằng vẫn còn nhiều loài khác mà chúng ta chưa biết tới đang nằm im trong các lớp trầm tích ở đây, chờ ngày được khai quật.
"Phát hiện mới rất tuyệt vời. Nhưng nó mới chỉ là phần nổi của tảng băng chìm mà thôi", Hilton nói.