Khoảng 120.000 năm trước ở khu vực ngày nay là phía bắc Ả-rập Xê-út, một nhóm người dừng chân tại một hồ nước cổ có tên 'Alathar' để uống nước và tìm kiếm thức ăn.
Nhóm người này có thể đã săn bắt các loài động vật có vú lớn tại đây nhưng không ở lại quá lâu. Họ coi hồ nước như một điểm nghỉ chân trên một hành trình dài.
Cảnh tượng chi tiết này được các nhà khoa học phác thảo lại trong một nghiên cứu được công bố mới đây trên tạp chí Science Advances sau khi phát hiện ra dấu chân người và động vật có vú ở sa mạc Nefud. Manh mối này cũng làm sáng tỏ con đường mà người cổ đại đã đi khi họ di cư tới châu Phi.
Hình ảnh về các dấu chân được tìm thấy. (Ảnh: Phys)
Bán đảo Ả-rập hiện nay đặc trưng bởi những sa mạc rộng lớn, khô cằn. Nhưng các nghiên cứu trong thập kỷ qua chỉ ra rằng khu vực này từng là nơi nhiều cây cối và khá ẩm ướt trước khi bị tác động bởi hiện tượng biến đối khí hậu.
Theo nghiên cứu mới, hàng trăm dấu chân được phát hiện là của 7 người người hiện đại. 4 trong số này có hướng đi tương tự nhưng khác biệt về cỡ chân. Điều này cho thấy có thể có 2 hoặc 3 cá nhân đi cùng nhau.
"Có vẻ những người này đã tới thăm hồ để lấy nước và kiếm ăn cùng lúc với động vật và cũng có thể để săn chúng", nhóm nghiên cứu cho biết.
Ngoài các dấu chân người, nhóm nghiên cứu còn phát hiện dấu chân của 107 con lạc đà, 43 con voi và 233 hóa thạch xương voi, linh dương cũng như bằng chứng về sự tồn tại của động vật ăn thịt trong khu vực này.
"Khám phá khảo cổ này đại diện cho bằng chứng khoa học lâu đời nhất về sự tồn tại của con người ở Ả Rập và mang lại cái nhìn hiếm có về môi trường tự nhiên và đa dạng sinh học trong khu vực", ông Tiến sĩ Jasser Al Herbish, giám đốc điều hành của Ủy ban Di sản Ả-rập Xê-út cho biết.