Kết hôn năm 2009, chị Trần Thị Phương (huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc) mong mãi vẫn chưa có con nên bàn với chồng là anh Ngô Văn Phong đến bệnh viện thăm khám. Bác sĩ kết luận “không thể mang thai tự nhiên”, lý do sức khoẻ người chồng ảnh hưởng bởi biến chứng quai bị.
Hôm đó, hai vợ chồng chị ôm nhau khóc sưng mắt. Cả hai động viên nhau “chuyên tâm làm việc kiếm tiền, đủ duyên con sẽ về”.
Vừa lao động hăng say, chị Phương vừa lo chạy ngược xuôi tìm mua thuốc nam cho hai vợ chồng uống, vậy mà 6 - 7 năm trôi qua mà chưa có tin vui. Nhìn bạn bè cùng trang lứa đều yên bề gia thất, con cái đuề huề, không ít lần cả hai chạnh lòng.
Những lời hỏi thăm “có gì chưa?”, “tại vợ hay chồng?”, “đi xin con nuôi cho nhanh” lâu dần khiến cặp đôi áp lực. Không chịu nổi điều tiếng, trong đêm tối chị Phương cùng chồng âm thầm bắt xe khách lên một tỉnh giáp biên giới để trốn tránh.
Năm 2016, anh chị dốc hết vốn liếng bao năm lao động để xuống Hà Nội chữa hiếm muộn, nhưng nhận lại vẫn là con số 0 tròn trĩnh. “Số phận vợ chồng tôi không may mắn”, chị Phương nói.
Kỹ thuật viên sinh thiết phôi. (Ảnh: AFHN)
Anh Phong động viên vợ tiếp tục đặt niềm tin vào y học hiện đại. Kết quả thăm khám cho thấy số lượng tinh trùng quá ít nhưng may mắn sau 20 ngày sàng lọc, lựa chọn anh đủ điều kiện thụ tinh trong ống nghiệm (IVF).
Theo bác sĩ Phạm Văn Hưởng, Phó giám đốc chuyên môn Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội, sau tiêm kích trứng, bác sĩ thu được 21 trứng của người vợ, tạo 5 phôi. Chị Phương đậu thai ngay lần chuyển phôi đầu tiên, thai kỳ diễn ra bình thường.
Tháng 3/2018, chị chuyển dạ sinh con ở tuần thai thứ 40, bé trai chào đời khoẻ mạnh. “Ngày con ra đời, hai vợ chồng tôi khóc rất nhiều. Đó là những giọt nước mắt của hạnh phúc, của nỗi mong mỏi đằng đẵng suốt 10 năm”, chị Phương nhớ lại.
Theo ThS.BS Đinh Hữu Việt, Trưởng khoa Nam học, Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội, quai bị là bệnh do một loại virus tên là paramyxovirus gây ra. Bệnh lây truyền qua đường hô hấp và đường ăn uống, qua những giọt nước bọt khi bệnh nhân nói, ho hoặc hắt hơi.
Bệnh có nhiều biến chứng, trong đó biến chứng viêm tinh hoàn có thể ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng sinh sản của nam giới. Tuy nhiên, không phải cứ mắc bệnh quai bị là sẽ bị vô sinh, còn tùy từng trường hợp biến chứng hay không. Tỉ lệ gặp biến chứng viêm tinh hoàn sau quai bị khoảng 20-35% (nghĩa là cứ 5 nam giới bị quai bị thì một người bị viêm tinh hoàn).
Viêm tinh hoàn do quai bị thường dẫn đến teo tinh hoàn, tổn thương các tổ chức ống sinh tinh của tinh hoàn, ảnh hưởng nặng nề đến khả năng sản xuất tinh trùng. Trong đó, trường hợp viêm teo tinh hoàn 2 bên là biến chứng nguy hiểm nhất khiến nam giới không thể có con tự nhiên do không có tinh trùng. Nếu chỉ viêm teo tinh hoàn một bên thì khả năng sinh sản có thể vẫn được bảo tồn nhờ tinh hoàn còn lại.
Với trường hợp tinh hoàn tổn thương quá nặng do quai bị, tinh hoàn bị teo nhỏ, khả năng sinh tinh kém thì thường cần dùng đến kỹ thuật Micro TESE – phân mô tinh hoàn để tìm tinh trùng. Đây là biện pháp can thiệp sâu để bác sĩ “bới” toàn bộ tinh hoàn để tìm từng con tinh trùng. Khi tìm tinh trùng trên những mẫu mô nhỏ như vậy thì việc lọc tách cũng rất khó khăn, đòi hỏi sự tỉ mỉ.