Dưới góc độ là lãnh đạo một doanh nghiệp chuyên mảng an toàn thông tin, ông Trương Đức Lượng - Chủ tịch Công ty An ninh An toàn mạng Việt Nam (VSEC), Trưởng làng Công nghệ An toàn không gian Mạng Techfest - có những đánh giá thận trọng hơn đối với vấn đề chủ quyền trên nền tảng số.
Theo ông Lượng, trong môi trường đa quốc gia hiện nay, rất khó kiểm soát hoàn toàn các sai phạm chủ quyền trên nền tảng số. Để làm được việc này, Việt Nam cần tạo dựng quyền lực mềm được xây dựng trên nền tảng 3 yếu tố. Ông Trương Đức Lượng đã có buổi chia sẻ với VTC News về vấn đề này.
- Ông đánh giá thế nào về sai phạm gần đây của các doanh nghiệp nước ngoài khi vào Việt Nam, như trường hợp website của các hãng thời trang (H&M, Uniqlo…) hay chuỗi thực phẩm (Mixue) đều có bản đồ chỉ dẫn địa lý dính "đường lưỡi bò" phi pháp?
Xét một cách thẳng thắn, các bản đồ "đường lưỡi bò" trên website doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam không phải do họ thiết kế, mà thường do bên dịch vụ nền tảng bản đồ cung cấp. Doanh nghiệp không thể quản lý hết được phần kỹ thuật trên phần nền tảng do đối tác cung cấp.
Bản đồ, trong đó dính "đường lưỡi bò" phi pháp, do đối tác cung cấp, là một thành tố trong môi trường kinh doanh mà doanh nghiệp không thể kiểm soát hết, cũng không có khả năng kiểm soát, như: Chính trị, pháp luật, văn hóa...v.v.
Theo thời gian, môi trường có thể thay đổi ngoài khả năng quyết định của doanh nghiệp, như ở một số quốc gia sẽ thay đổi thể chế chính trị hay có những thói quen văn hóa bị thay đổi… Các yếu tố bất lợi bên ngoài thường được doanh nghiệp hoạch định vào rủi ro kinh doanh theo các tỉ lệ khác nhau phụ thuộc khả năng của doanh nghiệp.
Các doanh nghiệp nước ngoài khi vào Việt Nam, cũng như doanh nghiệp Việt Nam ra nước ngoài, thường cần đến sự hỗ trợ của công ty địa phương để giúp thuận lợi hơn cho công việc kinh doanh cũng như giảm thiểu tối đa các rủi ro nằm ngoài kiểm soát.
Doanh nghiệp chỉ ở vị thế tốt nhất là trong việc kiểm soát nhận thức về vấn đề chủ quyền. Một công ty hoạt động ở nhiều quốc gia đều phải tuân thủ chủ quyền của quốc gia đích đến, kể cả không gian mạng. Và các hoạt động kinh doanh đều được thực hiện dựa trên các kế hoạch cụ thể và dài hạn, tính đến tối đa các yếu tố khó khăn như nói ở trên.
Tuy nhiên, không phải kế hoạch nào cũng diễn ra thuận lợi như dự định và không phải rủi ro nào xảy ra cũng kiểm soát được. Đơn cử như câu chuyện website của iME - đơn vị tổ chức show diễn của ban nhạc Black Pink có trụ sở ở Trung Quốc - dính "đường lưỡi bò" phi pháp. Đây là đơn vị trung gian tổ chức buổi biểu diễn cho ban nhạc, trong khi đó Black Pink không phải là chủ thể đưa "đường lưỡi bò" vào website của công ty này. Như vậy, công ty quản lý của ban nhạc này nói riêng và các đơn vị tới Việt Nam kinh doanh nói chung phải tiến hành nhiều biện pháp để đảm bảo kế hoạch kinh doanh của họ thành công.
Trong trường hợp xảy ra rủi ro, họ sẽ làm mọi cách để giảm thiểu thiệt hại. Nhưng xét đơn thuần, mục tiêu vẫn là bài toán kinh doanh, không phải bài toán xây dựng gìn giữ chủ quyền. Sự việc này không hàm ý doanh nghiệp không cần quan tâm đến chủ quyền lãnh thổ mà nhằm nhấn mạnh rằng mục tiêu cao nhất của doanh nghiệp là phát triển kinh doanh, và thông thường doanh nghiệp sẽ tập trung sự chú ý vào mục tiêu này cao nhất.
Việc kinh doanh đa quốc gia thì doanh nghiệp sẽ phải làm quen và tương thích môi trường chính trị đa dạng cũng như quan điểm khác nhau. Vượt qua sự khác biệt này là vượt qua rất nhiều rào cản. Vấn đề chủ quyền trên không gian mạng là một trong những thách thức hiện hữu.
- Vậy sẽ khó yêu cầu doanh nghiệp luôn giám sát thông tin trên các nền tảng số của họ?
Các hoạt động kinh tế đa quốc gia trong đa số trường hợp không phải là hoạt động cộng đồng. Vì thế, khả năng chủ quyền quốc gia, cụ thể ở đây là bản đồ "đường lưỡi bò" phi pháp, xuất hiện trong các góc khuất của hoạt động này gần như rất khó kiểm soát.
Nếu các doanh nghiệp có mô hình kinh doanh trực tiếp cho người dùng cá nhân, như là các bộ phim hay các hãng thời trang, thì mỗi động thái của họ đều được cộng đồng theo dõi sát sao. Nhưng với các hoạt động kinh doanh khác, và đây mới là góc khuất đáng chú ý của vấn đề chủ quyền trên nền tảng số, như kinh doanh giữa các doanh nghiệp với doanh nghiệp. Đây là loại hình giao dịch mà việc vi phạm chủ quyền trên các ấn phẩm chỉ dẫn địa lý điện tử khó phát hiện hoặc mất thời gian dài.
Biện pháp hiệu quả nhất là tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức, nâng cao tình yêu đất nước. Các vi phạm về chủ quyền hoàn toàn có thể kiểm soát thông qua các thỏa thuận, điều khoản hợp đồng. Khi các doanh nghiệp đa quốc gia làm ăn tại Việt Nam, sẽ phải nắm chắc luật pháp Việt Nam, đồng thời phải hiểu rõ văn hóa, ngôn ngữ và lịch sử của Việt Nam.
- Ông có thể chỉ rõ hơn sự khác nhau của chủ quyền trên thực tế và chủ quyền trên không gian mạng?
Không gian số và không gian thật có nhiều thứ khác nhau. Luật pháp về chủ quyền hiện vẫn có sức mạnh và ràng buộc trên không gian vật lý thật. Trong khi đó, rất khó áp dụng các luật này trên không gian mạng. Thực tế, không gian số mà doanh nghiệp sử dụng phục vụ kinh doanh về cơ bản đều là công cụ, không phải là các thực thể cố định và dễ dàng thay đổi. Mỗi người tiếp cận không gian số và sử dụng với mục đích và mục tiêu khác nhau, nên khó kiểm soát hơn rất nhiều khi so sánh với không gian vật lý thật.
Những người xây dựng chủ quyền trên không gian mạng sẽ cần có cách nhìn khác với không gian phi vật lý, chủ quyền lúc này không đơn giản là chiếc máy tính hay là địa chỉ IP. Để tạo được sự gắn kết bảo vệ chủ quyền không gian mạng, phải tính đến các yếu tố khác. Lúc này, theo tôi cần quan tâm đến 3 yếu tố mềm, bao gồm: Văn hóa, ngôn ngữ, nguồn gốc (hay lịch sử). Nếu không duy trì được 3 yếu tố này, rất khó giữ được chủ quyền trên không gian số.
Để làm được việc này, không chỉ thực hiện những vấn đề về mặt kỹ thuật - vốn chỉ là một yếu tố nhỏ. Những tình huống phát hiện ra việc vi phạm chủ quyền trên không gian mạng như bản đồ "đường lưỡi bò" phi pháp sẽ không chỉ dựa trên bộ máy công nghệ khổng lồ nữa mà sẽ có cộng đồng lớn phát hiện ra.
Khi xây dựng đủ 3 yếu tố nói trên, lợi ích từ đặc tính mở của không gian mạng sẽ được phát huy tích cực, hàng vạn tiếng nói bảo vệ sẽ được lan tỏa. Cộng đồng sẽ là cánh tay nối dài, giúp tạo ra biên giới quốc gia trên không gian mạng. Đồng thời nó cũng là công cụ đắc lực, hỗ trợ cho việc bảo vệ chủ quyền trên không gian thực.
Khi làm tốt sự nhận diện của cộng đồng, cũng sẽ giúp giảm bớt gánh nặng của doanh nghiệp đa quốc gia khi hoạt động kinh doanh trong môi trường quốc tế, không chỉ của doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam mà còn là của Việt Nam khi ra nước ngoài.
(Inforgraphic: Trà Khánh)