Một tiểu hành tinh mới được các nhà khoa học phát hiện đã "bay sượt" qua Trái đất lúc 1 giờ 28 phút 42 giây sáng 12/4, theo giờ Việt Nam. Khoảng cách thiên thể này tạo ra với hành tinh xanh được miêu tả là rất gần, và may là vô hại.
Đó là tiểu hành tinh 2024 GJ2 kích thước gần bằng một chiếc ô tô. Kể từ khi được phát hiện hôm 9/4, các nhà thiên văn học tính toán rằng nó sẽ sượt qua Trái đất ở khoảng cách chỉ 18.700 km - tức là chỉ 3% độ dài giữa Trái đất và Mặt trăng. Khoảng cách này còn gần hơn cả vệ tinh môi trường địa tĩnh GOES của Mỹ bay ở độ cao gần 36.000 km so với mặt đất.
Ảnh minh họa quỹ đạo của 2024 GJ2 (màu trắng) và của Trái đất (màu xanh). (Ảnh: NASA)
Theo Cơ quan Vũ trụ Châu Âu (ESA), 2024 GJ2 kích thước từ 2,5 đến 5 mét. Với kích thước như vậy, kể cả có lao thẳng vào hành tinh chúng ta thì nó cũng sẽ mau chóng bị bốc cháy do ma sát với khí quyển.
Theo Trung tâm điều phối các vật thể gần Trái đất của ESA, phải đến năm 2093 tiểu hành tinh này mới lại tiếp cận thật gần Trái đất. Tới thời điểm đó, tiểu hành tinh này cũng sẽ không bay gần đến mức như hiện nay. Khoảng cách tiếp cận năm 2093 của GJ2 được ước tính sẽ là 205.947 km - xa hơn gấp 10 lần so với lần bay sượt vừa qua và hơn quá nửa khoảng cách giữa Trái đất với Mặt trăng.
Cho đến nay, NASA lập danh mục gần 35.000 tiểu hành tinh gần Trái đất, và rất ít trong số đó gây ra bất kỳ mối đe dọa nào cho hành tinh chúng ta.
Không gian quanh Trái đất không thực sự tĩnh lặng. Theo NASA, khoảng 48,5 tấn thiên thạch rơi xuống Trái đất mỗi ngày. Hầu hết các thiên thạch này đều rất nhỏ, có thể chỉ bằng hạt cát nên bốc cháy ngay khi đi vào bầu khí quyển Trái đất.
Viện Khoa học Hành tinh ước tính rằng để một thiên thạch có thể chạm tới mặt đất, nó sẽ phải to ít nhất 25 mét khi chạm mặt bầu khí quyển.
Theo NASA, một thiên thạch to bằng chiếc ô tô sẽ va vào hành tinh của chúng ta khoảng một năm một lần.
Để có khả năng gây mức độ hủy diệt toàn cầu, tiểu hành tinh phải có kích cỡ 1-2 km. Còn tiểu hành tinh với kích cỡ 10 km đủ sức tạo ra sự kiện tuyệt chủng cấp hành tinh. Trong quá khứ, tiểu hành tinh Chicxulub góp phần dẫn đến sự "xóa sổ" của khủng long trên hành tinh chúng ta đã sở hữu kích thước này.