Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Tiểu đường thai kỳ: Kiểm soát tốt để bảo vệ cho cả mẹ và bé

Đái tháo đường thai kỳ (ĐTĐTK) không còn là chuyện “xa xôi”, khi tỷ lệ mắc đã tăng vọt trong 10 năm gần đây.

Theo thống kê của Hiệp hội Sản phụ khoa thế giới vào năm 2015, tỷ lệ mắc ĐTĐTK chiếm khoảng 16% trên tổng số thai phụ. Tại Việt Nam, con số này xấp xỉ 20%, tức là cứ mỗi 5 thai phụ lại có 1 người mắc ĐTĐTK. Mặc dù rất phổ biến, gây ra nhiều nguy cơ cho cả mẹ lẫn bé, nhưng ĐTĐTK vẫn chưa được hiểu đúng trong cộng đồng, dẫn đến tình trạng không biết cách phòng ngừa và kiểm soát ĐTĐTK đúng cách.

Muốn có một thế hệ khỏe mạnh hơn: Phải phòng ngừa và kiểm soát được ĐTĐTK

Tại hội thảo về ĐTĐTK được tổ chức tháng 10 vừa qua, PGS.TS.BS Huỳnh Nguyễn Khánh Trang một lần nữa đã nêu ra những con số đáng lo ngại về thực trạng ĐTĐ. Cụ thể, Việt Nam đang có hơn 5 triệu người mắc ĐTĐ, cao nhất khu vực Đông Nam Á. Trong đó, 65% người mắc tại Việt Nam không biết mình mắc ĐTĐ.

Trong vòng 10 năm, tỷ lệ gia tăng người mắc ĐTĐ tại Việt Nam lên đến 211%. Tính riêng trong nhóm các thai phụ, tại Bệnh viện Phụ sản Hùng Vương, trong vòng 4 năm gần đây nhất (2014-2017), tỷ lệ mắc ĐTĐTK đều ở mức 18-25%.   

Đái tháo đường thai kỳ có nguy cơ gây ra những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng trong trong ngắn hạn và dài hạn cho cả mẹ và bé nếu bệnh không được kiểm soát tốt.  Trong đó, sự ảnh hưởng của ĐTĐTK trên thai nhi có thể sẽ dẫn đến thai to, thai chết lưu, sang chấn, đa ối, suy hô hấp, rối loạn chuyển hóa. ĐTĐTK làm gia tăng tỉ lệ dị tật thai, thai nhi dễ bị rối loạn tăng trưởng (thai quá to hoặc quá nhỏ).

Thai quá to có thể gặp phải các sang chấn lúc sinh như trật khớp vai, gãy xương đòn, liệt đám rối thần kinh cánh tay… Sau khi chào đời, trẻ sơ sinh có mẹ bị ĐTĐTK thường dễ bị suy hô hấp, hạ đường huyết, hạ canxi, vàng da… đồng thời gia tăng nguy cơ mắc bệnh béo phì, đái tháo đường tuýp  2, cao huyết áp, tim mạch khi trưởng thành. 

Thực tế đã cho thấy, có những trường hợp, trẻ sinh ra từ mẹ mắc ĐTĐTK chịu những di chứng nặng, phải gắn với bệnh tật suốt đời.

Trong khi đó, nhận thức của thai phụ, của cộng đồng với ĐTĐTK vẫn còn nhiều hạn chế. Một số thai phụ chủ quan cho rằng ĐTĐTK quá phổ biến, nhiều người mắc như mình nên không đáng lo, có thể tự khỏi sau khi sinh. Một số thai phụ khác lại lo lắng quá mức, song lại không biết cách để kiểm soát tốt tình trạng ĐTĐTK như thế nào.

Để kiến tạo một thế hệ khỏe mạnh, cần bắt đầu từ những việc làm cấp thiết, như truyền thông rộng rãi, xây dựng một sự hiểu biết đúng đắn về ĐTĐTK. Điều này giúp thai phụ có thể phòng ngừa và kiểm soát tốt ĐTĐTK, tránh những nguy cơ cho chính bản thân mình và cho em bé.

Bộ Y tế hợp tác cùng Abbott để kiểm soát ĐTĐTK

Hướng đến việc hành động ngay để cải thiện tích cực trước thực trạng ĐTĐTK tại Việt Nam, Bộ Y tế và công ty chăm sóc sức khỏe hàng đầu thế giới Abbott đã hợp tác và triển khai chương trình “Phòng ngừa và Quản lý Đái tháo đường thai kỳ, góp phần phòng chống các bệnh không lây nhiễm tại Việt Nam” để phòng ngừa và quản lý ĐTĐTK.

 

Tháng 10 vừa qua, Bộ Y tế phối hợp cùng Abbott đã chính thức cho ra mắt Hướng dẫn Quốc gia về Dự phòng và Kiểm soát ĐTĐTK. Đây là Hướng dẫn Quốc gia đầu tiên được xây dựng và ban hành rộng rãi về ĐTĐTK tại Việt Nam, giúp chuẩn hóa kiến thức, tạo sự đồng bộ trên toàn quốc cho nhân viên y tế để có thể hỗ trợ tốt nhất cho thai phụ mắc ĐTĐTK và nâng cao sức khỏe cho người dân.

Sau hội thảo nhằm phổ biến Hướng dẫn Quốc gia này tại 3 thành phố lớn là Hà Nội, Đà Nẵng, và TP. Hồ Chí Minh, các bước tiếp theo của chương trình sẽ là triển khai sâu rộng Hướng dẫn Quốc gia về “Dự phòng và Kiểm soát ĐTĐTK” đến từng địa phương, giúp nâng cao kiến thức và hiệu quả của đội ngũ nhân viên y tế địa phương, từ đó phát triển chương trình sàng lọc và chẩn đoán được chuẩn hóa, giáo dục bệnh nhân và cộng đồng về cách thay đổi lối sống cũng như chế độ ăn uống cho những người mắc ĐTĐ TK…

Dự án này là một bước tiến trong mối quan hệ hợp tác chiến lược giữa Bộ Y tế và Abbott, hướng tới việc cải thiện vấn đề chăm sóc sức khỏe cho người dân, xây dựng một cộng đồng khỏe mạnh, với chất lượng cuộc sống ngày càng được nâng cao.

Vĩnh Khoa

Tin mới