Đã bước sang kỳ học thứ 2 năm học 2021-2022, nhưng hôm nay, học sinh cấp 1 tại các trường tiểu học ngoại thành Hà Nội mới được đến trường.
Tại Trường Tiểu học Song Phượng (huyện Đan Phượng, Hà Nội), tiết học môn Toán tại lớp 3C của cô Đào Thanh Hoa ngập tràn không khí phấn khởi, vui tươi, song cũng có cả sự ngại ngùng, bỡ ngỡ khi nhiều tháng liền học sinh đã quen với việc học trực tuyến.
Học sinh Trường Tiểu học Song Phượng trong tiết học đầu tiên.
Trên bục giảng, cô Hoa vừa giảng bài, hướng dẫn học sinh trên lớp, vừa quan sát lớp học online trên phần mềm zoom để hướng dẫn các em học sinh F0, F1 đang học tại nhà.
“Nguyên học kỳ 1, các con đều phải học trực tuyến, thầy cô chỉ có thể hướng dẫn, quan sát các con học qua màn hình máy tính. Hôm nay ngày đầu tiên cô trò được gặp lại nhau sau nhiều tháng xa cách. Song cả cô và trò đều khá lo lắng khi dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, nhiều tháng mới được trở lại trường, một số học sinh còn quên mất cách học, tương tác trực tiếp. Chúng tôi vẫn rất cố gắng để các con có thể hòa nhập sớm với việc học trên lớp”, cô Hoa chia sẻ.
Trong buổi học đầu tiên, thay vì dạy kiến thức, cô Hoa dành phần lớn thời gian để hướng dẫn, dặn dò học sinh cách phòng chống dịch bệnh, giữ gìn sức khỏe.
Lớp 3C do cô Đào Thanh Hoa chủ nhiệm có 3 học sinh là F0, F1 đang học trực tuyến tại nhà.
Cô Đào Thanh Hoa (Trường Tiểu học Song Phượng) dạy kết hợp giữa trực tuyến và trực tuyến trong cùng một tiết học.
“Giáo viên vừa phải hướng dẫn các em trên lớp cũng như sát sao với những học sinh đang học online. Theo phương pháp này cả cô và trò đều gặp những khó khăn nhất định nhưng chúng tôi vẫn cố gắng phối hợp cùng phụ huynh để đảm bảo việc học cho các con”, cô Hoa nói.
Cô Đào Thanh Hoa cho biết thêm, trước ngày đi học trực tiếp, một số phụ huynh vẫn lo ngại về việc đưa con đến trường, song với sự chuẩn bị kỹ lưỡng của nhà trường cũng như nhận thức rõ những bất cập trong quá trình học trực tuyến thời gian dài, đến nay hầu hết phụ huynh đã đồng tình ủng hộ đưa con em đến trường.
Tiết học tiếng Anh của cô Kim Thị Lan, Trường Tiểu học Tân Lập B (Đan Phượng, Hà Nội) sinh động và hào hứng hơn bao giờ hết khi sau nhiều tháng cô trò chỉ tương tác online, đến nay được trò chuyện, hoạt động trực tiếp bằng tiếng Anh.
Khi dạy những động từ mới, không chỉ trình chiếu hình ảnh minh họa cho từ tiếng Anh, trên bục giảng, cô Lan còn tự mô phỏng từ đó bằng hành động trực quan khiến học sinh thích thú, nhanh chóng đoán được ngữ nghĩa tiếng Việt của từ mới. Học sinh cũng được giáo viên mời đứng lên diễn tả bằng hành động và đọc to từ bằng tiếng Anh.
Cô Kim Thị Lan, giáo viên tiếng Anh trường tiểu học Tân Lập B.
“Cả cô và trò đều rất vui mừng, hào hứng khi học trực tiếp. Với môn tiếng Anh, khi học online khá khó khăn do hạn chế sự tương tác giữa cô và trò. Chúng tôi hy vọng dịch bệnh nhanh chóng qua đi để các con được học trực tiếp, được nói chuyện với nhau bằng tiếng Anh nhiều hơn trong các tiết học, giờ ra chơi…”, cô Kim Thị Lan nói.
Đảm bảo an toàn cho học sinh khi đi học
Để học sinh được đến trường học trực tiếp, các trường tiểu học ngoại thành Hà Nội đã tích cực chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cần, sẵn sàng các phương án xử ký mọi kịch bản có thể xảy ra.
Cô Nguyễn Thị Nga, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tân Lập B cho biết, ngay từ 6h sáng, toàn bộ giáo viên đã có mặt tại trường để đón học sinh trở lại. Trước đó, trường cũng đã chuẩn bị đầy đủ các trang thiết bị cần thiết từ phòng cách ly, máy đo thân nhiệt tự động, dung dịch sát khuẩn tay, khẩu trang… Giáo viên toàn trường cũng đã được tập huấn sẵn sàng xử lý các tình huống có thể xảy ra.
Cô Nguyễn Thị Nga, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tân Lập B (bên phải) đến động viên học sinh trong tiết học đầu tiên.
Theo cô Nguyễn Thị Nga, việc học nửa ngày, không tổ chức ăn bán trú khiến một số phụ huynh gặp những khó khăn nhất định trong việc đưa đón con, song giáo viên toàn trường cũng nỗ lực hỗ trợ phụ huynh một cách tốt nhất.
Toàn Trường Tiểu học Tự Lập B có 1.070 học sinh, trong đó 6 học sinh F0, 4 học sinh F1 không đủ điều kiện đến trường. Để đảm bảo không để học sinh nào bị bỏ lại phía sau, trường lắp đặt camera tại các lớp để học sinh có thể học trực tuyến. Với những em lớp 1, lớp 2 khó khăn khi tự học online, nhà trường đã bố trí giáo viên để dạy trực tuyến cho các em vào buổi tối.
Cô Nguyễn Thị Thắng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Song Phượng (Đan Phượng, Hà Nội) chia sẻ, để đón học sinh trở lại trường, trước đó, nhà trường cũng đã lên phương án kèm theo quy trình cụ thể. Trường cũng đã xây dựng mức độ đánh giá an toàn trường học, phổ biến quy trình đón học sinh trở lại cho toàn bộ giáo viên cũng như phụ huynh học sinh để cùng phối hợp.
Để đảm bảo giãn cách, trường tiểu học Song Phượng chia ca dạy học, trong đó khối 3, 4 học buổi sáng, khối 1, 2, 5 học buổi chiều.
“Khi chuyển từ học trực tuyến sang học trực tiếp, nhiều học sinh còn rất bỡ ngỡ, nhà trường đã yêu cầu giáo viên, nhân viên hướng dẫn, động viên các con, bên cạnh đó cũng đẩy mạnh việc tuyên truyền để phụ huynh yên tâm đưa con đến trường. Trước khi học sinh đi học trở lại, nhà trường đã rà soát chương trình, xây dựng kế hoạch học tập của từng khối lớp, đảm bảo kết thúc chương trình đúng thời gian quy định và đảm bảo kiến thức, kỹ năng cho học sinh. Trong những buổi học đầu tiên, chúng tôi chỉ đạo giáo viên chú trọng động viên, tổ chức các hoạt động tạo hứng thú học tập cho học sinh. Trong tuần tới, trường cũng sẽ tổ chức hoạt động trải nghiệm tại lớp để tặng quà cho những em có hoàn cảnh khó khăn trong thời gian dịch bệnh”, cô Thắng chia sẻ.
Ông Nguyễn Quý Liễu, Phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đan Phượng cho biết, trong ngày đầu tiên, 16/16 trường tiểu học của các xã, thị trấn mở cửa tổ chức dạy học trực tiếp. Các trường thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch theo hướng dẫn liên ngành của Sở Y tế Hà Nội và Sở GD-ĐT Hà Nội.
“Lần này khi các trường tiểu học dạy trực tiếp đã có những thuận lợi hơn khi chúng tôi có kinh nghiệm từ việc mở cửa các trường THCS trước đó. Phòng GD-ĐT huyện Đan Phượng cũng đã chỉ đạo các trường thực hiện nghiêm 3 quy trình gồm đón học sinh trước cổng trường, trong sân trường và trong lớp học. Việc vệ sinh khử khuẩn cũng được các trường làm kỹ lưỡng. Bên cạnh đó, các trường cũng đã tập huấn cho giáo viên, đảm bảo tất cả đều nắm chắc quy trình để có thể xử lý khi phát sinh tình huống xấu, không lúng túng, không hoang mang”, ông Liễu cho hay.
Phó Trưởng phòng GD-ĐT huyện Đan Phượng cho biết thêm, từ nay đến cuối năm học, bên cạnh việc dạy kiến thức mới, các trường sẽ tích cực bổ trợ kiến thức trong thời gian học sinh học trực tuyến, đồng thời rà soát lại chất lượng học trực tuyến để có những định hướng tốt hơn trong dạy và học.