Thứ trưởng Bộ kế hoạch và Đầu tư (Bộ KH&ĐT) Trần Quốc Phương cho biết, hồ sơ đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp 144 nghìn tỷ đồng là đúng quy định nên không có lý do gì để cơ quan chức năng không cấp phép.
Tuy nhiên, đại diện Bộ KH&ĐT thừa nhận, quy mô vốn của doanh nghiệp này đăng ký 6,3 tỷ USD (tương đương 144 nghìn tỷ đồng ) là bất thường.
Thứ trưởng Bộ kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương.
"Cơ quan đăng ký kinh doanh đã vừa một mặt tôn trọng đơn vị đăng ký, vừa phối hợp cơ quan liên quan để giám sát, theo dõi việc nộp đủ tiền đã cam kết trong 90 ngày. Trong thời gian tới, cơ quan chức năng sẽ tiếp tục theo dõi, giám sát doanh nghiệp. Nếu có việc sửa đổi hồ sơ hay đăng ký lại thì chúng tôi sẽ tiếp nhận và xử lý theo pháp luật”, ông Trần Quốc Phương khẳng định.
Thứ trưởng Bộ KH&ĐT cũng nhấn mạnh, vụ việc là bài học quý giá để quản lý đăng ký kinh doanh theo cơ chế hậu kiểm, song song là nâng cao ý thức của người dân và doanh nghiệp.
Cuối tháng 2/2020, Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho một doanh nghiệp có vốn điều lệ là 144.000 tỷ đồng trong lĩnh vực bất động sản, xây dựng.
Theo Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), doanh nghiệp này có địa chỉ ở Hoài Đức, Hà Nội được Phòng đăng ký kinh doanh của Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp công ty cổ phần với vốn điều lệ là 144.000 tỷ đồng.
Mới đây, bà Kim Thị Phượng, một trong 3 cổ đông tham gia thành lập doanh nghiệp đã cùng luật sư tới Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hà Nội với mục đích hủy bỏ việc thành lập công ty.
Tuy nhiên, theo Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, luật pháp quy định rất rõ về quy trình đăng ký, cũng như giải thể doanh nghiệp. Những thủ tục hiện nay đã tương đối thuận lợi, nhưng không vì thế mà muốn thì đăng ký, còn không thì rút ngay lập tức. “Một khi đã thành lập doanh nghiệp nghĩa là đã phát sinh quyền và nghĩa vụ liên quan, không phải muốn hủy là hủy ngay được”, vị đại diện Cục Quản lý đăng ký kinh doanh nói.
“Siêu doanh nghiệp" này có 3 cổ đông góp vốn. Trong đó cổ đông thứ nhất là bà Kim Thị Phương góp 43.200 tỷ đồng tương ứng tỷ lệ sở hữu 30% vốn. Cổ đông thứ hai là Nguyễn Hoàn Sơn góp 57.600 tỷ đồng tương ứng tỷ lệ sở hữu là 40% vốn. Và cổ đông thứ ba là Trần Gia Phong góp vốn 43.200 tỷ đồng tương ứng tỷ lệ sở hữu 30% vốn.