Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Tiếng máy đọc vô hồn từ các điện thoại xung quanh khiến tôi hoang mang

(VTC News) -

Tôi hết sức hoang mang khi bị bủa vây bởi tiếng máy đọc vô hồn trong các video phát ra từ điện thoại xung quanh; không hiểu sao loại clip này phổ biến đến vậy.

Sự bành trướng của các video mà giọng đọc của MC, phát thanh viên được thay bằng giọng của người máy trên không gian mạng đang làm đảo lộn toàn bộ hiểu biết, quan niệm của tôi về sản phẩm nội dung dạng video từ trước đến nay.

Bên cạnh hình ảnh, tiếng là phần thông tin bổ sung cực kỳ quan trọng. Thông tin đó không chỉ đến từ văn bản mà còn từ giọng đọc, cách đọc. Tốc độ nhả chữ, vị trí ngắt nghỉ, sự nhấn nhá, cao độ của âm thanh… giúp khán giả cảm nhận được cả những thứ nằm phía sau văn bản, đó là cảm xúc, thái độ, thậm chí cả quan điểm, khuynh hướng mà tác giả muốn thể hiện.

Nhờ đó mà thông điệp của tác phẩm được truyền tải hiệu quả hơn, mục đích định hướng, nếu có, cũng dễ đạt hơn.

Chính vì thế nên không phải người nào cũng có thể làm MC hay phát thanh viên. Để có thể trúng tuyển vào vị trí đó, bao người đã phải học tập, rèn luyện rất nhiều.

Vậy mà giờ đây, phần lời của đại đa số các video được gọi là “review phim”, “phổ biến thông tin, tri thức” trên mạng xã hội lại được đọc bằng máy, với chất lượng cực kỳ tệ. Bất kỳ con người thật nào dù đọc dở đến mấy cũng không thể kém bằng.

Không biết có phải vì những phần mềm chuyển từ văn bản sang giọng nói ấy là sản phẩm copy của phương Tây hay không mà văn bản tiếng Việt được đọc lên có rất nhiều chỗ phát âm sai về vần và dấu. Ngắt nghỉ sai ngữ pháp thì nhiều vô kể.

Giờ đây, phần lời của đại đa số các video được gọi là “review phim”, “phổ biến thông tin, tri thức” trên mạng xã hội được đọc bằng máy. (Ảnh: GeekWire)

Nhưng đáng sợ hơn cả là giọng đọc vô hồn, vô cảm như tra tấn thần kinh người nghe. Bất kể là câu chuyện nào, phong cách văn bản nào, nội dung diễn biến ra sao cũng được đọc lên bằng cái giọng máy móc đều đặn, không màu sắc ấy. Không biết người khác cảm nhận ra sao, nhưng với tôi, nó triệt tiêu mọi cảm xúc và cản trở sự tiếp nhận.

Ấy vậy mà giờ đây, âm thanh ấy vang lên ở khắp mọi nơi. Dù đang ngồi ở quán cà phê, ở sân bay, đang nghỉ trưa tại công sở hay chọn rau ngoài chợ, tôi đều nghe thấy giọng đọc máy móc phát ra từ những chiếc điện thoại xung quanh mình. Thậm chí khi vào quán ăn, nhà hàng, màn hình tivi cũng phát những video tóm tắt phim dài dằng dặc với tiếng nói của robot.

Người ta mê mải xem hết clip này đến clip khác. Những video ấy có hàng chục nghìn, hàng trăm nghìn, thậm chí hàng triệu lượt xem.

Đây thực sự là hiện tượng quái gở!

Phân tích nguyên nhân của hiện tượng này là phần việc của các nhà nghiên cứu về truyền thông, tâm lý, xã hội học. Nhưng ảnh hưởng của nó, tôi cho là rất tai hại. Chưa nói đến nội dung mà những video này truyền tải tốt hay xấu, chỉ riêng giọng đọc vô hồn kia đã đủ làm hỏng khả năng cảm thụ của người nghe, dần dần “máy hóa” con người.

Thời 4.0, vây quanh chúng ta là các sản phẩm của công nghệ số, công nghệ robot, trí tuệ nhân tạo. Chúng phục vụ con người tận răng, nhưng cũng có thể khiến nhân loại xa rời thiên nhiên hơn, thậm chí xa dần phần tự nhiên của chính bản thân mình.

Mấy chục nghìn năm qua, con người giao tiếp với nhau bằng tiếng nói. Ngày nay, dân số thế giới tăng cao đến nỗi mọi xó xỉnh trên hành tinh đều có mặt con cháu của A đam và Eva, vậy mà chúng ta toàn phải nghe tiếng của robot, phải nhờ robot để nói cho nhau nghe.

Phim ảnh là sản phẩm nghệ thuật, là lĩnh vực của cảm xúc, nghe máy đọc như vậy thì có thể cảm nhận được gì, hay càng khiến cho khả năng rung cảm, xúc động của con người ngày càng cùn mòn, chai sạn? Lâu dần, liệu tâm hồn có tê liệt, cứng lạnh? Một khi máy móc chiếm lĩnh cả địa hạt tâm hồn, e rằng nhân tính cũng sẽ lùi bước.

Có lẽ sự xâm chiếm của loại video đọc máy là xu hướng khó ngăn, vì nó giúp những người sản xuất nội dung trên mạng dễ dàng, nhanh chóng tạo ra sản phẩm với chi phí thấp. Tuy nhiên, tôi hy vọng những người dùng mạng tỉnh táo ít nhất cũng ngăn lũ trẻ nhà mình xem loại video đó. Chúng ta cố gắng cho con mình ăn thực phẩm hữu cơ được sản xuất theo quy trình tự nhiên nhất có thể, vậy cũng hãy để trẻ được lớn lên trong thứ ngôn ngữ tự nhiên, thấm đẫm cảm xúc, phát ra từ con người.

Như vậy, trẻ mới có thể phát triển tốt nhất, toàn diện cả về thể chất, trí tuệ và cảm xúc, tâm hồn, không bị máy móc “đồng hóa”.

Bạn có đồng tình với ý kiến trên? Hãy chia sẻ ở box bình luận bên dưới.

TRẦN HẠNH

Tin mới