Bài báo "Behavioral and brain- transcriptomic synchronization between the two opponents of a fighting pair of the fish Betta splendens" được đăng trên tạp chí uy tín PLOS Genetics vào tháng 6/2020, do Vũ Triệu Đức – khi đó nghiên cứu sinh tại Học viện Công nghệ Tokyo (Tokyo Institute of Technology) - là tác giả thứ nhất.
Mở hướng nghiên cứu mới
Tiến sĩ Vũ Triệu Đức.
Đây là hướng nghiên cứu được dự đoán sẽ góp phần vào việc lý giải các cơ chế tương tự ở người. Từ một câu hỏi “Não của hai con cá chọi phản ứng như thế nào khi chúng giương vây kịch chiến?”, anh Đức và các cộng sự mở ra hướng nghiên cứu mới về mức độ hoạt động của gene trên bộ não của hai cá thể riêng biệt khi chúng tương tác với nhau.
Anh Đức cho biết năm 1973, giải Nobel về Y học được trao cho ba nhà nghiên cứu vì cống hiến của họ cho một ngành khoa học rất mới mẻ - khoa học hành vi. Một ví dụ điển hình trong nghiên cứu của họ là việc tìm ra được phương cách ong mật truyền đạt thông tin về khoảng cách và phương hướng của nguồn thức ăn tới những thành viên của nó như thế nào.
Anh chia sẻ: “Nghiên cứu về cá chọi của chúng tôi cũng là một nghiên cứu cơ bản như thế. Ở bài báo đã đăng, chúng tôi tập trung tìm hiểu hoạt động của gen trong quá trình hai con cá chọi giao chiến với nhau. Chúng tôi đã chỉ ra rằng hoạt động của các gen trên não của hai con cá hoạt động đồng bộ để bổ trợ cho quá trình giao chiến.
Từ nghiên cứu sự tương tác giữa gene và hành vi của hai con cá chọi, chúng tôi sẽ mở ra hướng nghiên cứu về hoạt động đồng bộ của gene trên bộ não của hai cá thể riêng biệt ở động vật bậc cao, thậm chí là ở người”.
Anh Đức đưa ra ví dụ một nghiên cứu từ những năm 1980 cho thấy những cặp vợ chồng đã sống với nhau trong một thời gian dài có xu hướng trông ngày càng giống nhau. Điều này có thể báo hiệu sự hội tụ của hoạt động gene, và nghiên cứu của chúng tôi được dự đoán sẽ góp phần lý giải nó. Mục đích nghiên cứu của chúng tôi là để tiệm cận đến việc hiểu về con người hơn, chứ không chỉ dừng lại ở cá chọi hay bất kể là loài cá gì khác.
Theo anh Đức, nghiên cứu của nhóm có thể xem là nghiên cứu tiên phong trong việc chỉ ra hoạt động đồng bộ của gen trên bộ não của hai cá thể riêng biệt khi chúng tương tác với nhau.
Vì nghiên cứu này của nhóm chỉ giới hạn về hành vi gây hấn, nên nếu có thể nói một cách suy đoán thì tôi cho rằng hầu như tất cả các hành vi đã được chứng minh ở mức độ hoạt động của nơ-ron thần kinh thì đều có thể chứng minh ở mức độ hoạt động của gene.
Nhóm nghiên cứu của anh Đức quay video hơn 10 giờ chiến đấu giữa 17 cặp cá và sau đó phân tích những hành vi gì đã diễn ra – lẫn thời điểm – trong mỗi trận chiến.
Khi được xuất bản, bài báo đã thu hút sự chú ý của một số trang đưa tin lớn của Nhật và chuyên về khoa học như Science News, News Break, được giới thiệu ở Khoa Khoa học thần kinh của ĐH Illinois Urbana-Champaign (Mỹ)…
Với anh Đức, câu hỏi tiếp theo là “Hoạt động đồng bộ của các gen này sẽ như thế nào sau khi cuộc chiến giữa chúng kết thúc?”. Đây là dự án mà anh Đức đã và đang theo đuổi.
Một kết quả rất đáng chú ý mà anh Đức quan sát được đó là số lượng những gen liên quan đến “trí nhớ dài hạn” được tìm thấy nhiều hơn và mức độ biểu hiện của chúng cao hơn hoặc thấp hơn rất nhiều ở những con thua so với những con thắng sau khi cuộc chiến kết thúc. Thêm nữa, những gen liên quan đến bệnh “tự kỷ” chỉ tìm thấy ở con thua mà không tìm thấy ở con thắng…
“Kết quả này gợi mở ra nhiều điều thú vị về việc sử dụng cá chọi làm mô hình nghiên cứu các bệnh liên quan đến thần kinh ở người” – anh Đức kỳ vọng.
Trong hai năm tới đây, khi là phó giáo sư ở Đại học Y Dược Kitasato (Nhật Bản), anh Đức sẽ dùng mô hình cá chọi để tìm hiểu về cơ chế tác động của một vài loại thuốc đã được sử dụng trên bệnh nhân tự kỷ trong việc điều khiển hành vi ở những con thua.
9 lần bị từ chối
Nghiên cứu về cá chọi của anh Đức bắt đầu từ năm 2013. Bài báo trải qua quá trình bình duyệt bắt đầu từ năm 2017 tới tháng 5/2020, từng bị 9 tạp chí từ chối. Tuy nhiên, Đức cho biết anh không dễ bị mất niềm tin vì đã cụ thể hóa được mục tiêu làm nghiên cứu sinh từ trước.
Trong 3 năm đó, chỉ có một lần anh Đức nghĩ tới chuyện từ bỏ do liên quan đến việc gia đình. Tuy nhiên, sau khi thu xếp được, anh đã tiếp tục quay lại Nhật để làm cho xong dự án cũng như việc học.
Anh nhớ lại: “Đến lần thứ 10, giáo sư Gregory S. Barsh, Tổng biên tập PLOS Genetics, ban đầu cũng có vẻ ngần ngại. Nhưng cuối cùng, ông đã liên hệ trao đổi thêm với nhóm nghiên cứu và còn quyết định mời thêm GS Alison Bell - một trong những chuyên gia hàng đầu về khoa học hành vi, bình duyệt bài báo”.
Theo anh Đức, việc phải chờ đợi 3 năm cho tới lúc công trình nghiên cứu được xuất bản đã giúp anh học được cách làm việc chăm chỉ và tìm thấy ý nghĩa trong từng công việc mình làm. Bên cạnh đó là tạo cho bản thân một cái tâm lý “lỳ đòn” và tinh thần cầu thị học hỏi, cộng tác với những người xung quanh.
Anh Vũ Triệu Đức trong phòng thí nghiệm tại Nhật Bản.
Vốn là thạc sỹ ngành Công nghệ sinh học, trước khi qua Nhật Bản làm nghiên cứu sinh, anh Vũ Triệu Đức đã có 5 năm kinh nghiệm làm việc tại Viện Nghiên cứu hải sản Hải Phòng, Viện nghiên cứu nghề cá (Namibia), Viện Hàn lâm khoa học Sinica (Đài Loan).
Với con đường khá thuận lợi phía trước, ít ai có thể nghĩ rằng anh đến vớ con đường du học không đơn giản và sớm sủa.
Anh tâm sự: “Xuất phát điểm của mình rất thấp. Gia đình tôi không được khá giả cho lắm, và trong thời gian đại học, tôi quyết định tự xoay xở mọi chi phí cho việc học tập và sinh hoạt từ việc tự đi làm thêm. Thế nên, tôi có một tâm lý là duy trì mọi nhu cầu cuộc sống ở mức tối thiểu nhất, và tưởng tượng rằng điều này có thể giống với… tâm lý của người ăn mày.
Ý định du học của tôi xuất hiện rất muộn, khi đã xong đại học và đi làm được vài năm rồi. Tức là tôi đã không hề có sự chuẩn bị nào cho việc du học. Vì vậy mà hồ sơ của tôi vừa thiếu và yếu đủ thứ. Do vậy, lúc xin học bổng, tôi kiểu như “tay không bắt giặc””.
Nhớ lại quãng thời gian xin học bổng, anh Đức cho biết đã gửi email liên hệ giáo sư khắp nơi với đủ loại chương trình học bổng nhưng không được cái nào trong nhiều năm liền.
“Tôi đã gửi đi khoảng 200 email và nhận lại duy nhất một phản hồi của một giáo sư bên Úc nói rằng “Bác rất muốn nhận cháu nhưng sang năm bác nghỉ hưu mất rồi”. Lúc đó, tôi chỉ nghĩ là cứ ở đâu cấp chi phí sinh hoạt và học tập là tốt lắm rồi chứ chưa bao giờ nghĩ tới việc được chọn trường lớp hay thầy cô. Tới khi có người bạn học thạc sỹ bên Đài Loan chia sẻ chương trình học bên đó, tôi mới thử và may mắn được chấp nhận theo diện học bổng của trường. Từ đó, tôi thấy những gì mình có đều ở mức độ tối thiểu, cũng giống như… một người ăn mày nói về của cải của họ”.
Vũ Triệu Đức bên người thầy của mình tại Học viện Công nghệ Tokyo.
Đức cho rằng “suy nghĩ ăn mày” này thực sự là vừa hay vừa dở khi vận dụng trong nghiên cứu khoa học. “Điều hay là mình có thể thích nghi dễ dàng với bất cứ điều kiện nghiên cứu nào dù là khó khăn nhất hay khi hướng nghiên cứu bế tắc. Điều dở là ý tưởng nghiên cứu nhiều khi sẽ bị bó buộc theo kiểu luôn phải gắn liền với những ứng dụng thực tế và tạo ra giá trị của cải nhanh, còn cái gì cao siêu hàn lâm quá thì lại cho là viển vông”.
Theo Đức, những bạn có xuất phát điểm thấp có thể thử vận dụng điều này. Vì việc tìm học bổng thực sự là rất cạnh tranh và cần phải có chiến lược dài hạn.
Anh quan niệm: “Nếu xuất phát điểm của các bạn thấp mà cố chấp theo đuổi những chương trình học bổng cạnh tranh sẽ rất khó thành công, mất nhiều thời gian, và nản chí. Còn với những bạn có xuất phát điểm tốt (kinh tế khá giả và hồ sơ cạnh tranh) thì mình không khuyến khích, vì nó có thể sẽ bó buộc tư tưởng của các bạn. Làm khoa học một cách tự do và tránh được vấn đề cơm -áo -gạo- tiền nhiều khi lại là yếu tố giúp các bạn có được những ý tưởng đột phá”.