Ông chính là tiến sĩ Phạm Quý Thích (1760-1825) quê làng Hoa Đường, huyện Đường An, phủ Thượng Hồng (nay thuộc huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương).
Theo cuốn Những người thầy trong sử Việt, năm 15 tuổi, Phạm Quý Thích đỗ đầu kỳ thi khảo thí của huyện. Ông được con trai chúa Trịnh cho gọi vào phủ làm gia thần nhưng khéo léo từ chối và cố công dùi mài kinh sử.
Năm 19 tuổi, Phạm Quý Thích đỗ tiến sĩ và được nhà Lê giao cho giữ nhiều chức vụ quan trọng trong triều đình như: Đông các hiệu thư, Hàn lâm viện hiệu thảo, Kinh Bắc đạo Giám sát ngự sử... Thời gian này, vị tiến sĩ trẻ thường phụng mệnh vua sửa chữa các bài chế, cáo, thơ, văn và tuyển chọn nhân sự cho triều đình.
Tiến sĩ Phạm Quý Thích là người của rất nhiều sĩ phu nổi tiếng Thăng Long. (Ảnh minh hoạ)
Tuy nhiên khi nhà Lê bị tiêu diệt, nhà Tây Sơn do Nguyễn Huệ lãnh đạo lên ngôi, Phạm Quý Thích tránh việc làm quan cho tân triều nên lánh sang Kinh Bắc sống cuộc đời lẩn khuất, làm nghề dạy học.
Cuốn Những người thầy trong sử Việt viết: "Không chỉ rất đông học trò theo học mà dân làng có việc gì cần đến chữ nghĩa đều tìm đến nhờ thầy Lập Trai giúp (Lập Trai là tên hiệu của ông, cũng là tên học trò gọi ông). Ông được mọi người kính trọng, tôn xưng là Thục sư".
Năm 1802 khi Nguyễn Ánh lên ngôi ở Huế, lập ra triều Nguyễn, vì nghe "tiếng thơm" về Phạm Quý Thích đã mời ông ra giữ chức quan, phụng sự triều đình. Cựu thần nhà Lê ba lần từ chối làm quan hoặc miễn cưỡng làm 1-2 năm rồi xin cáo bệnh, về quê dạy học.
Năm 1811, vua Gia Long (Nguyễn Ánh) cho triệu ông vào kinh giữ việc chép sử. Được một thời gian, ông cáo bệnh về Bắc, nhưng vẫn chưa được ở ẩn thật sự.
Năm 1821, vua Minh Mệnh lại có chỉ triệu ông. Vì đang lâm bệnh nên ôngkhông đi nhậm chức. Từ đó, ông mới được yên ổn chú tâm vào việc dạy học. Rất đông học trò của ông sau này trở thành danh sĩ nổi tiếng như tiến sĩ Nguyễn Văn Lý, Nguyễn Văn Siêu, Vũ Tông Phan, bà Huyện Thanh Quan.
Phạm Quý Thích còn là bạn tâm giao của đại thi hào Nguyễn Du. Khi Truyện Kiều được viết ra, Phạm Quý Thích là một trong những người đầu tiên "thẩm định" tác phẩm. Ông đem khắc ván in nó trong các hiệu in ở phố Hàng Gai (Hà Nội ngày nay), đưa ra bình phẩm với học trò. Ông là một trong những người góp công lớn trong việc gìn giữ văn bản Truyện Kiều cho đời sau.
Năm 1825, Phạm Quý Thích qua đời, thọ 66 tuổi. Triều đình cử người đến dự tang lễ, lệnh cho các quan đi đưa tang. Các học trò đưa ông về an nghỉ nơi quê nhà Hải Dương và xây từ đường thờ thầy trên mảnh đất Thọ Xương (Thăng Long), nơi ông cùng gia đình sinh sống.