Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Tiến sĩ 8X nhận Quả cầu vàng 2020 từng rửa bát thuê, làm phụ bếp khi du học Pháp

(VTC News) -

TS Đặng Đức Huy là giảng viên, nhà khoa học tại Đại học Trent (Canada) với 21 bài báo khoa học đăng trên các tạp chí uy tín thuộc danh mục Q1 về lĩnh vực môi trường.

Tháng 11/2020, tiến sĩ Đặng Đức Huy (sinh năm 1988) được trao tặng giải thưởng Quả cầu vàng ở hạng mục Khoa học công nghệ trẻ. Với anh, vinh dự luôn đi kèm với trách nhiệm, vinh dự càng lớn thì trách nhiệm cũng càng lớn. "Mỗi chúng ta khi được xướng tên 'tài năng' thì cũng cần phải có trách nhiệm với tài năng đó để đóng góp cho đất nước", anh nói.

Anh Huy sinh ra và lớn lên ở Hà Nội. Năm 18 tuổi, sau khi tốt nghiệp trường THPT Chu Văn An, anh sang Pháp du học tự túc theo tâm nguyện của bố trước khi mất. 

Sang Pháp, để sống và trang trải chi phí học tập, anh phải làm thêm rất nhiều. Ngày đi học từ 8h sáng đến 18h, sau đó anh làm phụ bếp, rửa bát hoặc bán hàng ở các nhà hàng từ 18h đến 23h. 

Ở Pháp, điểm thi cuối kỳ rất quan trọng. Mỗi ngày thi 2 - 3 môn. Vì vậy, lúc đi làm thêm, anh thường mang sách vở tranh thủ học để hôm sau thi. Kỳ học nào anh cũng đạt kết quả top đầu của lớp, đặc biệt ở môn khoa học như toán học đại cương từng đạt điểm tuyệt đối 20/20.

Tiến sĩ Đặng Đức Huy.

Nam sinh gốc Hà Nội khi ấy chọn chuyên ngành Hệ sinh học - Khoa học sự sống tại Đại học Toulon, Pháp. Tại đây, anh được các thầy cô hướng dẫn tìm hiểu nhiều hơn về các cơ chế sinh học tế bào và miễn dịch, để tìm ra phương pháp kiểm soát ung thư.

Sau khi tốt nghiệp cử nhân loại xuất sắc, anh Huy tiếp tục được Đại học Nice - một trong những trường nổi tiếng hàng đầu ở Pháp nhận vào học thạc sĩ chuyên ngành Sinh học tế bào, phát triển và miễn dịch. Tuy nhiên, do vấn đề tài chính nên anh bỏ cơ hội ấy để ở lại Đại học Toulon học ngành Hóa học môi trường.

Nỗ lực không ngừng nghỉ, anh tốt nghiệp thủ khoa thạc sĩ và được cấp học bổng của chính phủ Pháp học tiếp nghiên cứu tiến sĩ lĩnh vực địa hóa môi trường. Năm 26 tuổi, anh Huy sang Canada làm nghiên cứu sinh sau tiến sĩ.

Năm năm sau khi tốt nghiệp tiến sĩ loại xuất sắc, hiện anh được bổ nhiệm vị trí giáo sư tập sự ở Đại học Trent - anh là giáo sư trẻ tuổi nhất tại đây. Anh cũng là thành viên ban giám đốc một trung tâm nghiên cứu có cơ sở vật chất hàng đầu thế giới và sở hữu một phòng thí nghiệm riêng về địa hóa môi trường.

Anh luôn tâm niệm những thử thách giúp anh trưởng thành, học được nhiều điều và biết trân trọng mọi giá trị của cuộc sống từ những điều nhỏ nhất. Mỗi chúng ta đều cần phải rèn luyện thì mới có thành công. Nếu không có thử thách của những năm tháng đã qua thì chắc chắn sẽ không có con người ngày hôm nay.

Tiến sĩ trẻ đúc rút bài học cho bản thân “thắng không kiêu, bại không nản”. Điều này đúng trong cuộc sống hằng ngày và đặc biệt trong khoa học - con đường mà anh đang theo đuổi.

Anh Huy chủ yếu tập trung nghiên cứu mối liên hệ tương tác giữa con người và môi trường tự nhiên. Đặc biệt, anh phát triển các hướng nghiên cứu đa ngành (sinh học, hóa học và địa chất) để hiểu cơ chế phát tán của các chất ô nhiễm trong môi trường và tích tụ trong hệ sinh vật. Hướng này là nghiên cứu cơ bản, nhưng tạo tiền đề vô cùng quan trọng để tìm ra giải pháp phục hồi, cải thiện môi trường và giảm thiểu tác động lên đa dạng sinh học và sức khỏe con người.

Trong quá trình nghiên cứu, anh công bố 21 bài báo khoa học trên các tạp chí khoa học thế giới, đều thuộc danh mục Q1. Trong đó 12 bài anh là tác giả chính. Trong đó, năm 2015, anh có nghiên cứu được công bố trên tạp chí hàng đầu Environmental Science & Technology về đồng vị chì (Pb) trong môi trường trầm tích, nước và sinh vật biển. Công bố góp phần thúc đẩy chính quyền vùng PACA (Pháp) chi 93 triệu euro để nghiên cứu phục hồi môi trường biển ở cảng Toulon, nhằm giảm thiểu tác động của ô nhiễm do hậu quả Chiến tranh thế giới thứ hai.

Anh Huy làm việc trong phòng thí nghiệm.

Về dự định tương lai, anh Huy cho biết, sẽ đẩy mạnh nghiên cứu ở Việt Nam, đặc biệt là về vấn đề ô nhiễm rác thải công nghệ và sử dụng tài nguyên nước. Anh hy vọng Việt Nam có thể đạt tới một mô hình kinh tế - xã hội hiệu quả cao, thân thiện môi trường; sẽ không phải đánh đổi tài nguyên thiên nhiên và sức khỏe con người để tăng trưởng kinh tế.

Anh sẽ tập trung nghiên cứu nhằm giảm thiểu ảnh hưởng của ô nhiễm lên sức khỏe con người và tác động lên sinh kế của người dân, bởi đây là một vùng trọng điểm trong an ninh lương thực của Việt Nam.

Hà Cường

Tin mới