Với không ít người xa quê, Tết là dịp để họ có cơ hội được đoàn viên, sum vầy cùng gia đình. Tuy vậy, chất chứa trong bốn từ "về quê ăn Tết" lại là những nỗi niềm, vui buồn và cả những lo lắng. Vui bởi vì được đoàn tụ cùng với gia đình sau một năm lao động vất vả, nhưng phần nhiều là lo lắng vì phải tính toán đủ đường để trang trải, chi tiêu cho dịp này.
Để có cái Tết trọn vẹn, nhiều người xa quê phải tính trước cả năm. Có những gia đình vì kinh tế eo hẹp mà buộc phải chọn năm về quê và năm ở lại cách nhau. Một trong những khoản chi tiêu tốn kém nhất dịp Tết, đặc biệt với những gia đình đông người đó chính là tiền vé may bay.
Năm nay, giá bay Tết tiếp tục tăng cao, nhiều chặng lên đến 10 - 11 triệu đồng/vé khứ hồi khiến gia đình càng phải "đưa lên đặt xuống" kế hoạch về quê ăn Tết của mình.
Được về quê ăn Tết luôn là mong muốn của những người lao động xa quê. (Ảnh: Phạm Duy)
Anh Trần Văn Sơn 32 tuổi, đang làm công nhân tại thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương cho biết, đã 2 năm gia đình anh chưa về quê ở Hà Nam vì vợ sinh con nhỏ và bận công việc. Vì thế, hai vợ chồng dự định Tết này sẽ về thăm nhà để ông bà nội ngoại được bế cháu. Tuy nhiên, anh tái mặt khi khảo sát giá vé máy bay.
"Tính sơ qua gia đình 3 người cũng mất hơn 20 triệu đồng tiền vé máy bay và chi phí di chuyển từ Bình Dương lên sân bay Tân Sơn Nhất, cũng như từ sân bay Nội Bài về Hà Nam. Trong khi đó, năm nay công ty mất mấy tháng đầu và giữa năm làm ăn kém nên lương của tôi giảm nhiều", anh Sơn than thở, cho biết chi phí đi lại đó quá lớn so với thu nhập của hai vợ chồng.
Nâng lên đặt xuống một hồi, anh Sơn và vợ quyết định gác lại kế hoạch về Tết sang năm sau, nếu giá vé hợp lý và kinh tế gia đình cải thiện hơn mới bay về, hoặc chọn một dịp khác khi giá vé máy bay giảm chứ không về dịp Tết nữa. Số tiền lẽ ra phải chi nếu về quê ăn Tết, họ dự định dành phần lớn biếu bố mẹ hai bên để xoa xịu phần nào tâm trạng áy náy, một phần để trang trải cho cái Tết của gia đình nhỏ.
Chung nỗi niềm, chị Vũ Thị Thùy Linh (31 tuổi, quê Thanh Hóa) cho biết, do nhiều nguyên nhân khác nhau, chủ yếu là chi phí đi lại quá tốn kém, gia đình chị năm nay không về quê ngoại ăn Tết mà sẽ dành tiền đó để biếu gia đình nội ngoại.
Thùy Linh đang sống cùng bố mẹ chồng và làm việc tại một khu công nghiệp ở TP Biên Hòa, Đồng Nai. Đã 5 năm từ ngày kết hôn, chị chưa được về nhà mẹ ăn Tết. Con gái 3 tuổi của chị chưa một lần được nếm trải hương vị Tết ở quê ngoại.
"Những năm trước thì do dịch COVID-19, con nhỏ nên có lý do để không về. Còn năm nay thì lý do cản trở lớn nhất là tiền vé máy bay quá cao. Nếu gia đình tôi lựa chọn về quê, tổng chi phí cho cái Tết này sẽ khoảng 50 triệu đồng", chị Linh nói và cho biết sẽ dùng một nửa số tiền này để mua quà, các loại thực phẩm, đồ ăn bổ dưỡng biếu bố mẹ hai bên, số còn lại bổ sung vào ngân sách chi tiêu gia đình.
Không chỉ người lao động phổ thông mới thấy khó "nghiến răng" chi số tiền vài chục triệu đồng mua vé máy bay về quê ăn Tết.
Cả hai vợ chồng chị Nguyễn Thị Hồng (42 tuổi, quê Nam Định, hiện sinh sống tại quận Tân Bình, TP.HCM) đều làm việc trong cơ quan Nhà nước, chị công tác trong ngành Ngân hàng, còn anh là sỹ quan quân đội. Đã 3 năm nay gia đình không được ăn Tết ở quê, hai con rất háo hức được về gặp ông bà. Tuy nhiên, chi phí vé máy bay cho cả gia đình khiến chị Hồng “chùn bước” khi lên kế hoạch trở về.
“Giá vé máy bay khứ hồi và tiền xe cho gia đình 4 người lên đến 40 triệu đồng, ngoài ra còn tiền quà cáp, mua sắm..., tổng chi phí cũng lên gần 70 triệu đồng. Đây là số tiền khá lớn. Chính vì thế, chúng tôi quyết định sẽ biếu ông bà nội ngoại một nửa con số đó, số còn lại chúng tôi sẽ giữ tiết kiệm", chị Hồng cho biết.
Gia đình chị Nguyễn Thị Hồng. (Ảnh: NVCC)
Theo chị Hồng, dù gia đình không được về quê đoàn tụ cùng gia đình dịp Tết, đây là giải pháp hợp lý cho năm kinh tế khó khăn. “Số tiền để mua vé máy bay sẽ giúp chúng tôi chi tiêu được cho nhiều mục đích thiết thực hơn. Chúng tôi sẽ dành dịp khác, khi chi phí đi lại hợp lý hơn để về quê”, chị Hồng nói thêm.
Chi phí đi lại dịp Tết không chỉ là gánh nặng đối với các gia đình, việc phải chi tiêu quá nhiều cho khoản này cũng là lý do khiến nhiều người trẻ gác lại kế hoạch về quê dịp này.
Chị Trần Thị Mai Phương (28 tuổi, quê Nam Định, đang làm việc tại một doanh nghiệp xăng dầu ở TP.HCM) cho biết, việc về quê ăn Tết không nằm trong kế hoạch của chị do vé máy bay đắt đỏ, lại phải tính toán quá nhiều chuyện: “Tôi quyết định sẽ đi du lịch và trải nghiệm Tết ở miền Nam. Số tiền tiết kiệm được, tôi sẽ mua quà biếu bố mẹ và các cháu. Ra Tết vé máy bay rẻ hơn, tôi mới tính chuyện về thăm gia đình”.
Thạc sỹ Nguyễn Thị Hà, Bộ môn Tâm lý học, Trường Đại học Luật Hà Nội, nhận định chuyện về quê ăn Tết là áp lực tâm lý lớn đối với nhiều gia đình trẻ, chủ yếu do gánh nặng tài chính. Giải pháp biếu tiền nội ngoại thay vì về quê ăn Tết được nhiều cặp vợ chồng cân nhắc bởi ngoài tiền vé máy bay, những khoản cần chi khác cũng không hề nhỏ.
"Mọi người nhìn vào những người xa quê sẽ có tâm lý coi họ là người thành đạt có nhiều tiền. Chính vì thế chi phí quà cáp, biếu tiền khi về Tết như một thủ tục để 'mát mặt' cho đúng cái tiếng thành đạt đó, nên áp lực càng lớn hơn", chuyên gia nêu quan điểm.
Theo ThS Nguyễn Thị Hà, ở xã hội hiện đại, đồng tiền chi phối rất nhiều mối quan hệ, nếu tài chính "yếu", gia đình trẻ gặp áp lực rất lớn. Có những gia đình vì muốn thể hiện, vì sỹ diện khi về quê ăn Tết mà còn đi vay lãi, khiến gánh nặng tiền bạc càng tăng, tâm lý càng bị ảnh hưởng.
"Giải pháp biếu tiền nội ngoại thay vì cố mua vé máy bay với giá cao chót vót mà nhiều gia đình áp dụng Tết này rất hợp lý ở thời điểm kinh tế khó khăn. Số tiền đó cũng đủ để người nhà ở quê đón cái Tết đủ đầy, trong khi gia đình trẻ lại dư dả thêm một khoản 'chống lưng'", chuyên gia Nguyễn Thị Hà nói.