Michael Chobanian, 37 tuổi, là nhà sáng lập Kuna - một trong những sàn giao dịch tiền điện tử đầu tiên của Đông Âu. Đối với ông, Ukraine là địa điểm lý tưởng để điều hành một doanh nghiệp đối với những ai sẵn sàng đối phó với nạn tham nhũng. Ông Chobanian giải thích rằng đây là một quốc gia “tự do” khác biệt hoàn toàn với những nước phát triển khác, người ta thậm chí có thể phạm tội mà không phải ngồi tù, “miễn là có đủ tiền và mối quan hệ”.
Đặc tính bất thường này đã tồn tại ở Ukraine trong nhiều năm. Giờ đây, chính phủ nước này hy vọng khắc phục được chúng với sự hỗ trợ từ tiền điện tử. Chính vì vậy, vào đầu tháng 9, quốc hội Ukraine đã thông qua luật hợp pháp hóa và điều chỉnh tiền điện tử. Đây là bước đầu tiên trong chiến dịch thúc đẩy hoạt động thương mại tiền điện tử và đổi mới hình ảnh của quốc gia Đông Âu.
Vào đầu tháng 9, quốc hội Ukraine đã thông qua luật hợp pháp hóa và điều chỉnh tiền điện tử.
Oleksandr Bornyakov, Thứ trưởng Bộ Chuyển đổi Kỹ thuật số Ukraine, đã xác nhận rằng một trong những mục tiêu hàng đầu của Ukraine là hợp pháp hóa Bitcoin và các loại tiền điện tử khác để đưa chúng ra khỏi “vùng xám” - hiện tại tiền điện tử không bị cấm ở nước này nhưng cũng không được chính thức công nhận.
“Mục tiêu của chúng tôi là xây dựng một quốc gia thuận tiện nhất trên thế giới cho người dân và doanh nghiệp”, đoạn video quảng bá cho tiền điện tử do Bộ Chuyển đổi Kỹ thuật số thực hiện cho biết.
Người Ukraine là những “tín đồ tiền điện tử”
Nhiều nhà kinh tế và nhà hoạch định chính sách vẫn còn hoài nghi về tiền điện tử, họ cho rằng đây là loại tiền tệ dành cho những kẻ rửa tiền, khủng bố, các băng đảng và giới tin tặc. Tuy nhiên, mọi việc dần thay đổi khi tiền điện tử đang trở thành một kênh đầu tư hấp dẫn và giành được sự quan tâm của nhiều công ty công nghệ.
Theo CB Insights, vốn tài trợ cho tất cả công nghệ liên quan đến cơ sở dữ liệu blockchain (công nghệ chuỗi), bao gồm cả tiền điện tử, đã tăng lên 7 tỷ USD trong nửa đầu năm nay.
Vì vậy, một số chính phủ cũng bắt đầu để mắt đến lĩnh vực này. Ba Lan đang giảm thuế và hỗ trợ tài chính để kêu gọi các chuyên gia công nghệ, thậm chí “đoạt” nhân sự từ Ukraine. Nhiều nước khác như Lithuania, Estonia, Malta và Mexico cũng tham gia cuộc cạnh tranh.
Người Ukraine là một trong những “tín đồ tiền điện tử” cuồng nhiệt nhất trên thế giới, họ đứng thứ tư trong Chỉ số chấp nhận tiền điện tử toàn cầu (GCAI) do Chainalysis thống kê. Lượng giao dịch tiền điện tử ở Ukraine là 8 tỷ USD mỗi năm và khoảng 150 triệu USD mỗi ngày, vượt quá giá trị giao dịch tiền pháp định liên ngân hàng.
Một trong những nguyên nhân khiến tiền điện tử được ưa chuộng là do rất khó để gửi hoặc nhận tiền từ quốc gia khác qua các ngân hàng ở Ukraine, việc này đòi hỏi người giao dịch phải làm nhiều thủ tục giấy tờ phức tạp.
Nguyên nhân thứ hai là do lạm phát đã khiến đồng nội tệ hryvnia bị mất giá không phanh. Ukraine lại không có nhiều thị trường chứng khoán, vì vậy, những người muốn tiền tiết kiệm sinh lời tập trung vào bất động sản và tiền điện tử. Đặc biệt, tiền điện tử thường có những biến động mạnh: Bitcoin mất một nửa giá trị trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 7 năm nay, nhưng đã bù lại khoản lỗ và lập mức cao kỷ lục vào tháng 10.
Người Ukraine là một trong những “tín đồ tiền điện tử” cuồng nhiệt nhất trên thế giới.
Đưa nền kinh tế ngầm ra khỏi bóng tối
Tình trạng hỗn loạn kéo dài nhiều thập kỷ bởi các vụ bê bối tài chính và cuộc đấu đá của các nhà tài phiệt đã khiến Ukraine trở thành quốc gia nghèo thứ hai ở châu Âu. Các nhà lãnh đạo quốc gia này hy vọng sẽ tạo ra chuyển biến bằng cách đầu tư vào một hệ thống tài chính kỹ thuật số. Điều này được kỳ vọng sẽ đặt dấu chấm hết cho sự hỗn loạn đã phủ bóng lên đất nước kể từ khi độc lập vào năm 1991.
Một quốc gia đã trải qua quá nhiều vụ bê bối tài chính như Ukraine khó mà thu hút được sự đầu tư từ các ngân hàng quốc tế lớn, nhưng tiền điện tử cũng là một lĩnh vực tai tiếng. Có lẽ, quốc gia Đông Âu này và Bitcoin có thể làm nên sự kết hợp hoàn hảo.
Thứ trưởng Bornyakov nhấn mạnh mục tiêu của Ukraine là trở thành một trong những khu vực hàng đầu thế giới đảm bảo tính pháp lý cho các công ty tiền điện tử. Ông kỳ vọng tiền điện tử sẽ đưa nền kinh tế ngầm ở Ukraine ra khỏi bóng tối: "Quốc gia này tồn tại một kinh tế ngầm. Nếu chúng tôi không hành động, tình trạng này sẽ ngày càng leo thang và chúng tôi không thể dự đoán được điểm dừng của nó”.
Theo ông Bornyakov, Ukraine cũng đặt mục tiêu tăng gấp đôi đóng góp của lĩnh vực công nghệ vào tổng sản phẩm quốc nội, từ 5% lên 10%. Đồng thời tăng gấp đôi nhân sự trong ngành công nghệ, lên khoảng 500.000 người. Đến năm 2025 – thời điểm Ngân hàng Thế giới dự báo GDP của Ukraine là 180 tỷ USD, ngành công nghệ được kỳ vọng sẽ đóng góp 18 tỷ USD vào con số này.
“Chúng tôi sẽ xây dựng các đại sứ quán kỹ thuật số trên khắp thế giới, được vận hành bởi những người mà chúng tôi gọi là đại sứ kỹ thuật số”, ông Bornyakov nói.
Hiện tại tiền điện tử không bị cấm ở Ukraine nhưng cũng không được chính thức công nhận.
Các doanh nhân công nghệ không muốn minh bạch
Tuy nhiên, nhiều công ty công nghệ ở Ukraine lại cho biết họ hài lòng với tình trạng hiện tại của đất nước cùng những sai sót trong hệ thống quản lý. Điều này đi ngược với nỗ lực tái thiết quốc gia của Ukraine: Đất nước này đang nỗ lực đem lại sự minh bạch và tính hợp pháp cho một nhóm doanh nhân ưu thích mờ ám và tình trạng gần như sống ngoài vòng pháp luật.
Theo chia sẻ của ông Chobanian, điều khiến Ukraine trở thành vùng đất lý tưởng cho công ty của ông phát triển chính là do một chính phủ yếu kém, thiếu các biện pháp kiểm soát. Hiện tại, chính phủ Ukraine hoàn toàn không nắm được quy mô, doanh thu hoặc cấu trúc công ty của Chobanian, bao gồm cả số liệu về nhân sự.
“Không có bóng dáng của chính phủ trong công việc kinh doanh của tôi. Không hề có", ông Chobanian cho biết.
Ngược lại, điều mà các doanh nhân ưa thích lại chính là thảm kịch quốc gia đối với người dân.
Steven Hanke, giáo sư kinh tế học ứng dụng tại đại học Johns Hopkins, bày tỏ hoài nghi đối với các mục tiêu hợp pháp hóa, điều chỉnh tiền điện tử của Ukraine. Giáo sư cho biết, hầu hết các nghiên cứu mà ông xem xét đều chỉ ra rằng khoảng một nửa số giao dịch Bitcoin là có mục đích bất hợp pháp. Ông cho rằng đây không phải là lĩnh vực mà chính quyền Kiev nên hướng đến đến chỉ vì những “cám dỗ” mà nó đem lại.
“Đất nước này bị nạn tham nhũng và tội phạm hoành hành khắp nơi. Ukraine sẽ thu hút những nhân vật mờ ám bởi những nhân vật mờ ám thích xâm nhập vào những quốc gia như Ukraine”, ông Hanke cảnh báo.