Theo bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng - Giám đốc Trung tâm Oxy cao áp thuộc Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga (Bộ Quốc phòng), hiện có tới 500 dòng phụ của biến thể Omicron. Dòng nào gây ra triệu chứng nhẹ, không đặc hiệu và khả năng né tránh miễn dịch sẽ chiếm ưu thế. Vì vậy, việc tiêm mũi tăng cường không thể đảm bảo 100% giúp bạn tránh khỏi việc lây nhiễm COVID-19.
Với những người sức khỏe bình thường, tiêm 2 mũi là đủ. Việc ăn uống đầy đủ, chịu khó vận động, nghỉ ngơi hợp lý để nâng cao sức đề kháng cũng quan trọng không kém.
Tuy nhiên, tiêm mũi tăng cường là rất cần thiết với người già, bệnh nền, suy giảm miễn dịch hay phụ nữ có thai. Điều này giúp hạn chế nguy cơ lây nhiễm, giảm nhẹ mức độ các triệu chứng nếu không may tái mắc COVID-19.
Thời gian tiêm mũi nhắc lại có thể linh hoạt. Ví dụ Trung Quốc hiện khuyến cáo tiêm mũi nhắc lại sau 3 tháng. Các cơ quan chức năng của Bộ Y tế cũng đang soạn thảo, cập nhật những hướng dẫn và quy định mới nhất về phòng chống COVID-19, trong đó có vấn đề vaccine.
Việc tiêm mũi tăng cường không thể đảm bảo 100% giúp bạn tránh khỏi việc lây nhiễm COVID-19. (Ảnh: An Bình)
Ông Phan Trọng Lân – Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, theo đánh giá của các chuyên khoa, điểm cần lưu ý là đặc tính hiệu quả của vaccine trong phòng lây nhiễm với biến thể Omciron còn hạn chế, nhưng khả năng phòng chuyển nặng, nhập viện, tử vong thì hiệu quả.
Tổ chức Y tế thế giới đánh giá những người đã tiêm vaccine COVID-19 hoặc từng nhiễm bệnh hầu hết đều có miễn dịch – do vaccine hoặc do mắc phải. Chính yếu tố này làm các trường hợp khi mắc bệnh có biểu hiện nhẹ hơn, ít hoặc không triệu chứng.
“Theo khuyến nghị mới, cần tập trung ưu tiên tiêm chủng bảo vệ nhóm nguy cơ cao gồm người cao tuổi, người mắc bệnh nền, người suy giảm miễn dịch, phụ nữ mang thai, bởi nếu miễn dịch của các đối tượng trên giảm dễ dẫn đến tình trạng tăng nặng, nhập viện, tử vong” – Ông Lân nhấn mạnh.
Việt Nam hiện tiếp tục thực hiện hiệu quả việc phòng chống dịch COVID-19 với hình thức quản lý bền vững. Bộ Y tế đã và đang theo dõi chặt chẽ tình hình, không để bị động trước những diễn biến mới của tình hình dịch bệnh; đồng thời phối hợp với các chuyên gia, các tổ chức trong nước, quốc tế thường xuyên cập nhật, đánh giá tình hình nhằm chủ động có các điều chỉnh phù hợp. Bên cạnh đó vẫn đảm bảo việc huy động các nguồn lực của toàn thể hệ thống chính trị, xã hội trong công tác chống dịch và đảm bảo thống nhất đáp ứng với các quốc gia trên thế giới.