Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Tiêm mũi 3 vaccine COVID-19 ở đâu?

(VTC News) -

Nhiều người thắc mắc có thể tiêm mũi 3 vaccine COVID-19 ở đâu và đăng ký thế nào?

Theo PGS.TS Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Trưởng Văn phòng Tiêm chủng mở rộng Quốc gia, mọi người có thể đến các Trung tâm Y tế xã, phường, cơ sở y tế nơi bản thân sinh sống, lưu trú để đăng ký tiêm chủng mũi 3 vaccine COVID-19. Nguyên tắc là người nào đăng ký ở đâu thì tiêm ở đó.

“Danh sách đăng ký sẽ được địa phương đó duyệt theo hướng dẫn đối tượng của Bộ, sau đó sẽ gửi lên cấp cao hơn để xem xét dựa trên số lượng vaccine được phân bổ của từng nơi. Trước đó người dân tiêm mũi 1, 2 ở đâu thì có thể đăng ký tiêm ở nơi đó. Nếu như mũi 1, 2 tiêm hai nơi khác nhau thì đăng ký 1 trong 2 nơi trên đều được. Ngoài ra, các địa phương cũng có thể rà soát nhóm người ưu tiên tiêm mũi bổ sung, nhắc lại theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế để đề xuất tiêm cho họ”, bà Hồng nói.

Lãnh đạo Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương giám sát công tác tiêm vaccine phòng COVID-19 tại tỉnh Thái Bình. (Ảnh: Thái Bình)

Về băn khoăn đăng ký tiêm mũi 3 bằng cách nào, bà Hồng cho biết, mọi người có thể đăng ký qua nhiều kênh như trước đây Bộ Y tế từng hướng dẫn. Mọi người có thể ra trạm y tế xã, phường nơi gần nhất để đăng ký, hoặc đăng ký trực tuyến trên Cổng thông tin tiêm chủng COVID-19 quốc gia qua địa chỉ  https://tiemchungcovid19.gov.vn, hay đăng ký trực tiếp qua các ứng dụng điện tử như Sổ sức khoẻ điện tử.

Ngày 17/12, Bộ Y tế có văn bản đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố, các đơn vị khẩn trương đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine COVID-19. Ngoài ra, các địa phương cũng cần rà soát những người đủ điều kiện tiêm mũi 3 và mũi nhắc lại vaccine COVID-19 theo quy định.

Vaccine được sử dụng để tiêm bổ sung và nhắc lại là vaccine được Bộ Y tế phê duyệt, liều lượng tiêm theo hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất đã được Bộ Y tế cho phép. Các địa phương quyết định nhóm tiêm phù hợp thực tế, xây dựng kế hoạch và chuẩn bị các điều kiện cần thiết để triển khai tiêm bổ sung, nhắc lại từ tháng 12, căn cứ vào tiến độ cung ứng vaccine.

Như vậy, những người thuộc nhóm được tiêm liều bổ sung là người đã tiêm đủ liều cơ bản có tình trạng suy giảm miễn dịch vừa và nặng như người cấy ghép tạng, ung thư, HIV, đang điều trị thuốc ức chế miễn dịch hoặc đã điều trị trong vòng 6 tháng... và những người đã tiêm đủ liều cơ bản bằng vaccine của hãng Sinopharm hoặc vaccine Sputnik V.

Đối tượng này được tiêm 1 mũi bổ sung sau mũi cuối cùng của liều cơ bản từ 28 ngày đến 3 tháng. Loại vaccine để tiêm là cùng loại với liều cơ bản hoặc vaccine công nghệ mRNA (Pfizer, Moderna). Người có chỉ định tiêm liều bổ sung, sau khi đã tiêm liều bổ sung thì được coi là hoàn thành liều cơ bản.

Đối với mũi tiêm nhắc lại, Bộ Y tế đề nghị các địa phương tiêm liều nhắc lại cho người từ 18 tuổi trở lên đã tiêm đủ liều cơ bản, bảo đảm bao phủ cho toàn bộ người có bệnh nền, người cần được chăm sóc y tế hoặc tiêm liều bổ sung cho người từ 50 tuổi trở lên, người trực tiếp xét nghiệm, chăm sóc, điều trị bệnh nhân COVID-19, nhân viên y tế...

Nhóm người này sẽ được tiêm 1 mũi nhắc lại ít nhất 3 tháng sau mũi cuối cùng của liều cơ bản. Loại vaccine cùng loại cùng loại với liều cơ bản hoặc vaccine mRNA. Nếu trước đó đã tiêm các loại vaccine khác nhau thì tiêm mũi nhắc lại bằng vaccine mRNA. Nếu tiêm liều cơ bản hoặc bổ sung là vaccine của hãng Sinopharm thì có thể tiêm mũi nhắc lại cùng loại hoặc vaccine mRNA hoặc vaccine vetor virus (vaccine Astrazeneca).

Như vậy, so với hướng dẫn lần trước (ban hành ngày 1/12), trong hướng dẫn lần này, Bộ Y tế đã rút ngắn khoảng cách tiềm liều nhắc lại từ 6 tháng xuống còn 3 tháng đối với người đã khỏi COVID-19.

Phạm Quý

Tin mới