Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) dẫn một nguồn tin quân sự giấu tên cho biết dòng tiêm kích tàng hình đầu tiên của Trung Quốc, Chengdu J-20 sẽ được trang bị động cơ thế hệ mới do nước này tự phát triển trong vòng hai năm tới.
Theo nguồn tin, mẫu động cơ phản lực họ muốn nói tới chính là Xian WS-15, vốn được thiết kế để cải thiện khả năng cơ động cũng hiệu suất chiến đấu của J-20.
“Quá trình phát triển WS-15 đã gần hoàn tất hoặc có thể kết thúc trong vòng một hai năm”, nguồn tin cho biết.
(Ảnh minh họa)
Nguồn tin này tiết lộ thêm rằng dự án phát triển WS-15 đã bị chậm tiến độ và mất tới hơn 10 năm để khắc phục các vấn đề còn tồn tại. Với mẫu động cơ mới, J-20 có thể sẽ sánh ngang với F-22 Raptor – mẫu chiến đấu cơ tàng hình thế hệ 5 đầu tiên của Mỹ.
Trước đó, vào ngày 19/4, Đài truyền hình Phượng Hoàng (Hong Kong) phát sóng cuộc phỏng vấn đặc biệt với Li Gang, phi công thực hiện chuyến bay đầu tiên của J-20. Trong phóng sự này, Gang tiết lộ mẫu động cơ mới sẽ tối ưu hóa khả năng của J-20.
Quay ngược về năm 2011, ở thời điểm Trung Quốc ra mắt J-20, họ trang bị cho mẫu tiêm kích này động cơ phản lực Saturn Al-31 của Nga - vốn không phù hợp cho một chiến đấu cơ thế hệ thứ 5. Điều này cũng đồng nghĩa với việc J-20 không cơ động bằng các mẫu tiêm kích tàng hình của Mỹ, đối thủ trực tiếp của nó trong tương lai.
Vào lúc đó, những chiếc F-22 của Không quân Mỹ được trang bị động cơ đẩy vector 2D - Pratt & Whitney F119, thứ công nghệ mà Trung Quốc luôn thèm khát có được trong suốt hai thập kỷ qua và giờ họ đã có được nó.
Máy bay F22 Raptor.
Về cơ bản công nghệ này cho phép điều khiển hướng lực đẩy của động cơ phản lực, nghĩa là máy bay có thể thực hiện các động tác khó hơn hay chuyển hướng đột ngột để tránh tên lửa, điều mà các mẫu tiêm kích thông thường không làm được.
Trung Quốc rõ ràng đã đạt được một số tiến bộ trong việc chế tạo động cơ đẩy vector 2D với mẫu động cơ phản lực WS-10C được giới thiệu lần đầu tiên vào năm 2018. So với WS-15, WS-10C có công suất yếu hơn nhưng lại phù hợp các dòng tiêm kích một động cơ như Chengdu J-10.
Các lần thử nghiệm gần đây của WS-15 vào năm 2019 đều không mấy thành công, trong khi đó WS-10C lại cho kết quả ngược lại trên J-10C. Có vẻ như Trung Quốc vẫn còn nhiều việc để làm trong vòng hai năm tới nếu muốn thu được kết quả hơn.
Về phần J-20, nó được phát triển để làm đối trọng với các mẫu tiêm kích tàng hình F-22 và F-35 Lightning II của Không quân Mỹ. Điều này thể hiện rõ qua việc Bắc Kinh vội vàng đưa J-20 vào biên chế (2017) khi nó chưa thực sự sẵn sàng, ngay sau khi có thông tin Washington sẽ triển khai F-35 đến khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Tính đến đầu năm 2021, Không quân Trung Quốc có trong biên chế 50 chiếc J-20. Con số này có thể tăng gấp đôi trong 2 năm tới khi Tập đoàn Hàng không Vũ trụ Thành Đô (CAC) dự kiến sẽ xuất xưởng thêm khoảng 50 chiếc J-20 cho từ đây đến cuối năm.
Theo nguồn tin của SCMP, nếu dây chuyền sản xuất F-35 của Lockheed Martin có thể cung cấp khoảng 100 máy bay mới mỗi năm thì dây chuyển J-20 của CAC chỉ có khả năng lắp ráp được một máy bay mỗi tháng, tuy nhiên bù lại họ có tới 4 dây chuyền như vậy.