Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Thượng tướng Võ Văn Tuấn và chuyến bay Su-22M4 đầu tiên ra Trường Sa

(VTC News) -

Kể cả lúc còn là học viên, hay lúc “sải cánh” bay khắp bầu trời tổ quốc... thì đối với Thượng tướng Võ Văn Tuấn chuyến bay đầu tiên ra Trường Sa luôn tạo nhiều xúc động nhất.

Lần đầu "bắt được sóng" 

Cuối những năm 1980, tình hình chủ quyền biển đảo trở nên căng thẳng. Tại Quần đảo Trường Sa với những diễn biến phức tạp do Hải quân Trung Quốc thực hiện các hoạt động do thám, quấy phá, chiếm đóng một số đảo.

Năm 1987, Trung Quốc điều máy bay và tàu chiến liên tục thực hiện hoạt động trinh sát, thăm dò ở khu vực Trường Sa. Trước tình hình này, Quân chủng Không quân và Hải quân trực tiếp được trên giao nhiệm vụ tham gia bảo vệ và chi viện Trường Sa.

Cuối năm 1979, không quân ta đã được tiếp nhận những chiếc Su-22M đầu tiên, trang bị cho Trung đoàn 923 Yên Thế (Thọ Xuân, Thanh Hoá). Loại máy bay này sử dụng cho nhiệm vụ tấn công mặt đất và trên biển. Vào thời điểm đó, Su-22M là chiến đấu cơ hiện đại nhất của không quân ta với tầm bay xa, tải trọng vũ khí lớn.

Thượng tướng Võ Văn Tuấn -  Nguyên Phó Tổng tham mưu Trưởng QĐND Việt Nam. (Ảnh: TTXVN).

 

Đầu tháng 3/1988, trung đoàn tổ chức chuyến bay đầu tiên ra quần đảo Trường Sa. Phi đội trưởng Phi đội cơ động Vũ Xuân Cương và Thiếu tá Phi công chuyên gia Liên Xô Grigoriev điều khiển chiếc Su-22M số hiệu 8502 thực hiện chuyến bay này. 

Cách hơn 30 km, hai phi công đã nhìn thấy đảo đầu tiên của quần đảo Trường Sa. Hạ thấp độ cao, phi công bay qua đảo rồi trở về căn cứ an toàn. Song, những chuyến bay thời điểm này chưa liên lạc được với các chiến sĩ trên đảo.

Trước Tết Canh Ngọ 1990, biên đội bay do hai phi công cùng tên Tuấn, bao gồm biên Đội trưởng là Thiếu tá Võ Văn Tuấn (hiện là Thượng tướng Nguyên Phó Tổng tham mưu Trưởng QĐND Việt Nam) và Thượng úy Hồ Kim Tuấn (hiện là Đại tá Chủ nhiệm bay Sư đoàn không quân 370) đã để lại dấu ấn lớn trong những chuyến bay hồi đó - chuyến bay đầu tiên liên lạc bằng Vô tuyến điện với các chiến sĩ trên đảo.

Thượng tướng Võ Văn Tuấn kể, chưa có nhiều chuyến bay ra Trường Sa trước đó, và đó là chuyến bay đầu tiên liên lạc bằng Vô tuyến điện với các chiến sĩ trên đảo Trường Sa trong thời khắc trước Tết Canh Ngọ 1990. Lúc này, đội bay nhận nhiệm vụ chúc Tết các chiến sĩ Trường Sa qua sóng liên lạc Vô tuyến điện.

Thượng tướng Võ Văn Tuấn trong buồng lái máy bay Su-27.

"Nói đúng ra chuyến bay đầu tiên của Không quân chiến đấu là từ tháng 2/1988 đã bay rồi, sau đó thì cũng có thêm một vài chuyến bay nữa. Tuy nhiên, tất cả các chuyến bay đó chỉ là làm nhiệm vụ tuần tra, chỉ bay qua đảo chứ không liên lạc được với các chiến sĩ trên đảo vì trước đó chưa được trang bị máy đối không, chưa có sĩ quan không quân trực ngoài đó. Vì vậy, chỉ có thể bay ngang thôi chứ không quan sát và biết được ở dưới như thế nào cả.

Còn vào thời điểm tôi bay, thì đã có sĩ quan không quân trực tác chiến ngoài đó và có máy Vô tuyến điện để liên lạc với máy bay. Chuyến bay này gần tết, ý định của cấp trên là liên lạc để thay mặt anh em trong đất liền chúc tết bộ đội ngoài Trường Sa, vì thời điểm đó bộ đội ngoài Trường Sa khổ lắm, rất khổ. Không có liên lạc, không có đầy đủ như bây giờ.

Hiểu được lẽ đó thì cấp trên chỉ đạo chúng tôi hỏi thăm, chúc tết như một lời động viên để cho các chiến sĩ Trường Sa giữ vững tinh thần, để luôn sẵn sàng bảo vệ biển đảo", Thượng tướng Võ Văn Tuấn kể lại.

Thượng tướng Võ Văn Tuấn cho rằng, thời điểm đó ông được phân công, đó cũng là sự tình cờ và tạo nên may mắn cho riêng mình. Chuyến bay đó tạo nên ấn tượng sâu sắc nhất đối với ông, vì lần đầu tiên Không quân chiến đấu liên lạc được với các chiến sĩ trên đảo, có lời chúc tết và tạo được sự giao thoa giữa đất liền với biển đảo.

“Chúng tôi, những người canh đảo Trường Sa xin chào các anh!”

Thời điểm đó, với Không quân Việt Nam để có một chiến đấu cơ cất cánh ra đảo không hề đơn giản. Hệ thống radar dẫn đường của không quân Việt Nam chỉ giới hạn trong phạm vi 200km. Nếu bay ở độ cao thấp thì radar chỉ bắt được máy bay ở khoảng cách 100km, trong khi khoảng cách từ Phan Rang - căn cứ của máy bay Su-22M4 ra Trường Sa hơn 400km, vượt quá tầm hoạt động của radar.

Nghĩa là khi bay từ đất liền ra hơn 200km, không còn radar dẫn đường hỗ trợ nữa mà phi công phải tính toán để tự bay. Trong khi đó, máy bay Su-22M4 không có hệ thống radar dẫn đường mà chỉ có đồng hồ tính toán để đi. Phi công phải tính toán trước, kẻ đường đi trước khi xuất phát.

Theo các phi công lành nghề, bay biển rất khó, đặc biệt là bay biển xa. Nếu không tập trung cao độ, phi công dễ bị cảm giác sai và dẫn đến tai nạn bay. Su-22M4 lại không phải máy bay có tầm bay xa, vì vậy, nếu sai một chút nhỏ về phương hướng thì không còn đủ nhiên liệu để bay về đến đất liền.

Bởi vậy, trong những chuyến bay hồi đó luôn đòi hỏi người phi công bay biển phải vừa giỏi, vừa bản lĩnh.

Thượng tướng Võ Văn Tuấn cạnh máy bay Su-22M 8511 sau 30 năm.

"Lúc đó tôi bay số 1, Kim Tuấn bay số 2, thời tiết bay ra Trường Sa hôm đó không tốt, nhiều mây mù. Chúng tôi phải cố gắng lắm mới để không mất đội hình. Lúc gần tới đảo, chúng tôi gặp một đám mây tích điện lớn phía trước, lấy độ cao vượt trên 10.000km mà vẫn chưa qua đỉnh mây. Tôi phải nhìn trong gương phản liên tục xem Kim Tuấn có bám theo được không, rất may là cậu ấy luôn mờ mờ đằng sau.

Trong tôi lúc đó có một ý nghĩ thoáng qua hay là quay về để đảm bảo an toàn bay, nhưng ý nghĩ đó lập tức bị dập tắt vì mục tiêu được gặp các chiến sỹ Trường Sa.

Sau khi lách qua đám mây tích điện và từ từ hạ độ cao, chúng tôi nhìn thấy đảo Trường Sa Lớn mờ mờ hiện lên phía trước. Lúc đó, không kìm nổi cảm xúc, Kim Tuấn reo lên trong vui sướng "Trường Sa đây rồi!". Còn tôi, thầm cảm ơn Tổ quốc đã chấp cánh cho chúng tôi bay, cảm ơn thợ máy đã chuẩn bị tốt chương trình cho chúng tôi đến được với Trường Sa", Thượng tướng Võ Văn Tuấn kể.

30 năm trôi qua, nhưng mọi ký ức về chuyến bay năm ấy trong ký ức của Thượng tướng Võ Văn Tuấn dường như vẫn rõ mồn một. Bằng giọng tự hào, ông tái hiện lại toàn bộ thời khắc "bắt được sóng" với các chiến sĩ Trường Sa như vừa diễn ra hôm qua.

"Đến đảo, tôi cho máy bay thông trường ở độ cao 50 mét qua đảo, vì bất ngờ nên các chiến sĩ trên đảo không kịp ra chào đón. Lần thông trường thứ 2 tôi bay ở độ cao 30 mét, tôi và Kim Tuấn bất ngờ vì thấy hàng chục chiến sĩ cởi trần, mang xoong nồi, chậu, đứng nhún nhảy, reo hò phía dưới như thổ dân.

Trong giây phúc hạnh phúc, chúng tôi nghe tiếng đồng chí Bình – Sỹ quan tác chiến không quân trực trên đảo vang lên "Hải âu gọi Phượng hoàng, nghe rõ trả lời. Chúng tôi, nhưng người canh giữ Trường Sa xin chào các anh!". Trong đối không, tôi thay mặt anh em ở đất liền gửi lời hỏi thăm, lời chúc tết tới các chiến sĩ", Thượng tướng Võ Văn Tuấn nhớ lại.

Đối với Thượng tướng Võ Văn Tuấn, chưa bao giờ ông có một chuyến bay xúc động như thế.

"Thà rằng không liên lạc được thì thôi, đằng này được nghe tiếng nói đầy xúc động của đồng đội, họ đã sống hiên ngang và vững vàng như thế đó.

Chuyến bay đó tạo ra một hiệu ứng rất lớn, vì hồi đó không như bây giờ, để có thể liên lạc được được như vậy là một thành công lớn. Anh em ngoài đảo thời đó rất khổ, trên đảo không có cây cối, chỉ có mấy mái nhà lèo tèo, chim biển nhiều vô kể chứ đảo không được như ốc đảo nghỉ dưỡng, sang trọng như bây giờ, nên khi các chiến sĩ nhìn thấy máy bay của mình và nghe được giọng nói của phi công ở trên thì họ rất vui và phấn khởi. Tinh thần những ngày tết của họ chắc hẳn cũng sẽ vui hơn những tết trước.

Bản thân chúng tôi bay ra, khi quay về thì cái dư âm của chuyến bay đó, khi mà liên lạc được với anh em ở dưới rất hạnh phúc, cảm giác xúc động dâng trào hạnh phúc".

30 năm trôi qua, dù đã rất nhiều lần ra công tác Trường Sa bằng cả máy bay Su-22, Su-27, trực thăng, thủy phi cơ hay tàu chiến của Hải quân… nhưng có lẽ chuyến bay này là chuyến bay mang dấu ấn đậm nhất trong cuộc đời của Thượng tướng Võ Văn Tuấn.

Thy Huệ

Tin mới