Chiều 31/10, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ.
Trong đó, nhiều ý kiến đại biểu băn khoăn có nên cấp súng cho công an xã và lực lượng điều tra của Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao.
Bình luận về vấn đề này, Thượng tướng Võ Trọng Việt, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội cho rằng công an xã là một cấp của lực lượng công an nhân dân. Vì vậy, quan điểm của Uỷ ban Quốc phòng An ninh cho rằng nên cấp súng cho lực lượng này.
Bên cạnh đó, ông Việt cũng cho biết qua thực tế, điều tra viên của Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, nhất là điều tra về kinh tế rất phức tạp. Vì vậy, “nếu không có gì trong tay” thì các điều tra viên sẽ rất khó khăn trong việc thực thi nhiệm vụ.
Hơn nữa, số lượng này chỉ có 180 người nên Thượng tướng Võ Trọng Việt đồng tình với quan điểm cấp súng cho lực lượng điều tra viên của Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao.
Ngoài ra, việc quy định cấp súng cho công an, quân đội, kiểm lâm, kiểm ngư, hải quan… đều đã có quy định chặt chẽ.
“Khi rõ đối tượng cấp rồi thì quy trình cấp và quản lý phải rất chặt chẽ”, ông Việt nói.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh cũng thông tin "vụ việc nổ súng ở Yên Bái không phải do sơ hở trong luật mà do súng được cấp cho ông Đỗ Cường Minh đi công tác. Tuy nhiên, ông Đỗ Cường Minh đã đem khẩu súng đó đi gây án".
Bên cạnh đó, hiện nay nhiều ý kiến đại biểu đang tranh luận về việc nổ súng có cảnh báo và không cảnh báo.
“Cảnh báo đối tượng đó để biết rằng phải dừng thực hiện hành động của mình khi người sử dụng vũ khí quy định, quá giới hạn đó mà không tuân thủ thì có quyền nổ súng tiêu diệt”, ông Việt nêu.
Video: Không khởi tố vụ trọng án ở Yên Bái do nghi phạm đã tử vong
Thực tế trước nay có nhiều sơ hở, người cầm súng có khi lúng túng, có khi lạm quyền. Việc không đáng nổ súng thì lại nổ súng nên có trường hợp phải ra toà.
“Ví dụ, việc bảo vệ yếu nhân, nếu không tiêu diệt ngay thì không kịp”, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh nêu dẫn chứng.
Vì vậy, ông Việt cho rằng luật này cần trao cho người cầm súng có quyền chủ động, nhưng người cầm súng cũng không được lạm dụng. Ranh giới này rất quan trọng.
“Ngoài ra, vì tính nhân đạo nếu phát hiện là phụ nữ, trẻ em, người tàn tật thì nhất định không được nổ súng”, ông Việt nêu.
Cũng góp ý cho dự thảo luật, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) đề nghị xác định việc nổ súng trong điều kiện hòa bình phải khác với điều kiện chiến tranh.
“Vì trong thời chiến mà quy định thế này thì không đủ cơ sở bảo vệ nhưng trong thời bình nếu quy định không rõ có thể bị lạm dụng”, đại biểu Trương Trọng Nghĩa nêu.
Vì tính chất quan trọng của luật, đại biểu Trương Trọng Nghĩa đề nghị phải có nghị định.
“Phải hết sức chi tiết, hết sức cụ thể nếu không đi vào cuộc sống sẽ khó cho người sử dụng phương tiện, khó cho chiến sĩ công an và khó cả cho những công dân khi đối mặt với tình huống, đâu là điểm dừng, đâu là tình huống sẽ xảy ra nổ súng. Phải có ranh giới rõ ràng”, đại biểu Trương Trọng Nghĩa nêu.