Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh kể kỷ niệm về nhà thơ Tố Hữu

Nhà thơ Tố Hữu - chú Lành là đồng hương của ba mẹ tôi, hai nhà xưa ở Quảng Điền (Thừa Thiên) chỉ cách nhau con sông Bồ xanh trong, quanh năm đậm nước.

Nhân dịp 100 năm ngày sinh nhà thơ Tố Hữu, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng chia sẻ với VietNamNet những kỷ niệm về người bạn, người đồng chí thân thiết của ba mẹ ông. 

Thừa Thiên quê tôi có cây cầu Thanh Hữu

Bên kia sông là Phù Lai quê Chú, tên nôm là Phù Lai “cà”, vì quê nghèo chẳng có gì ngoài cà mà ăn. Bên này sông là Kẻ Lừ quê Cha, cũng một vùng đất cằn, nước lợ đồng chua. Hai bên sông là rặng tre già xanh ngút ngàn - nơi hai người con ưu tú đất Thừa Thiên sinh ra và lớn lên, cùng ăn chung một con nước, tắm chung một dòng sông. Người bên ni sông đứng gọi, người bên nớ đáp lời.

 

 Hai người con ưu tú đất Thừa Thiên - nhà thơ Tố Hữu và Đại tướng Nguyễn Chí Thanh.

Ở ngay đầu làng, nối giữa đôi bờ là cây cầu nhỏ đã có từ lâu, sau này người dân tự đặt tên là cầu Thanh Hữu. Nội cái tên đó thôi cũng đủ hình dung về hai người bạn đồng hương, đã cùng nhau đi hết một cuộc đời cách mạng biết bao gian khó nhưng như nhất thủy chung, trọn vẹn cho đến khi cùng nhau đi về thế giới bên kia. Để lại cho quê hương nỗi nhớ thương và niềm tự hào rất Huế.

Có một câu chuyện thú vị về những năm đầu chú Lành tham gia Cách mạng. Khi ấy còn trẻ lắm, nhưng chú đã là Bí thư Thành ủy Huế. Nghe làng Kẻ Lừ có anh bần nông Vịnh “Trâu”, dám chống ách thực dân Pháp, đấu tranh với cường hào, anh Bí thư Thành ủy sang làng bên làm quen, định tuyên truyền giác ngộ. Nói chuyện một lúc thấy Vịnh cứ lảng ra, chỉ cười cười, anh Lành đâm bực mình.

Ai ngờ một thời gian sau, khi bị bắt giam vào nhà lao Thừa Phủ (Huế), anh Lành lại gặp ông bần nông đồng hương ở trong đó rồi. Lành hỏi: “Mần răng mà eng vô đây?”. Vịnh thủng thẳng: “Thì Pháp nó bắt”. “Eng mần chi mà nó bắt?”. Vịnh trả lời: “Làm Bí thơ Tỉnh ủy. Bây giờ là Bí thơ chi bộ nhà tù”.

Lúc ấy hai anh Bí thư mới nhận ra nhau, và đó cũng là lúc bắt đầu một tình bạn, tình đồng chí kéo dài gần 30 năm, cho đến khi anh Lành viết bài thơ “Nhớ anh” để vĩnh biệt người bạn thân thiết. 

Không chỉ là “đồng hương”, “đồng chí”, mà họ còn là “đồng phạm” trong nhà tù thực dân. Những lần tới thăm nhà tù Lao Bảo (Quảng Trị), nơi ba và chú Lành bị giặc lưu đày, tôi lặng người trước vòm ngục đá lạnh lẽo, cố hình dung xem những ngày tăm tối ấy, điều gì đã giúp họ mạnh mẽ, gan góc, vững chí trước đòn roi tàn bạo của kẻ thù.

Suốt dọc dãy sàn là những cây cùm lớn, xiềng tới sáu bảy chục người tù, chỉ có thể ngồi dậy mà chẳng thể chuyển chỗ nằm nên mới gọi là thứ “tù ngồi”. Dưới hầm ngục Lao Bảo, người tù chỉ có thể ngước lên để thấy chút khoảng trời treo ngoài cửa sổ, hun hút xanh thẳm xa vợi. Nhưng cũng chỉ nhờ khung trời hy vọng đó, những ngày biệt giam họ đã kiên cường đấu tranh, không lùi bước trước bạo tàn, tù ngục.

Đôi bạn bên sông Bồ

Năm đó, chú Lành tròn 20 tuổi, lần đầu tiên trong đời hiểu thế nào là “đói gần chết”. Cả ba, cả chú và những đồng chí của mình kiên gan tuyệt thực suốt mười mấy ngày trời, đến khi chỉ còn xương với da nhăn nheo, mạch thở thoi thóp mà vẫn giữ trọn khí tiết, vẫn đủ tỉnh táo để rồi viết nên “Con cá chột nưa”, mà có lẽ chỉ mấy vần thơ ấy thôi, cũng đủ để mãi mãi các thế hệ mai sau biết được ngày ấy cha ông chúng ta làm “Quan cách mạng” sướng khổ như thế nào, và từ đâu mà chúng ta có được cuộc sống tươi đẹp, đất nước hùng cường ngày hôm nay.

Rồi đến ngày họ vượt ngục băng rừng về với quê hương, với Cách mạng, không một hạt gạo, không một lon nước đi đường.

Cả nhóm tù vượt ngục tản ra đường ai nấy đi, riêng Vịnh, Lành đi cùng nhau. Một người mặc cái quần cộc, người kia còn giữ được chiếc quần dài. Đến giữa rừng đói quá, may tìm được một vạt ổi chín ngọt lịm, hai anh em ăn một bữa no nê, rồi Vịnh kêu bạn cởi quần dài thắt vào làm túi, vặt ổi gùi theo để ăn dần lấy sức cầm hơi.

Qua đến ngày hôm sau, Vịnh vẫn gượng gạo nhai được, còn Lành thì chỉ nhìn thấy ổi đã nôn mật xanh mật vàng... Sau này, mỗi khi kể lại chuyện này, ba tôi cười thích thú lắm, lại còn thêm: “Bây giờ chú Lành tha hồ đủ các loại trái cây, riêng ổi là không ăn”. Chẳng biết chuyện đó thực hư thế nào, nhưng đúng là về sau này, tôi chưa nhìn thấy ông Lành ăn ổi bao giờ! 

Bác Hồ cùng nhà thơ Tố Hữu về thăm Pác Bó năm 1961.

Trước khởi nghĩa Tháng 8, chính chú Lành là người giới thiệu ba tôi đi dự hội nghị Tân Trào, được gặp Bác Hồ, được Bác gọi là “Ông tướng Du kích” và đặt cho cái tên Nguyễn Chí Thanh.

Sau ngày giành độc lập ở Huế, ba và chú lại cùng nhau trải qua những tháng ngày Bình Trị Thiên khói lửa, cùng lên Việt Bắc theo Bác trường kỳ 9 năm kháng chiến, cùng về tiếp quản Thủ đô.

Rồi đến ngày mỗi ông được giao gánh vác một trọng trách, người ra tiền tuyến cầm súng đánh Mỹ, người làm công tác tuyên huấn ở hậu phương. Nghĩ cũng thật hay, rằng không có hậu phương vững ý chí thì tiền tuyến đâu chắc tay súng xung phong. Cho đến ngày cuối đời khi họ chia xa, cũng đã trọn vẹn 30 năm tri kỷ, gắn bó vì sự nghiệp chung...   

Tôi vẫn nhớ mùa hè năm 1967, những ngày cuối cùng trước khi ba vào Nam lần thứ hai, hai gia đình đưa nhau lên đường Thanh Niên chụp ảnh lưu niệm.

Hai ông đi trước, quần kaki, sơ mi trắng, lững thững tản bộ, trông thanh thản nhưng hình như họ đang nói với nhau điều gì gan ruột, quan trọng vô cùng. Hai bà đi sau, chỉ có tôi là đứa trẻ duy nhất được đi theo. Chợt chú Lành chỉ tôi, nói với Ba: “Mình thắng Mỹ cho nhanh, để thằng cu này lớn lên không còn chiến tranh, chúng nó về Huế xây dựng quê hương”.

Chỉ mấy ngày sau, tôi gặp lại chú, nhưng ở một nơi khác, khi ba tôi mất. Buổi chiều ngày 6/7, tôi được đưa đến bệnh viện 108, đã thấy chú ngồi một mình trước cửa nhà lạnh, trên chiếc ghế dài bệnh viện. Trông ông buồn lắm, tay cầm tập vở ô ly “bốn hào tám”, thỉnh thoảng cúi xuống viết.

Ông vẫy tôi lại ngồi, ôm rất chặt rồi đọc mấy câu thơ, bảo rằng viết cho ba, để tiễn ba. “…Anh vẫn là anh những sớm trưa; Của quê hương dãi nắng dầm mưa; Đẩy cày Cách mạng vai không mỏi; Gặt mấy mùa vui vẫn muối dưa…”. Rồi ông cuộn tròn tập vở, đứng dậy bần thần đi lại…

Đã hơn 50 năm, mà tôi không thể quên buổi chiều hôm ấy - Ba nằm đó, và bên cạnh là những người bạn thủy chung, những người đồng chí son sắt.

“Tau đâu có buồn!”

Bẵng đi hơn hai chục năm sau ngày ba tôi mất, chúng tôi ít gặp chú Lành, phần vì ông cũng bận rộn nhiều trọng trách, phần vì cả gia đình tôi đều là bộ đội, đi công tác liên miên, mỗi đứa một nơi. Mãi đến khi chúng tôi thực sự trưởng thành mới là những lần gặp ông đáng nhớ nhất.

Nhà thơ Tố Hữu và vợ 

Trong mấy chị em tôi, mỗi người một tính nhưng ai cũng được chú Lành quý mến. Chị Hà, con gái trưởng học hành giỏi giang, là học sinh chuyên văn, 18 tuổi đã được kết nạp Đảng, chắc vậy nên được chú quý ở sự nghiêm túc. Chị Sơn thì bộc trực, nghĩ sao nói vậy, nhưng chẳng bao giờ chú Lành giận. Có lẽ ông quý chị ở cái chất “đời”, dù hơi ngang ngược nhưng lại là khí chất ít thấy ở những người xung quanh.

Còn tôi hồi nhỏ lúc nào cũng được đi theo ba nên thường xuyên gặp chú. Sau này lớn lên một chút học hành có hơi dang dở, lại nghịch ngợm nổi tiếng nên ông cũng có phần “dè chừng”, nhưng khi ông về già hóa ra tôi lại hay được gần ông nhất.

Năm 1986 tôi cưới vợ, cả gia đình chú sang nhà ngồi suốt buổi tối, nói chuyện “ngày xưa”. Đó có lẽ là lần đầu tiên sau gần hai chục năm cả hai gia đình mới gặp lại nhau.

Khi ngồi riêng với chú, chị Hà chợt hỏi: “Cháu nghe nói chú sắp nghỉ. Vậy chú có buồn không?”. Ông lắng lại một lát rồi trả lời: “Tau nhiều niềm vui lắm. Có buồn là buồn cho nhân tình thế thái, có lo là lo cho sự nghiệp chung. Buồn lo chi riêng tau?”.

“Thế mà người ta bảo tau làm thơ chính trị”

Sau khi ông nghỉ, mọi người vẫn quý mến và quây quần quanh ông, nhưng cũng không phải không có những người lảng ra để “tìm bến khác”. Có người nói khi lui về đời thường, ông buồn và u uất... Có người còn kể lại những mẩu chuyện “sám hối” của ông mà tôi đọc thấy rất lạ. Không, đó không phải là ông. Ông là một con người, thì buồn vui là lẽ thường - sao lại đem ân oán mà gắn vào niềm vui và nỗi buồn của một con người, một nhà thơ và nhất là với một người trọng tuổi?

Nhà thơ Tố Hữu và các thành viên trong gia đình

Rồi chúng tôi lại đi xa, gần 10 năm sau tôi mới gặp lại chú Lành. Khi đó tôi công tác ở TP Hồ Chí Minh, được tin ông ở Nhà khách Trung ương T.78, tôi chạy tới thăm. Vào phòng thường trực, rồi đi qua 2 vọng gác mới đến nơi ông ở. Vào đến căn biệt thự thì thấy vắng lặng quá, không gian im ắng như tờ, thỉnh thoảng mới có người công vụ ra vào, thăm chú mà tôi cũng phải rón rén. Ở vậy thì tẻ lắm, nhất là với người già.

Tôi nói với cô chú: “Chú vào trong này để đi nghỉ, đi chơi cho vui vẻ, chứ ở thế này thì khác gì… Thôi chú ra ở nhà khách của chúng cháu ngoài phố, không sang trọng gì lắm nhưng cũng sạch sẽ mát mẻ. Bây giờ chú đã là dân, muốn đi đâu thì đi, ăn gì thì ăn, làm gì cũng làm được chứ sao?”. Không đắn đo nhiều, ông gật gù: “Ờ, thế thì ra chỗ mi ở”.

Chuyện đi lại, ăn ở với người bình thường chẳng gì khó, với người từng giữ cương vị rất cao thì không phải hễ cứ nói là làm được ngay. Nhưng loay hoay một lúc thì tôi cũng đón được ông ra ngoài.

Chuyển ra nơi ở mới đông vui, tự do, con cháu tiện chạy qua chạy lại thăm nom, ông thật thoải mái. Có lẽ đây là lần đầu tiên ông ở khách sạn như một khách du lịch, sống cuộc sống như một người bình thường. Lúc này mới thấy chú Lành thật khác, thật bình dị, là dân, là ông hơn.

Có điều hơi tiếc là tôi chưa mời được ông đi ăn ở một quán bên ngoài cho đổi không khí. Sài Gòn lạ lắm, mấy chục năm chế độ cũ, Mỹ đô hộ, nhưng hầu như không ai không biết Tố Hữu, không ai không thuộc một vài bài thơ, ít lắm cũng vài câu thơ Tố Hữu. Đưa ông ra ngoài, người dân nhận ra ông, xúm vào chào thôi cũng gay lắm rồi, nên tôi không dám mời ông đi.

Không chỉ ở Sài Gòn, mà đi đến đâu, thành thị hay nông thôn, cứ nói đến Huế miền Trung, nói đến cuộc kháng chiến thần thánh của nhân dân ta, thì lại nghe người ta ngâm thơ Tố Hữu, người thì biết tên tác giả, người thì không, có nhiều người còn nhầm là ca dao, hò vè dân gian. Thơ của ông đến với người dân trong cuộc sống, trong cuộc đấu tranh, trong cuộc đời bình dị chứ không đến từ con chữ hay trong sách vở.

Tôi không thích thơ, không đọc thơ, càng mù tịt về thơ nhưng không hiểu vì đâu mà tôi lại biết, lại thuộc rất nhiều thơ Tố Hữu. Có lẽ, câu thơ đầu tiên đến với tôi là từ bà nội: “Nỗi niềm chi rứa Huế ơi. Mà mưa xối xả trắng trời Thừa Thiên.”.

 Rồi mệ thủng thẳng: “Ui chao, nghe câu thơ mà vừa thương vừa nhớ quê mình. Huế đẹp bao nhiêu, mưa thuận gió hòa bao nhiêu, nhiều ông, mệ bao nhiêu, thì Thừa Thiên mưa bão, xối xả, đói nghèo bấy nhiêu...”. Chẳng biết mệ nói có đúng không nữa, nhưng tôi không bao giờ quên câu thơ này mỗi khi nghĩ về quê mình.

Thời ấy người ta hay xem phim video. Thấy trong phòng nghỉ có TV, tôi hỏi ông có xem phim để tôi mang vào. Thoạt đầu tôi đưa vào toàn phim cách mạng, thật “đỏ”, chứ đưa phim lung tung sợ ông la. Mấy hôm sau trở lại, thấy chồng băng vẫn y nguyên, hỏi sao chú không xem, ông trả lời: “Những phim này tau xem suốt, duyệt từ khi nó còn chưa ra đời, xem đi xem lại nhiều rồi!”. Tôi nghĩ: Hay giờ đưa phim Tây cho ông xem?

Được đôi ngày, lại thấy ông chỉ lướt qua rồi chẳng xem nữa, ông bảo: “Xem chiến tranh, súng ống, đánh đấm nhiều, chán lắm!”. Bí quá! Khi đó có trào lưu xem phim tâm lý Đài Loan, Hồng Kong, tôi đánh liều thử mang vào. Được hai hôm cậu phục vụ nhắn: “Bác bảo xem hết phim rồi, thay phim khác cho bác”. Té ra là cụ thích xem phim tình cảm.

Có hôm ngồi hầu chuyện ông, tôi đánh bạo hỏi: “Chú tài thế, làm bao nhiêu việc, toàn chuyện chính trị chán ngắt, thế mà vẫn làm được thơ”. Ông nghĩ ngợi một lát, thủng thẳng: “Thế mà người ta bảo tau làm thơ chính trị”. Rõ là ông buồn!

Tôi không dám nói gì, nhưng thầm nghĩ: “Thơ có hay thì người ta mới đọc, thơ phải hay lắm thì người ta mới thuộc lòng. Cụ làm to, người ta có thể sợ, nhưng có thứ quyền lực nào ép được trái tim con người mở ra để đón nhận thơ không, có ai ép buộc được người dân từ già tới trẻ thuộc thơ ông không?”

Mấy hôm sau, tôi lại hỏi: “Lâu rồi chú không viết, hay chú ra biển, vừa nghỉ ngơi, vừa lấy cảm hứng làm thơ?”. Ông đồng ý liền. Chúng tôi mời ông ra nghỉ Vũng Tàu, ở một nhà khách cũ, nằm trên sườn núi trông ra biển, rất giản dị và yên bình. Mới đầu, ông đồng ý xuống nghỉ một tuần, thế rồi đến gần hai tuần thấy báo về là ông vẫn chưa chán, ngày nào cũng tản bộ dọc Bãi Sau...

Gần cuối kỳ nghỉ, xuống thăm ông, tôi hỏi: “Xuống đây chú tắm biển được mấy lần, có làm được bài thơ nào không?”. Ông trả lời: “Tau đi biển để làm thơ mà không tắm biển, cũng không làm được bài thơ nào, chỉ suốt ngày ngắm biển và nghĩ về thơ, nhưng thú lắm mi ạ!”. Nói đến đấy, ông miệng cười, mắt cười, rất thanh thản. Trông ông hiền thế.

“Tau lừa được thần chết!”

Mỗi người gần chú Lành có một cảm nhận khác nhau, nhưng tôi thì không thể quên sự hóm hỉnh và hài hước của ông, nhất là một điệu cười, một ánh mắt chẳng lẫn vào đâu được. Có lẽ vì những đặc điểm ấy ông giấu tận đâu ở bên trong, cộng thêm chức vụ ông to quá, nên người ta ít nhận ra.

Dáng ngồi ông Lành thật khó quên, lưng hơi gù, ngồi thụt sâu vào tựa ghế, đầu cúi xuống ngực, mắt lim dim..., mình nói mà không biết ông có nghe không nữa. Nhưng cứ nghe có gì mới, gì lạ - ông lại hơi ngước lên, đôi mắt nhỏ ánh lên một cái, ra cái điều: “Cái gì? Nói tiếp đi!”...

Rồi đến khi câu chuyện có gì vui, ông ngửng đầu lên, mắt mở to, miệng nở nụ cười thích thú, ranh mãnh như vừa bắt thóp được ai, được một điều gì đó. Lạ lắm, miệng cười thì mắt cười, cười từ tận bên trong, như thể đó là cái cười của ông dành cho chính mình.

Nhà thơ Tố Hữu và các thành viên trong gia đình

Mùa đông năm 1997, ông bị ốm nặng tưởng chừng không qua khỏi. Lúc đó có quy định khi các cán bộ cao cấp của Đảng và Nhà nước qua đời sẽ được tặng thưởng Huân chương Sao Vàng.

Chúng tôi nghe chú ốm, lại nghe thông báo chú được tặng Huân chương Sao Vàng, giật mình nghĩ: thôi gay rồi. Mấy chị em lật đật đến thăm, thấy ông vẫn đi lại được, lại còn ra phòng khách tiếp chuyện vui vẻ.

Chị Hà nói: “Chúng cháu nghe chú ốm, lại nghe được tặng Huân chương Sao Vàng, nên lo quá”. Ông cười, vẫn điệu cười khoái chí ấy: “Tau lừa được thần chết, ốm tưởng chết nên được trao Huân chương sớm, nay tau lại không chết nữa”.

Tôi ngồi cạnh láu táu: “Thế là chú lời được một cái huân chương. Bao giờ đi thật có khi lại được thêm cái nữa”. Chị Hà ngồi cạnh mắng át: “Cái thằng. Nói linh tinh”. Sợ Ông giận, đâu ngờ Ông ngồi thẳng dậy, cười thích chí: “Ờ. Hè”. Rồi mắt ngước lên nhìn đi đâu đó, nghĩ về điều gì thật xa xôi... Thế đấy, người hài hước với cả thần chết như ông, ở đời cũng hiếm.

Sau đó mấy năm, ông lại ốm nặng nằm Viện 108, căn bệnh ung thư khiến ông đau đớn từ thể xác tới tinh thần. Nghe nói sừng tê giác mài ra uống sẽ làm giảm cơn đau, tôi đi xin được một mẩu nhỏ đem vào viện.

Đến cạnh giường chào ông, khoe với ông mẩu sừng nhỏ xíu, tôi nói đùa: “Ông già tệ lắm, có con gái đẹp thì không gả, đến lúc ốm thì lại bảo đi tìm sừng tê giác cho uống”. Mọi người trong phòng lặng đi, vì ít ai dám đùa với ông như thế. nhưng ông lại cười, cũng cái cười không thể lẫn vào đâu được ấy. Cô Thanh lúc ấy mới nói: “Lâu lắm mới thấy chú cười”. 

Lời dặn dò gan ruột

Ngồi một lát, tôi chào ra về. Chợt ông vẫy tôi đến sát giường, hỏi nhỏ: “Công việc thế nào?”. Hơi giật mình, cũng chẳng dám kể nhiều, tôi chỉ đáp khẽ: “Công việc của cháu tốt, nhưng cũng nhiều khó khăn, nặng nề quá chú ạ”.

Chú Lành nhìn tôi hồi lâu, rồi cất tiếng: “Tau dặn mi bốn điều: thứ nhất, mi sinh ra trong một gia đình cách mạng, ba mi là lãnh tụ, nhưng đừng lấy đó mà hơn thua với ai. Thứ hai, mi có chút thông minh lanh lợi, nhưng đừng bao giờ nghĩ là khôn hơn người. Thứ ba, mi là con em cán bộ dám đi chiến trường, nhưng không được nghĩ mình có công lao hơn người khác. Cuối cùng, mi khác mọi người ở chỗ quá trẻ, tuổi trẻ là vô địch nhưng nếu chủ quan mà không giành giật với thời gian thì sẽ muộn đấy con ạ!”.

Những lời dặn dò gan ruột ấy như được đúc kết từ cuộc sống, từ cuộc đời cách mạng và biết bao thăng trầm của ông, như lời của người cha, chỉ dành riêng cho con trai của bạn mình. 

Một câu chuyện khác về ông mà tôi vẫn nhớ mãi, dù đó là chuyện buồn. Năm 1980, mẹ tôi mất. Các chú bác bạn bè đồng chí của ba mẹ đều đến viếng. Sau khi đưa mẹ ra nghĩa trang, trên đường về  có người chợt hỏi: “Các bác các chú đến đủ hết, sao chú Lành không đến nhỉ?”. Cả bốn chị em nhìn nhau, không hiểu vì sao, cũng không nói gì.

Về đến nhà mỗi người một góc lăn ra ngủ sau mấy ngày mệt mỏi, buổi chiều dậy nghe nói chú Lành đến thắp hương, ngồi một mình một lúc rồi về. Chuyện đó cứ day dứt trong lòng chị em tôi một thời gian dài.

Gần 40 năm sau, vào năm 2019, trong lần hai gia đình cùng vài bạn bè thân gặp nhau ở TP Hồ Chí Minh, đắn đo mãi tôi mới kể câu chuyện này. Khi tôi dứt lời, mọi người đều lặng xuống. Khi đó Hồng, cô út trong nhà chú Lành nói: “Em biết chuyện này, mỗi lần nhắc lại Ba đều rất buồn và day dứt mãi”.

Khi đó tôi nói: “Với gia đình chúng tôi, chú Lành là một người trọn vẹn, chỉ riêng chút chuyện đó hôm nay mới kể. Nghe Hồng nói vậy, mọi uẩn khúc trong lòng đều tiêu tan, chẳng còn gì khúc mắc. Mấy bữa nữa về thắp hương cho mẹ, tôi sẽ kể lại câu chuyện này…”.

Một góc công viên văn hóa và khu lưu niệm nhà thơ Tố Hữu tại xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền, Thừa Thiên - Huế

Ngày chú Lành đi xa, mấy chị em tôi muốn trao tặng gia đình một kỷ vật, đắn đo mãi mới quyết định làm bức tranh thêu bài thơ cuối cùng của ông - “Tạm biệt”.

Mang bản thảo có chữ ký tác giả vào tận Đà Lạt đặt người cầu kỳ thêu suốt tháng. Khi gần 49 ngày chú, chúng tôi mang đến định đặt lên bàn thờ thắp hương. Không ngờ cô Thanh bảo: “Đây không phải văn bản cuối cùng, lần cuối chú viết chữ khác”. Tranh thêu thì không sửa được, phải bỏ đi làm bức mới, lại mất cả tháng. Ai dè lần thứ hai làm xong, lại phát hiện một “văn bản cuối cùng” khác, thực sự rất khác.

Ôi, sao lại nhiều lần ông Lành “tạm biệt” đến vậy? Sau này ngẫm ra mới hiểu, cả ba văn bản đó đều được viết ở những thời điểm chú mệt nặng, đều là những lần tưởng sắp quỵ ngã xuôi tay, sau mỗi lần lại sửa khác. Thế mới biết là Tố Hữu là người dự cảm được chính đời mình:

Tạm biệt đời ta yêu quý nhất;

Còn mấy dòng thơ, một nắm tro;

Thơ gửi bạn đường, tro bón đất;

Sống là cho, chết cũng là cho.

(Tạm biệt. 1993 - 2003)

Họ có thể chết, nhưng không thể mất

Thế là đã tròn 100 năm ngày sinh Tố Hữu. Lại một con người ưu tú nữa trong “Thế hệ vàng” của thời đại Hồ Chí Minh đi qua thế kỷ. Với đất nước, với Đảng, ông là một nhà thơ lớn, nhà thơ cách mạng, nhà thơ của nhân dân. Còn với tôi, ông là người bạn, người đồng chí thân thiết của ba mẹ mà tôi may mắn được gặp, được hiểu chút ít.

Nay ông đã tròn trăm tuổi - nhưng cũng như Bác Hồ, như ba và những người đồng chí kiệt xuất của họ trong thời đại Hồ Chí Minh vĩ đại, những người chân chính - họ có thể chết, nhưng không thể mất.

Thưa chú Lành, cháu xin mừng chú tròn trăm tuổi. Kính chúc chú sống mãi trong lòng đất nước và nhân dân, trong lòng chúng cháu. 

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh (Thứ trưởng Bộ Quốc phòng)

Nguồn: Vietnamnet

Tin mới