Với các giáo viên vùng cao, được trở về với gia đình, với quê hương trong những ngày tết ngắn ngủi chính là phần thưởng lớn nhất.
Thời gian này đâu đâu cũng “nóng” với câu chuyện thưởng tết. Thế nhưng với các giáo viên vùng cao, thưởng tết dường như không có trong suy nghĩ của các thầy cô. Điều họ quan tâm hơn cả là chuẩn bị “khăn gói” xuống núi về quê ăn tết.
Thầy cô giáo vùng cao tặng quà cho trò mỗi khi tết đến xuân về - Ảnh: T.L. |
“Hạ sơn” vừa mừng vừa lo
Giáo viên dưới xuôi lên vùng cao dạy học chiếm tỉ lệ cao. Nhiều người được phân công vào dạy học ở những địa bàn nghe qua đã thấy sự xa xôi như Simacai (Lào Cai), Mù Cang Chải (Yên Bái), Mường Nhé (Điện Biên), Mèo Vạc (Hà Giang)...
Mỗi khi tết đến xuân về, nghĩ đến chặng đường về quê ăn tết ai cũng thấy nổi da gà vì quãng đường từ trường về quê quá xa. Trường xa bến xe, để về được quê nhiều thầy cô phải lặn lội đi xe đêm, chờ xe, đón nhiều tuyến, nhiều bến tàu mới về được nhà. Cả năm mới có một dịp đoàn tụ gia đình, các thầy cô không thể không cố gắng xuống núi để về với tổ ấm của mình ở quê.
Cô Nguyễn Thị Thu Đàm, giáo viên tiểu học huyện vùng sâu Mèo Vạc (Hà Giang), tâm sự: “Chị dạy học ở Sìn Hồ đã hơn chục năm nay rồi, quê Phú Thọ, dạy điểm trường lẻ nên quanh năm làm bạn với suối, đèo cao dốc núi và lạnh giá. Chỉ mong tết đến để về xuôi ăn tết với gia đình”.
Cô Đàm tâm sự về hoàn cảnh gia đình mình, chồng bộ đội ở Tuyên Quang, con nhỏ gửi ông bà nội ở quê để có điều kiện học hành hơn nên cả năm gia đình cô phải “tách” làm ba với biết bao điều thương nhớ.
Khi có lịch nghỉ tết, cô phải tức tốc thu dọn hành lý để ra trung tâm huyện đón xe lên tỉnh rồi vẫy xe về Hà Nội, rồi lại đón tiếp tuyến xe ngược lên Phú Thọ...
Không có nhà riêng, giáo viên nhiều trường học vùng cao phải ở trong những căn phòng tập thể rất chật chội. Vì vậy, trước khi về nghỉ tết, thầy cô phải bọc gói toàn bộ đồ đạc, tài sản để gửi chỗ an toàn hơn.
Công việc thu dọn mất nhiều thời gian. Nào bếp, nào nồi xoong, bát đũa, chăn màn, giáo án, sách vở... tất cả phải đóng gói rồi mang gửi nhà dân hay nhà kho của trường. Nếu để nguyên sẽ mất mát, hư hỏng.
Thầy cô “đi tết” trò
Đó là thực tế ở những trường học, những điểm trường ở vùng cao. Nếu như ở những tỉnh miền xuôi, thành phố, tết đến học trò đến chúc tết thầy cô nhưng ở vùng cao thì ngược lại, thầy cô phải tổ chức đi “chúc tết” học trò. Vào dịp này, các trường ở vùng cao thường tổ chức thăm hỏi những học sinh thuộc diện hộ nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở các bản xa.
Đây là nguồn động viên các em mỗi khi tết đến xuân về để các em có thêm sức mạnh mà học tập. Giá trị vật chất mỗi phần quà cho các em không lớn. Có thể chỉ là bộ quần áo mới, chiếc mũ len, đôi tất ấm... nhưng sự quan tâm của thầy cô đã nói lên tất cả niềm yêu thương và cổ vũ các em vượt qua mọi khó khăn.
Gần cuối năm, các trường chỉ đạo giáo viên chủ nhiệm khảo sát đối tượng học sinh ở xa trong các bản, sau đó lập danh sách để trường tổ chức đoàn đi thăm hỏi, tặng quà các em ngay tại nhà trước khi nghỉ tết. Dù đường núi vất vả nhưng các thầy cô vẫn lặn lội đến từng gia đình học sinh để mang hơi ấm đến cho học trò vùng cao mỗi khi xuân về.
Em Hoàng Thị Mừng (dân tộc Tày, Bảo Yên, Lào Cai) thổ lộ: “Em là học sinh nghèo, nhà ở xa nhưng năm nào tết đến, các thầy cô giáo đều lội suối vào tận nhà tặng quà, em cảm động lắm. Biết thầy cô quan tâm nên em cố gắng học tập thật tốt”. Không riêng gì em Mừng, có lẽ em học sinh nào nhận được quà tết cũng cảm nhận được hơi ấm từ tấm lòng thầy cô. Tổ chức tặng quà tết cho học sinh xong, thầy cô vùng cao lại vội vàng thu dọn đồ đạc để về quê ăn tết.
Theo TTO