Tình trạng dân đua nhau thu hoạch cau non để bán cho thương lái xuất khẩu sang Trung Quốc đã diễn ra ở tỉnh Thừa Thiên - Huế vài năm trở lại đây.
Tuy nhiên, năm nay, do việc thu mua rầm rộ nên mặt hàng này trở nên khan hiếm, giá cả cũng vì thế mà tăng vọt.
Bán cau non làm kẹo?
Thị xã Hương Trà và huyện Nam Đông là 2 địa phương có diện tích trồng cau lớn nhất của tỉnh Thừa Thiên - Huế. Cũng vì vậy, hoạt động mua bán cau non ở 2 địa phương này diễn ra khá tấp nập ở mọi lúc, mọi nơi, thậm chí là ở cả ven quốc lộ 1A.
Theo người dân địa phương, trước đây, giá cau quả rất bèo bọt, chỉ tăng nhẹ vào mỗi dịp lễ, Tết. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây xuất hiện các thương lái thu mua cau non, giá của mặt hàng này tăng cao.
Hoạt động thu mua cau non khá rầm rộ và diễn ra ngay bên quốc lộ 1A, đoạn qua thị xã Hương Trà, Thừa Thiên - Huế. (Ảnh: Đình Tuấn)
Chủ một cơ sở thu mua cau non ở phường Hương Văn (thị xã Hương Trà) cho biết, mỗi ngày, cơ sở của ông nhập vào khoảng 2 tấn cau non từ các thương lái.
"Cau non được các thương lái thu mua tại vườn với giá 12.000 đồng/kg. Sau khi thu mua, gia đình thuê người tách cau ra khỏi buồng đóng vào bao xuất ra các đại lý ở phía Bắc với giá 20.000 đồng/kg để xuất sang Trung Quốc”, chủ cơ sở thu mua cau non cho biết.
Được biết, cau non sau khi được thu mua về sẽ được sơ chế và sấy khô, sau đó phân loại đóng bao bán sang Trung Quốc. Các cơ sở bên Trung Quốc sẽ chế biến thành kẹo cau xuất sang các nước châu Âu. Sau khi được sấy khô, giá cau non sẽ dao động từ 100.000-120.000 đồng/kg.
Thấy việc kinh doanh có lời nên nhiều nông dân ở Thừa Thiên - Huế còn tranh thủ thu mua cau non của hàng xóm để bán cho các cơ sở chế biến để kiếm lời. Trung bình mỗi ngày nếu chăm chỉ một người có thể kiếm từ 200.000 đến 400.000 đồng.
Thời điểm này, nhiều người dân ở Huế cũng tranh thủ đi buôn cau non để có thêm thu nhập. (Ảnh: Đình Tuấn)
Ông Nguyễn Xuân Chinh - Phó chủ tịch UBND phường Hương Văn cho biết: “Cách đây hai năm, trên địa bàn từng xảy ra hiện tượng thương lái ồ ạt thu mua cau non xuất sang Trung Quốc. Lúc đó, nhiều tổ dân phố trên địa bàn phường có cơ sở thu mua cau non của các hộ dân.
Hiện nay, trên địa bàn phường chỉ còn hai cơ sở ở tổ dân phố Giáp Nhì thu mua cau, còn thu mua cau non hay cau già thì địa phương chưa nắm được. Nhiều hộ dân tranh thủ lúc nông nhàn cũng đi thu mua cau về nhập cho hai cơ sở này để kiếm lời”.
Việc mua bán cau non ở Thừa Thiên - Huế mang lại thu nhập cao cho người dân là điều không thể chối cãi vào thời điểm này. Tuy nhiên, nhiều người tỏ ra lo ngại trước việc nếu người dân chạy theo lợi nhuận thu mua cau một cách ồ ạt và nếu Trung Quốc ngừng nhập khẩu thì nhiều thương lái sẽ đứng trước nguy cơ lỗ nặng.
Cùng với đó, cây cau vốn không phải là cây kinh tế chủ lực, cau chủ yếu chỉ bán chạy vào các dịp lễ, Tết. Vì vậy, nếu bà con nông dân đua nhau chạy theo để trồng loại cây này, đến lúc thương lái ngừng thu mua thì sẽ tiềm ẩn rủi ro rất cao.
Lò sấy cau non không phép
Cũng giống như thị xã Hương Trà (Thừa Thiên - Huế), việc thu mua cau non ở huyện miền núi Nam Đông của tỉnh này cũng diễn ra khá nhộn nhịp vào thời gian gần đây. Cùng với đó, một lò sấy cau không phép đã mọc lên tại địa phương này gây ô nhiễm môi trường, khiến người dân bức xúc.
Được biết, lò sấy cau non không phép trên đặt tại thôn 11, xã Hương Hòa (huyện Nam Đông) trên đất của ông Lương Văn Công Vũ (46 tuổi) với diện tích khoảng 700m2. Dù không được cấp phép nhưng lò sấy cau non này hoạt động một cách công khai và khá rầm rộ với hàng chục lao động.
Lò sấy cau non không phép ở huyện Nam Đông tỏa khóa mù mịt gây ô nhiễm, khiến nhiều người dân bức xúc. (Ảnh: Phi Hoàng/ANTT)
"Lò sấy cau hoạt động khoảng từ tháng 6 cho đến nay. Mỗi ngày lò xả khói mù mịt gây khó chịu cho người dân. Nhiều đêm nằm ngủ không được vì mùi khói khó chịu", một người dân ở xã Hương Hòa nói.
Ông Phan Gia Điền - Chủ tịch UBND xã Hương Hòa cho biết, xã có diện tích trồng cau khoảng 20ha. Trước đây giá cau rẻ chỉ hoảng 5.000 đồng/kg. Kể từ khi thương lái Trung Quốc tới thu mua cau non, đẩy giá cau lên tới ngưỡng trung bình 20.000/kg.
Hiện nay, trên địa bàn xã, một số lò đã được cấp phép trên đất thổ cư của gia đình từ nhiều năm nay. Lò sấy cau trên được một người Hải Phòng thuê và xây dựng không phép từ diện tích đất nông nghiệp.
Hoạt động thu mua, sản xuất ở lò sấy cau non không phép kể trên diễn ra công khai và khá rầm rộ. (Ảnh: Phi Hoàng/ANTT)
Theo lãnh đạo UBND xã Hương Hòa, xã đã có quyết định đình chỉ, yêu cầu tháo dỡ đối với cơ sở sấy cau non nêu trên. Tuy nhiên, một số bà con nhân dân muốn giữ lại lò sấy cau vì nhiều người dân địa phương hiện đang làm thuê trong cơ sở này. Việc lò sấy hoạt động sẽ tạo nguồn thu nhập cho lao động địa phương cũng như tạo sự cạnh tranh về giá, giúp người dân trồng cau ổn định hơn.
Video: Đến hẹn lại lên, thương lái Trung Quốc ồ ạt thu mua cau non ở Khánh Hòa