Cùng với thuốc điều trị COVID-19, các loại thuốc tăng cường miễn dịch, thuốc bổ, vitamin…đang được nhiều người tìm mua và sử dụng với mong muốn nâng cao sức đề kháng, phòng tránh nguy cơ mắc bệnh.
Trên các trang mạng xã hội, những sản phẩm này được giới thiệu, rao bán rầm rộ với lời quảng cáo như: “giúp tăng sức đề kháng, trường hợp nếu lỡ thành F0 thì có thể sử dụng kết hợp các thuốc trị triệu chứng của COVID-19 để nhanh khỏi bệnh”.
Các sản phẩm thuốc bổ, thuốc tăng cường miễn dịch đa dạng về nguồn gốc xuất xứ, thành phần và giá cả khiến người tiêu dùng không biết loại nào giúp tăng cường hệ miễn dịch một cách hiệu quả nhất.
Theo PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương – nguyên Trưởng bộ môn Dược- Lâm sàng, Đại học Dược Hà Nội, hệ miễn dịch có vai trò giúp con người chống lại những tác nhân gây bệnh từ bên ngoài xâm nhập vào cơ thể. Việc bảo vệ sức khỏe bằng cách tăng cường miễn dịch là một trong những giải pháp quan trọng để phòng ngừa nguy cơ nhiễm bệnh, nhất là khi dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp.
Hệ miễn dịch được chia làm 2 loại, bao gồm:
- Miễn dịch không đặc hiệu là khả năng tự bảo vệ có sẵn trong cơ thể khi mới được sinh ra
- Miễn dịch đặc hiệu là trạng thái miễn dịch xuất hiện khi cơ thể đã tiếp xúc với kháng nguyên, được đưa vào chủ động hay ngẫu nhiên và tác động chuyên biệt lên một tác nhân gây bệnh nào đó.
“Ví dụ như trong dịch COVID-19 ai cũng muốn trong cơ thể mình đạt miễn dịch đặc hiệu chống lại virus SARS-CoV-2. Tuy nhiên miễn dịch đặc hiệu này chỉ có thể có được qua việc tiêm vaccine chứ không thể có được qua các thuốc tăng cường miễn dịch nói chung. Với mục tiêu phòng ngừa nhiễm bệnh cũng như giảm thiểu tác động của bệnh COVID-19 thì chúng ta buộc phải tiêm phòng đầy đủ để có được hệ miễn dịch đặc hiệu” - PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương giải thích.
Vitamin và thuốc tăng cường miễn dịch không có tác dụng đặc hiệu với COVID-19.
PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương cũng cho biết, các loại thuốc bổ, thuốc tăng sức đề kháng, bản chất là tác động vào hệ miễn dịch tự nhiên, giúp cơ thể chống đỡ với tác nhân gây bệnh tốt hơn. Tác nhân gây bệnh này không chỉ là SARS-CoV-2 mà bao gồm những loại vi khuẩn, virus gây các bệnh truyền nhiễm khác.
Để tăng cường miễn dịch, nâng cao sức đề kháng cho cơ thể thì không chỉ dùng thuốc mà cần kết hợp nhiều biện pháp khác như chế độ dinh dưỡng đầy đủ, tăng cường rèn luyện thể lực, ngủ đủ 8 tiếng/ngày, giữ cho tinh thần thoải mái, hạn chế stress, căng thẳng…
Cũng theo PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương, trong các hướng dẫn điều trị COVID-19 ở Việt Nam và trên thế giới đều không đề cập những trường hợp nào buộc phải sử dụng thuốc tăng cường miễn dịch. Hiện nay cũng chưa có bằng chứng khoa học chứng minh người sử dụng thuốc tăng cường miễn dịch thì có tác dụng dự phòng và điều trị COVID-19 hiệu quả hơn so với những người không dùng thuốc này. Vì vậy, uống vitamin hay các thuốc tăng cường miễn dịch chỉ có vai trò hỗ trợ tăng cường sức khỏe nói chung chứ không có tác dụng giúp F0 nhanh khỏi bệnh hơn.
Trước thực trạng nhiều tài khoản mạng xã hội rao bán một loại thuốc có tên là Anaferon của Nga để sử dụng cho trẻ em, PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương thông tin, Anaferon chỉ là loại thuốc giúp tăng cường hệ miễn dịch tự nhiên chứ không phải tác động lên hệ miễn dịch đặc hiệu để phòng và điều trị COVID-19. Vì vậy chúng ta không nên thần thánh hóa loại thuốc này rồi cố tìm mua cho bằng được.
Nếu mua qua mạng xã hội thì nguy cơ lớn nhất là mua phải sản phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, có thể gặp trường hợp thuốc giả, thuốc kém chất lượng. Khi đó người sử dụng không chỉ lãng phí tiền bạc mà còn có thể gặp những tác dụng không mong muốn, thậm chí bị ngộ độc. Mọi người không nên mua các sản phẩm chăm sóc sức khỏe, nhất là thuốc trên mạng xã hội mà chúng ta không biết được nguồn gốc chính thức của các sản phẩm này.
Về việc nhiều người có tâm lý khi đã mắc COVID-19 thì phải tăng cường uống thuốc bổ, vitamin, kẽm…để nhanh khỏi bệnh, không uống thì cảm thấy không yên tâm, PGS-TS Nguyễn Thị Liên Hương cho rằng đây là quan niệm không đúng. Các loại thuốc bổ, vitamin … không làm thay đổi tiến trình của bệnh COVID-19. Nếu chúng ta có một chế độ dinh dưỡng đầy đủ thì không cần bổ sung vitamin và khoáng chất. Tuy nhiên, trong dịch bệnh, vì một lý do nào đó mà chế độ dinh dưỡng không được đầy đủ hoặc khi bệnh nhân mệt mỏi, chán ăn thì có thể bổ sung vitamin và khoáng chất.
“Mọi người không nên tùy tiện sử dụng và không lạm dụng các loại thuốc này. Mọi người cần lưu ý thuốc nào cũng có tác dụng, nhất là khi mình dùng quá liều, nhất là người cao tuổi, trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ, phụ nữ có thai thì cần chú ý đến hơn vì nhạy cảm hơn với tác dụng phụ của thuốc cũng như dễ xảy ra sai sót về liều dùng của thuốc”, PGS-TS Nguyễn Thị Liên Hương nhấn mạnh.
Nhân viên y tế phường Linh Tây (TP Thủ Đức, TP.HCM) phát thuốc cho F0 điều trị tại nhà. (Ảnh minh họa: VnExpress)
Bà Hương cũng chỉ ra một số sai lầm thường gặp khi bổ sung vitamin và khoáng chất trong mùa dịch COVID-19. Đó là uống nhiều sản phẩm cùng một lúc mà không kiểm tra thành phần, dẫn đến bổ sung chồng chéo một hoạt chất, vượt quá ngưỡng hấp thu của cơ thể. K
Khi chúng ta đưa vào cơ thể bất cứ chất dinh dưỡng nào, nếu quá nhiều, gây dư thừa đều tiềm ẩn những rủi ro không mong muốn. Các vitamin tan trong nước như vitamin C, nếu dùng quá liều thì cơ thể sẽ tự đào thải. Nhưng các vitamin tan trong dầu như vitamin A,D hoặc kẽm nếu dùng liều cao thì cơ thể không tự đào thải được, dần dần tích lũy lại và gây ngộ độc cho người sử dụng.
Thông thường, nhu cầu vitamin và khoáng chất của cơ thể không nhiều. Vì vậy, trước khi bổ sung, người sử dụng nên kiểm tra thành phần, công thức và tham khảo ý kiến của bác sĩ chứ không phải uống càng nhiều càng tốt. Tốt nhất nên chọn các chế phẩm đa vitamin và khoáng chất với hàm lượng thấp để đáp ứng đủ cho nhu cầu của cơ thể, tránh nguy cơ uống quá liều. Bên cạnh đó giữ cho tinh thần thoải mái, ngủ đủ giấc, tăng cường luyện tập… cũng giúp cơ thể tăng cường miễn dịch trong mùa dịch COVID-19.