Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

'Thuốc lá ở Việt Nam đang quá rẻ trong khi sữa lại quá đắt'

(VTC News) -

Ở Việt Nam có một nghịch lý, sữa cho trẻ thì quá đắt, thuốc lá lại quá rẻ, thuế thuốc lá của Việt Nam chỉ bằng 1/6 của Thái Lan.

Bác sĩ Nguyễn Tuấn Lâm, đại diện Tổ chức y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam cho biết thông tin trên tại hội thảo về thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các mặt hàng có hại cho sức khỏe do Bộ Y tế tổ chức mới đây.

Theo chuyên gia WHO, Việt Nam thuộc nhóm các nước có mức thuế và giá thuốc lá thấp nhất thế giới, thấp hơn so với mặt bằng chung của các nước trong khu vực. “Ở Việt Nam có một nghịch lý, sữa cho trẻ thì quá đắt mà thuốc lá lại quá rẻ. Thuế thuốc lá của Việt Nam chỉ bằng 1/6 của Thái Lan. Thuốc lá rẻ dẫn đến người dân và trẻ em dễ dàng tiếp cận, lựa chọn. Do đó, cần tăng thuế thuốc lá để giảm bệnh tật và tử vong", bác sĩ Nguyễn Tuấn Lâm nói.

Bác sĩ Nguyễn Tuấn Lâm, đại diện Tổ chức y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam. (Ảnh: N.L)

Trong giai đoạn từ 2010 - 2020 (dù có các lần tăng thuế 2016, 2019), giá/thuế thuốc lá tăng hầu như không đáng kể. Trong khi đó, thị trường sản phẩm quá đa dạng, nhiều loại thuốc lá rẻ tiền, khiến người mua có thể dễ dàng lựa chọn thay thế để giữ nguyên mức chi.

Chuyên gia cũng nhận định, xu hướng giảm giá thực của thuốc lá và sức mua của thuốc lá tăng theo thời gian là vấn đề rất đáng lo ngại vì làm tăng khả năng tiếp cận thuốc lá của người dân, đặc biệt là đối với giới trẻ và người nghèo. Do đó, thuế tiêu thụ đặc biệt cần phải tăng đủ lớn và tăng thường xuyên để có được tác động hiệu quả đối với giảm tiêu dùng.

40.000 ca tử vong do bệnh liên quan đến thuốc lá 

Sử dụng thuốc lá là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây bệnh tật và tử vong sớm. Mỗi năm, cả nước có trên 40.000 ca tử vong vì các bệnh do thuốc lá gây ra. Con số này sẽ tăng lên 70.000 ca/năm vào 2030, gấp gần 4 lần số ca tử vong vì tai nạn giao thông đường bộ nếu không kiểm soát tác hại của sản phẩm này.

Kết quả nghiên cứu gần đây cho thấy chi phí hằng năm cho việc sử dụng thuốc lá ước tính lên tới 108.000 tỷ đồng, tương đương 1,14% GDP (năm 2022), bao gồm: 16.400 tỷ đồng từ chi phí y tế trực tiếp, 5.900 tỷ đồng từ chi phí gián tiếp do bệnh tật và 85.800 tỷ đồng do tử vong sớm. Ngoài ra, người dân còn chi 49.000 tỷ đồng để mua thuốc lá.

Giá sữa và thuốc lá đang mâu thuẫn. (Ảnh minh hoạ)

Để giảm bệnh tật và tử vong, cũng như tỷ lệ người hút, WHO khuyến nghị tăng thuế tuyệt đối với mỗi gói thuốc lá lên 5.000 đồng vào năm 2026 và lên 15.000 đồng vào năm 2030. Trong khi Bộ Y tế và Bộ Tài chính cùng thống nhất 2 phương án, gồm:

Phương án 1: Tăng thuế tuyệt đối với mỗi gói thuốc lên 2.000 đồng vào năm 2026 và lên 10.000 đồng vào năm 2030. Phương án 2: Tăng thuế tuyệt đối với mỗi gói thuốc lên 5.000 đồng vào năm 2026 và lên 10.000 đồng vào năm 2030.

So sánh tác động của hai phương án, Bộ Tài chính nghiêng về phương án 2 bởi cho rằng phương án 2 tạo ra hiệu quả tức thời (ngay 2026) về sức khỏe cộng đồng hơn so với phương án 1 do giảm tiêu thụ nhanh hơn, sớm hơn và ở mức độ lớn hơn. 

Thực hiện theo đề xuất này, thì tỷ trọng thuế trên giá bán lẻ tăng từ 36% (năm 2022) lên 59,38%, tương ứng với tỷ lệ hút thuốc ở nam giới sẽ giảm từ 42,7% xuống còn 38,5% và số thu thuế tăng ừ 17,6 nghìn tỷ đồng lên 39,2 nghìn tỷ đồng.  

Theo bác sĩ Nguyễn Tuấn Lâm, các phương án tăng thuế của Bộ Tài chính đưa ra khá trung tính, không ảnh hưởng nhiều tới sản xuất kinh doanh, nhưng vẫn đạt được mục tiêu giảm tỷ lệ tiêu dùng dù chưa ở mức như khuyến cáo.

Như Loan

Tin mới