Hôm 19/10, Ấn Độ gửi lời mời Australia tham gia cuộc tập trận hải quân thường niên Malabar vào tháng 11 tới cùng Nhật Bản và Mỹ.
Tuần tới, New Delhi sẽ tham gia vào cuộc đối thoại ngoại giao và quốc phòng cấp cao với Mỹ.
Liên tiếp những động thái này khiến các chuyên gia cho rằng làn gió thay đổi chính sách đã thổi tới New Delhi. Và Trung Quốc có thể là trung tâm của phần lớn sự thay đổi đó.
Giữa lúc Trung - Ấn đối đầu căng thẳng ở vùng Ladakh băng giá, Ấn Độ đang đưa ra những quyết định sách lược chậm rãi nhưng chắc chắn - điều mà họ từng rất dè chừng vì lo ngại chọc giận Bắc Kinh.
Theo SCMP, New Delhi đang chuẩn bị ký kết Thỏa thuận Hợp tác và Trao đổi cơ bản (BECA) với Mỹ vào tuần tới. Đây là thỏa thuận cuối cùng trong số 4 thỏa thuận thiết lập liên lạc quân sự giữa 2 quốc gia.
Binh sỹ Trung Quốc và Ấn Độ ở khu vực biên giới. (Ảnh: Getty Images)
Việc ký kết BECA sẽ là một bước tiến quan trọng vì nó cho phép Ấn Độ sử dụng bản đồ không gian địa lý toàn cầu của Mỹ để đánh giá độ chính xác của các loại vũ khí tầm xa như tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo.
Tờ Hoàn cầu Thời báo của Trung Quốc gọi việc ký kết BECA là một động thái nhắm vào Trung Quốc.
"Trong một khoảng thời gian dài, Ấn Độ xoa dịu Trung Quốc và cực kỳ thận trọng. Cách tiếp cận này đang được xét lại và Bộ tứ Kim cương (QUAD) là một ví dụ điển hình", cựu Tướng Ấn độ C. Uday Bhaskar - Giám đốc Hiệp hội nghiên cứu chính sách ở New Delhi cho hay.
Theo ông Bhaskar, cách Ấn Độ định vị mình trong Bộ tứ là dấu hiệu cho thấy nước này đang thay đổi.
Năm 2007, 4 nước thành viên của QUAD tập trận chung cùng hải quân Singapore. Nhưng sau khi Bắc Kinh giận dữ và yêu cầu New Delhi giải thích, Ấn Độ phải phân trần để xoa dịu.
Thủ tướng Manmohan Singh thậm chí còn cố gắng tách Ấn Độ khỏi Bộ tứ, nhấn mạnh nước này không hề tham gia vào nỗ lực kiềm chế Trung Quốc và rằng QUAD không có ý nghĩa an ninh.
Cách tiếp cận thận trọng này tiếp tục xuất hiện vào năm 2016 khi Ấn Độ miễn cưỡng tham gia vào đối thoại an ninh. Tuy nhiên, những điều này đã là quá khứ.
Đầu tháng 10, Ngoại trưởng Ấn Độ S. Jaishankar bay tới Tokyo để tham gia vào cuộc họp với những người đồng cấp khác trong nhóm QUAD.
Theo Harsh Pant, giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Kings College, sự thay đổi trong cách tiếp cận của Ấn Độ đối với các quyết định chiến lược liên quan đến Trung Quốc là bằng chứng cho thấy chính sách đối ngoại của New Delhi sẽ “bớt bị Bắc Kinh cản trở hơn trước".
Ông Pant cho biết điều này xuất phát từ sự thất vọng ngày càng gia tăng của Ấn Độ trước các động thái của Trung Quốc ở khu vực biên giới tranh chấp.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. (Ảnh: TOI)
Hồi đầu tháng 6, cuộc đụng độ giữa binh sỹ 2 bên khiến 20 lính Ấn Độ thiệt mạng. Dù đã tổ chức tới 18 vòng đàm phán, 2 nước vẫn chưa được thỏa thuận về vấn đề này.
Các chuyên gia cho rằng diễn biến mới ở biên giới mài mòn mong muốn đạt được quan hệ đối tác với Trung Quốc của New Delhi.
"Ấn Độ cần gửi một thông điệp tới Trung Quốc rằng họ đang tìm kiếm các giải pháp thay thế và họ có những người bạn, đối tác khác", ông Pant nhận định.
Theo chuyên gia này, việc Ấn Độ đồng ý tham gia họp Ngoại trưởng nhóm QUAD cũng như mở rộng cuộc tập trận là để nhằm vào sự nhạy cảm của Trung Quốc với vấn đề này.
"Mỗi khi nhắc tới QUAD, Trung Quốc lại nổi giận", ông Pant nói.
Theo một cựu quan chức Ấn Độ, cách tiếp cận này khác biệt so với chính sách với Trung Quốc lâu nay của Ấn Độ.
"“Có một tư tưởng thống trị ở New Delhi trong nhiều thập kỷ rằng cách để đảm bảo mối quan hệ với Trung Quốc duy trì ổn định là cho thấy sự trung lập của Ấn Độ và tránh các hành động được coi là thù địch với Bắc Kinh", ông này nói.
Vài chục năm qua, Ấn Độ không thúc đẩy bất cứ dự án cơ sở hạ tầng nào dọc khu vực biên giới tranh chấp để giữ hòa khí với Trung Quốc.
Nhưng vào đầu tháng 10, Ấn Độ tuyên bố mở hầm dài nhất thế giới chạy thẳng ra biên giới Trung Quốc. Dự án này giúp giảm đáng kể thời gian điều động binh sĩ đến khu vực biên giới giáp Trung Quốc.
Ông Bhaskar dự đoán các diễn biến mới đây có thể sẽ là xúc tác cho một vụ "phun trào" lớn hơn.
“Mối quan hệ giữa Ấn Độ - Trung Quốc đang trở nên lạnh nhạt và không thể loại trừ khả năng sẽ bùng phát xung đột. Không có sự tin tưởng giữa 2 bên và bất cứ điều gì cũng có thể xảy ra", ông này cho hay.