Chiều 20/12, lãnh đạo Thành ủy, UBND thành phố Hải Phòng, các sở, ban, ngành cùng các nhà sử học, chuyên gia tham gia thực nghiệm hiện trường tại bãi cọc ở xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên, nghi là bãi cọc phục vụ trận thủy chiến chống quân Nguyên Mông trên sông Bạch Đằng năm 1288.
Theo nhận định của các nhà khoa học, niên đại và không gian của cọc gỗ được mang đi giám định nằm trong quần thể cọc gỗ ở đây khớp với trận thủy chiến Bạch Đằng thời Trần.
Bãi cọc được khai quật tại cánh đồng Cao Quỳ (xã Liên Khê, Thủy Nguyên, Hải Phòng).
Tại buổi thực nghiệm, GS Sử học Lê Văn Lan cho biết, kết quả giám định C14 của một trong 27 cọc gỗ được tìm thấy sau quá trình khai quật cho thấy, chu kỳ bán hủy là 5.560 năm.
“Chúng ta phải chờ những mẫu khác để có kết quả tổng hợp đầy đủ, chính xác hơn về niên đại của các cọc gỗ được tìm thấy. Nhưng chúng ta yên tâm hơn vì, cọc gỗ được giám định không nằm trơ trọi một mình mà nằm đồng bộ nên có thể tiêu biểu cho gần 30 cọc gỗ ở đây.
Như vậy, con cháu, hậu duệ ở Quảng Ninh và Hải Phòng đều có thể hả lòng rằng, ông cha, tổ tiên chúng tôi cả trên đôi bờ của dòng Đá Bạc dẫn tới Bạch Đằng đều có công với đất nước, với lịch sử dân tộc”, GS Lê Văn Lan nhấn mạnh.
GS Sử học Lê Văn Lan.
Ngày 2/10, UBND huyện Thủy Nguyên nhận được báo cáo của UBND xã Liên Khê về việc phát hiện 2 thân cây gỗ ở nghĩa trang làng văn hóa Mai Động, nằm trong đê bao sông Đá Bạc.
Ngày 27/11 Viện Khảo cổ học Việt Nam phối hợp với Bảo tàng Hải khai quật khảo cổ tại cánh đồng Cao Quỳ (xã Liên Khê) trên diện tích 950m2, phát hiện 27 cọc trong 3 hố khai quật. Trong đó, hố 1 có diện tích khai quật 280m2, phát hiện 17 cọc; hố 2 có diện tích khai quật 198m2, phát hiện 2 cọc; hố 3 có diện tích khai quật 472m2, phát hiện 8 cọc.
VTC News sẽ tiếp tục thông tin về sự việc này.