Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Thực hiện hiệu quả cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước

Cổ phần hóa (CPH) doanh nghiệp nhà nước (DNNN) là một trong những quyết sách lớn của Đảng và Nhà nước, giúp DNNN trở thành DN có nhiều chủ sở hữu, tạo động lực và cơ chế quản lý năng động; huy động thêm nguồn vốn của xã hội vào sản xuất, kinh doanh; nâng hiệu quả, sức cạnh tranh và khả năng hội nhập của DN.

Chính vì vậy, việc tạo ra các điều kiện cần và đủ để thực hiện hiệu quả CPH đóng vai trò quan trọng, mang tính quyết định, trong đó, gỡ nút thắt về xử lý tài chính và định giá DN được đặt lên hàng đầu.

Bài 1: Những lực cản cần tháo gỡ

Cùng với sự nỗ lực của các bộ, ngành T.Ư và địa phương, nhất là Bộ Tài chính, quá trình tái cơ cấu DNNN thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Nhiều DNNN sau khi tái cơ cấu đã ngày càng lớn mạnh và hoạt động ổn định, bền vững hơn. Tuy nhiên, thực tiễn cũng cho thấy quá trình này vẫn bộc lộ nhiều hạn chế, hiệu quả chưa cao so kỳ vọng và lộ trình đặt ra.

 

Chất lượng cổ phần hóa chưa cao

Theo thống kê mới nhất của Bộ Tài chính, bốn tháng đầu năm, có chín DN được phê duyệt phương án CPH. Tổng giá trị thực tế của chín DN đạt 2.468 tỷ đồng, trong đó giá trị thực tế phần vốn nhà nước tại DN là 564 tỷ đồng.

Cũng trong bốn tháng, các đơn vị đã thoái vốn hơn 3.100 tỷ đồng, thu về 14.299 tỷ đồng, bao gồm cả các khoản thoái vốn trong năm 2016 các đơn vị mới báo cáo trong bốn tháng đầu năm 2017. Trong cả giai đoạn từ năm 2011 đến 2017, cả nước đã CPH 632 DN với tổng giá trị thực tế phần vốn nhà nước được xác định lại khoảng 374 nghìn tỷ đồng.

Riêng năm 2017, tổng thu từ CPH, thoái vốn phải nộp về Ngân sách nhà nước đạt hơn 144.577 tỷ đồng (gấp 2,41 lần so chỉ tiêu Quốc hội giao là 60 nghìn tỷ đồng), trong đó thu từ CPH hơn 5.192 tỷ đồng, thu từ thoái vốn 139.385 tỷ đồng. Hai năm 2017 và 2018 được đánh giá là các năm có nhiều cơ hội đầu tư nhờ CPH, thoái vốn nhà nước tại các DN đầu ngành cùng sự phát triển mới của thị trường mua bán nợ.

Trong đó, phiên đấu giá cổ phiếu Sabeco và khách sạn Kim Liên thành công, hay kết quả phê duyệt phương án CPH của Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV Oil), bán bớt cổ phần nhà nước của Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk)..., thu về hàng trăm nghìn tỷ đồng có thể xem như những điểm sáng trên thị trường.

Kết quả nêu trên cho thấy công tác sắp xếp, đổi mới, phát triển, cơ cấu lại DNNN có nhiều chuyển biến tích cực. Tiến độ cũng như số lượng DN CPH nhìn chung bảo đảm được yêu cầu đặt ra.

Tuy nhiên, việc thực hiện CPH, cơ cấu lại DNNN vẫn còn nhiều vướng mắc, hạn chế. Theo TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (Đại học Quốc gia Hà Nội), quá trình CPH và thoái vốn nhà nước còn chậm so với kế hoạch, ảnh hưởng tiến độ chung của chương trình CPH, tái cơ cấu DNNN, đồng thời chất lượng của tiến trình này còn thấp.

Mặc dù xác định đây là một chủ trương tiến bộ và mang tính chất đột phá của Nhà nước đối với hệ thống DNNN cũng như toàn bộ nền kinh tế, các chủ trương, chính sách đã cơ bản hoàn thiện, nhưng trong thực tế triển khai, quá trình này gặp rất nhiều lực cản.

Trong đó, nổi lên một số hiện tượng như: lợi ích nhóm chi phối tiến trình CPH, khó tìm tư vấn, xác định giá trị DN, nhất là các DN có quy mô lớn với mức độ phức tạp cao và hoạt động ở nhiều lĩnh vực kinh tế.

Cùng chung nhận xét, PGS, TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho biết, về số lượng, tiến độ CPH tương đối bảo đảm, nhưng về chất lượng còn thấp. Trong số 96,5% số DN đã được CPH, chỉ có 8% số vốn nhà nước được chuyển giao cho khu vực tư nhân.

Nhìn từ góc độ tái cơ cấu nền kinh tế, mục tiêu chính là chuyển nguồn lực quốc gia từ khu vực sử dụng kém hiệu quả sang khu vực sử dụng hiệu quả chưa đạt được. Bởi với 8% số vốn nhà nước trong các DNNN được CPH, hầu như vẫn nguyên sở hữu nhà nước, các thành phần khác vẫn phải đứng ngoài cơ cấu quản lý DN CPH, hạn chế tác dụng của CPH đối với đổi mới quản trị và thu hút vốn đầu tư phát triển từ bên ngoài.

Hiện, DNNN còn nắm giữ nhiều cổ phần nhà nước, có lợi thế hơn hẳn các DN cùng ngành nghề, nhưng kinh doanh lại kém hơn so với các DN đã CPH trước đó. Chẳng hạn, tại Công ty cổ phần Cao-su Phước Hòa (Bình Dương), DN thuộc Tập đoàn Cao-su Việt Nam, đơn vị đang chuẩn bị khá tốt cho tiến trình CPH, lãnh đạo công ty cho biết, sau CPH, vì cổ phần nhà nước còn lớn, chiếm tỷ lệ chi phối, cho nên hầu như hoạt động của DN không mấy thay đổi.

Trước đây, Công ty cổ phần Cao-su Phước Hòa là một trong những DN nộp ngân sách vào hàng đầu của địa phương, nhưng sau CPH số thu rất ít, chỉ có thể bảo đảm cho người lao động trong DN mức thu nhập trung bình.

 Công nhân Công ty cổ phần cao-su Phước Hòa (Bình Dương) khai thác mủ. (Ảnh: HOÀNG CƯỜNG)

Còn nhiều “góc khuất”

Cục trưởng Tài chính Doanh nghiệp (Bộ Tài chính) Đặng Quyết Tiến cho rằng, những lùm xùm chung quanh việc CPH Hãng Phim truyện Việt Nam mới đây đã phần nào phơi bày những “góc khuất” trong quá trình CPH DNNN, từ những vấn đề trong quy định tiêu chí lựa chọn cổ đông chiến lược, xác định giá trị tài sản vô hình cho tới xử lý đất đai và xác định quyền sử dụng đất trong cách định giá DN.

Vấn đề của Hãng Phim truyện cho thấy, đất đai của Hãng được UBND thành phố Hà Nội quy hoạch như thế nào thì sử dụng như vậy. Nếu là xưởng phim, trường quay thì sẽ sử dụng làm xưởng phim, trường quay; còn nếu thay đổi quy hoạch làm chung cư, siêu thị cần xin UBND thành phố chấp thuận thay đổi quy hoạch để chuyển đổi, và khi đó phải đánh giá lại.

Trưởng ban cải cách và phát triển DN (Viện Quản lý kinh tế T.Ư - CIEM) Phạm Đức Trung phân tích, xét trên góc độ thu hút nhà đầu tư nước ngoài, nhà đầu tư chiến lược, quá trình CPH cũng chưa đạt yêu cầu. Nghị quyết của Quốc hội quy định phải giảm tỷ lệ sở hữu nhà nước xuống mức sàn, nhưng thực tế lại không đơn giản như vậy.

Đơn cử, có DN theo kế hoạch chỉ giữ 65% số vốn nhà nước, nhưng sau khi bán đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng vẫn giữ 81%, hay kế hoạch bán cho đầu tư chiến lược 17%, nhưng thực tế chỉ bán được 10%,... Số vốn thoái được mới chỉ ở mức 30% so thực tế cần thoái. Khi CPH xong, tiền nhà nước vẫn luẩn quẩn trong DN hậu CPH, vẫn bộ máy cũ, việc cũ và công nghệ lạc hậu thì rất khó để kinh doanh hiệu quả.

Một trong những “góc khuất” nữa của tiến trình CPH hiện nay là vấn đề sử dụng tài sản đất đai. Theo TS Lê Anh Duy (Trường đại học Sài Gòn), nhiều DNNN bị “thâu tóm” bởi các DN trái ngành, như trường hợp của Hãng Phim truyện Việt Nam, của Tổng công ty Rau quả, nông sản, Tổng công ty Công nghiệp ô-tô Việt Nam đều thuộc sở hữu của một DN có lĩnh vực kinh doanh hoàn toàn xa lạ.

Có thể thấy, việc mua bán và sáp nhập DNNN gắn với những lợi ích về đất đai đang được các nhà đầu tư quan tâm nhiều hơn là tăng cường năng lực quản trị của DNNN sau CPH. Đó là chưa kể việc giao cho những người trong cuộc hay “đối tượng liên quan” bán tài sản do chính họ quản lý, đồng thời trao luôn cho họ cả tư cách người mua, tạo lỗ hổng lớn cho tiêu cực và tham nhũng.

Những ý đồ lạm dụng chính sách về đất đai có thể phát sinh ngay từ trước khi lên phương án CPH nếu cố tình “dìm” giá trị DN. Chẳng hạn, có thể để DN thua lỗ rồi sau đó mua được giá rẻ hoặc cố tình che giấu thông tin liên quan để hạn chế, ngăn cản người mua khác.

Nguồn: nhandan.org.vn

Tin mới