Chiều 16/12, tin từ Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai & Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, theo dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh này, do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường trên địa bàn tỉnh sẽ có mưa vừa, mưa to.
Công văn của Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Mực nước hồ Hương Điền lúc 9h ngày 16/12/2020 là +57,97m, lưu lượng nước đến hồ 271m3⁄s, lưu lượng điều tiết về hạ du qua tuabin phát điện 179m3/s.
Thực hiện quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Hương được Thủ tướng phê duyệt, Trưởng ban chỉ huy PCTT & TKCN tỉnh Thừa Thiên - Huế yêu cầu Công ty cổ phần Thủy điện Hương Điền - chủ công trình thủy điện Hương Điền, vận hành điều tiết hồ chứa Hương Điền qua tràn và tuabin, với lưu lượng tăng dần từ 200-300m3/s.
Thường xuyên theo dõi mực nước tại trạm thủy văn Phú Ốc đề điều chỉnh lưu lượng điều tiết theo lệnh của Ban Chỉ huy PCTT & TKCN tỉnh; khống chế mức nước ở Phú Ốc dưới +2, 7m, đồng thời, thực hiện điều chỉnh vận hành tùy theo tình hình lưu lượng thực tế đến hồ.
Thủy điện Hương Điền vận hành điều tiết nước qua tràn về hạ du do mưa lớn.
Trước đó, vào khoảng 14h ngày 1/12/2020 một vụ sạt lở với khối lượng khoảng 5.000m3 đất đá xảy ra tại vai trái hạ lưu thủy điện Hương Điền, cách chân đập thủy điện từ 60 đến 200 mét, thuộc lưu vực sông Bồ, hạ lưu của sông Rào Trăng. Sự cố này khiến người dân sinh sống vùng hạ du sông Bồ hết sức lo ngại.
Theo đánh giá của Sở Công thương Thừa Thiên - Huế, qua kiểm tra thực tế sau sự cố sạt lở ở vai trái hạ lưu, vị trí sạt lở cách khá xa công trình đập, nhà máy thủy điện Hương Điền vẫn làm việc bình thường, không có dấu hiệu bất thường.
Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn lâu dài cho công trình, Sở Công thương yêu cầu Công ty cổ phần Thủy điện Hương Điền tổ chức quan trắc, theo dõi diễn biến, đánh giá mức độ an toàn điểm sạt lở phía hạ lưu vai trái đập.
Sạt lở vai trái hạ lưu thủy điện Hương Điền ngày 1/12.
Tổ chức, khảo sát đánh giá và có phương án thiết kế, gia cố điểm sạt lở nói trên và tiến hành thi công khắc phục sớm, đảm bảo an toàn công trình và vùng hạ du trong quá trình vận hành, khai thác.
Liên tục kiểm tra đánh giá tình trạng đập, các thiết bị, công trình xả lũ, cửa nhận nước...; khắc phục kịp thời các khiếm khuyết để có biện pháp và báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý kịp thời đảm bảo an toàn công trình, hạn chế tối đa áp lực cho các công trình ở hạ du khi phải điều tiết lũ.