Sau khi Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình giới thiệu tiểu sử, quá trình hoạt động cách mạng và những cống hiến của nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thay mặt Ban lễ tang đọc điếu văn tiễn đưa nguyên Tổng Bí thư về nơi an nghỉ cuối cùng.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, thay mặt Ban Tổ chức Lễ Quốc tang đọc lời điếu.
Thủ tướng khẳng định, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu mất đi là tổn thất lớn đối với Đảng, Nhà nước, Quân đội, Nhân dân ta, để lại niềm tiếc thương với bạn bè quốc tế.
Thủ tướng thay mặt Đảng, Nhà nước ôn lại cuộc đời hoạt động cách mạng sôi nổi của nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu - người được tôi luyện và trưởng thành trong môi trường quân đội, trải qua các thời kỳ chiến đấu và xây dựng đất nước, tham gia Ban chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Quốc hội...
Các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước dự lễ truy điệu nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu.
Trong mọi hoàn cảnh, dù ở bất cứ cương vị công tác nào, đồng chí luôn luôn vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, chiến đấu và chỉ huy chiến đấu, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, thể hiện phẩm chất cao quý của bộ đội Cụ Hồ. Trên cương vị Tổng bí thư, với những kinh nghiệm thực tiễn phong phú, đồng chí Lê Khả Phiêu đã thường xuyên chăm lo công tác xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh.
Là nhà lãnh đạo cao nhất của Đảng, trong mỗi giai đoạn cách mạng, đồng chí đều nêu cao tính tiên phong, gương mẫu, giữ gìn sự đoàn kết trong Đảng, luôn thương yêu đồng bào, đồng chí, đặt lợi ích của đất nước và nhân dân lên trên hết.
Những năm gần đây mặc dù tuổi đã cao, sức khỏe giảm sút, nhưng đồng chí Lê Khả Phiêu vẫn đóng góp nhiều ý kiến cho Đảng, Nhà nước và quân đội. Đồng chí là nhà lãnh đạo đầy nhiệt huyết, hết mình, cống hiến, có trách nhiệm cao với Đảng, với dân, với nước, với quân đội.
Trước anh linh nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định cuộc đời của ông là tấm gương sáng để đồng bào, đồng chí, cán bộ, chiến sỹ cả nước học tập và noi theo.
Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu sinh ngày 27/12/1931, tại xã Đông Khê, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa; thường trú tại số nhà 7/36/C1 Lý Nam Đế, phường Cửa Đông, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội.
Ông tham gia hoạt động cách mạng năm 1947; vào Đảng ngày 19/6/1949. Ông là Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng các khóa VII, VIII; Bí thư Trung ương Đảng khóa VII; Uỷ viên Bộ Chính trị khóa VII, khóa VIII; Uỷ viên Thường vụ, Thường trực Bộ Chính trị khóa VIII; Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII (từ tháng 12/1997 đến tháng 4/2001); Đại biểu Quốc hội khóa IX, khóa X.
Sau một thời gian lâm bệnh, mặc dù đã được Đảng, Nhà nước, tập thể các giáo sư, bác sĩ tận tình cứu chữa, gia đình hết lòng chăm sóc, nhưng do tuổi cao, bệnh nặng, ông đã từ trần hồi 2h52 ngày 7/8/2020 (tức ngày 18 tháng 6 năm Canh Tý), tại nhà riêng, hưởng thọ 89 tuổi.
Hơn 70 năm hoạt động cách mạng, ông đã có nhiều đóng góp to lớn đối với sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc. Đồng chí được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao vàng, Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng và nhiều huân, huy chương cao quý khác của Việt Nam và quốc tế.
Ông mất đi là một tổn thất to lớn đối với Đảng, Nhà nước và nhân dân ta.
Để tỏ lòng tưởng nhớ nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quyết định tổ chức tang lễ ông Lê Khả Phiêu với nghi thức Quốc tang.
Ban Lễ tang nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu gồm 35 người do Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam Nguyễn Phú Trọng làm Trưởng Ban.