Ngày 16/1, Tiểu ban Kinh tế-Xã hội của Đại hội Đảng lần thứ XIII họp phiên toàn thể thứ 6 dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc - Trưởng Tiểu ban.
Phát biểu khai mạc phiên họp của Tiểu ban gồm 51 thành viên, Thủ tướng cho biết, Tiểu ban sẽ cho ý kiến hoàn thiện các dự thảo báo cáo sau Hội nghị Trung ương XI để báo cáo Bộ Chính trị, xin ý kiến Đại hội Đảng các cấp.
Từ khi được thành lập vào tháng 10/2018, Tiểu ban triển khai nghiêm túc quyết định của Trung ương, đã có 5 phiên họp toàn thể Tiểu ban, trong đó đã triển khai nghiên cứu 42 chuyên đề, tổ chức 6 buổi làm việc với tất cả các địa phương theo vùng trên cả nước, tổ chức nhiều hội thảo, khảo sát trong nước và quốc tế và đặc biệt là lấy ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, có những cuộc thảo luận tại các viện, các trường.
Thủ tướng phát biểu tại phiên họp.
Các Phó Thủ tướng, Thường trực Tiểu ban đã tổ chức các cuộc làm việc riêng để lắng nghe ý kiến chuyên gia, nhà khoa học góp ý cho dự thảo báo cáo, “chứ không phải đưa ý chủ quan vào báo cáo, mà dựa trên tinh thần đổi mới, tiên tiến, cách mạng”.
Tổ biên tập cũng đã làm việc với các tổ chức quốc tế uy tín tại Việt Nam và nhận được nhiều ý kiến tốt cho báo cáo để phù hợp xu hướng thời đại, không lạc hậu với tình hình quốc tế, khu vực.
Thủ tướng cho biết, tại phiên họp hôm nay, Tiểu ban sẽ nghe Tổ biên tập báo cáo, tập trung thảo luận, cho ý kiến vào 3 nội dung trọng tâm: Nội dung 2 dự thảo báo cáo đã được Tổ biên tập tiếp thu, hoàn thiện, nhất là những nội dung mới so với báo cáo đã trình Trung ương. Thứ hai, thông qua nội dung chủ yếu của các báo cáo tóm tắt phục vụ Đại hội Đảng các cấp, cấp cơ sở để trình Bộ Chính trị cho ý kiến. Thứ ba là dự thảo kế hoạch hoạt động năm 2020 của Tiểu ban và Tổ biên tập.
Hai tháng qua, Tổ biên tập, các nhóm theo ngành, lĩnh vực, bộ phận thường trực Tiểu ban đã tập trung thời gian, dày công nghiên cứu, tiếp thu, hoàn thiện báo cáo.
Phiên toàn thể thứ 6 Tiểu ban Kinh tế - Xã hội của Đại hội Đảng lần thứ XIII.
Kết luận phiên họp, Thủ tướng đề nghị các thành viên Tiểu ban cho ý kiến bằng văn bản gửi Tổ biên tập, đặc biệt là về những nội dung liên quan đến lĩnh vực từng người phụ trách để có dự thảo báo cáo chất lượng cao nhất, được chuẩn bị tốt nhất, bảo đảm tinh thần “Đảng chấp nhận, dân phấn khởi, quốc tế đánh giá cao”.
Người đứng đầu Chính phủ cũng đề nghị rà soát, đánh giá kỹ hơn những vấn đề còn có ý khác nhau như kinh tế vùng, kinh tế biển, doanh nghiệp nhà nước, kinh tế tập thể, du lịch, kết cấu hạ tầng, văn hóa xã hội.
“Vấn đề nào là biểu hiện của số ít, không phải là tình trạng chung, số đông thì phải nêu rõ, đánh giá đúng mức, khách quan, chính xác hơn”, Thủ tướng nói.
Tổ biên tập tiếp tục rà soát, thể hiện nổi bật được vai trò của yếu tố mới như khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, yếu tố văn hóa con người, khát vọng dân tộc, ý chí phấn đấu, vươn lên mạnh mẽ. Vấn đề phát triển hài hòa bền vững, nhất là phát triển mạnh mẽ văn hóa xã hội, cải thiện môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân rất quan trọng.
Thủ tướng cũng cho rằng, cần nghiên cứu đúc rút kinh nghiệm của các nước, nhất là các nước trong khu vực có điều kiện tương đồng, gồm cả kinh nghiệm thành công và không thành công, để rút ra chúng ta phải làm gì, đưa đất nước vững bước tiến lên, phát triển nhanh và bền vững.
“Một số đại biểu có nói về yếu tố con người, quan hệ với nhân dân, nhân dân ủng hộ, nắm dân, sát cơ sở, làm cho dân giàu, nước mạnh rất quan trọng. Những vụ việc gần đây khiến chúng ta suy nghĩ rất nhiều về quan hệ với nhân dân, xử lý vấn đề trong nhân dân”, Thủ tướng bày tỏ và chỉ đạo: Đi liền với đó phải giữ kỷ luật, kỷ cương.