Nội dung này được Thủ tướng Phạm Minh Chính đề cập khi phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2024 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, sáng 3/1.
Thủ tướng ghi nhận, biểu dương Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã hoàn thành 133/148 nhiệm vụ Chính phủ giao trong năm 2023, góp phần vào thành quả chung phát triển kinh tế - xã hội của cả nước.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo hội nghị. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc)
Song, Thủ tướng cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế, khó khăn, thách thức mà ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần nỗ lực vượt qua như thể chế, cơ chế, chính sách còn hạn hẹp; công tác phối hợp trong ngành và giữa ngành với các bộ, ngành, địa phương có lúc, có nơi thiếu chặt chẽ.
Bên cạnh đó, hệ thống thiết chế văn hóa, nhất là ở vùng dân tộc thiểu số xuống cấp, thiếu đồng bộ; lĩnh vực thể dục, thể thao vẫn còn những hạn chế, bất cập ở cả thể thao quần chúng và thể thao thành tích cao.
Lĩnh vực du lịch đã đạt nhiều kết quả hồi phục tích cực, song vẫn đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Một số vụ việc phức tạp để kéo dài gây thất thoát, lãng phí nguồn lực, bức xúc trong dư luận. Công tác truyền thông chính sách cần tích cực hơn.
Về phương hướng và nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2024, Thủ tướng cơ bản nhất trí với phương hướng, nhiệm vụ đã được Bộ xác định, đồng thời lưu ý thêm một số nội dung, trong đó có vấn đề phát triển du lịch.
Theo lãnh đạo Chính phủ, cần đổi mới mạnh mẽ phương thức, nội dung xúc tiến, quảng bá du lịch; phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh gắn với chuyển đổi số nhằm tăng cường kết nối hạ tầng dịch vụ, hỗ trợ và gia tăng trải nghiệm cho khách du lịch; tăng cường ứng dụng công nghệ xanh, sạch trong du lịch.
Thủ tướng lưu ý phát triển du lịch theo hướng "Sản phẩm đặc sắc - Dịch vụ chuyên nghiệp - Thủ tục thuận tiện, đơn giản - Giá cả cạnh tranh - Môi trường vệ sinh sạch đẹp - Điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện".
Các Bộ, ngành, địa phương cần phối hợp để đề xuất những cơ chế, chính sách và giải pháp cụ thể nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, phát triển toàn diện, đồng bộ ngành du lịch.
Đặc biệt, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu phấn đấu năm 2024, ngành du lịch đón và phục vụ 18 triệu lượt khách quốc tế, 110 triệu lượt khách nội địa, tổng thu từ du lịch ước đạt 850.000 tỷ đồng.
Thủ tướng trò chuyện với các nghệ sĩ quan họ. - Ảnh: VGP/Nhật Bắc. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc)
Một nhiệm vụ khác trong năm 2024 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng được Thủ tướng đề cập là khẩn trương hoàn thiện, trình cấp có thẩm quyền ban hành Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035 và Chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa Việt Nam trong giai đoạn mới.
Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch được yêu cầu tiếp tục bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị di sản, văn hóa dân tộc, các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của các vùng, miền; đẩy mạnh chuyển đổi số trong quản lý, khai thác di sản; từng bước giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển; đa dạng hóa các hình thức truyền thông, giáo dục về di sản.
Cho rằng cần ưu tiên đầu tư xây dựng, nâng cấp, cải tạo đi đôi với nâng cao chất lượng, hiệu quả hệ thống thiết chế văn hóa, Thủ tướng bày tỏ trăn trở, mong muốn đất nước tiếp tục có thêm những công trình, thiết chế văn hóa, thể thao tầm vóc, vừa mang bản sắc dân tộc, vừa tạo dấu ấn đột phá, tầm cỡ thế giới; đồng thời khai thác, phát huy hiệu quả tối đa những công trình, thiết chế đã có.
Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu thúc đẩy, bảo đảm tiếp cận bình đẳng về văn hóa, thể thao, du lịch với vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo và đặc biệt là với những người yếu thế.
Bên cạnh đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần đẩy mạnh liên kết nội vùng, liên kết vùng, liên kết quốc gia và liên kết quốc tế với phương châm "một cung đường, nhiều điểm đến", xây dựng con đường di sản quốc gia, con đường di sản quốc tế, kết nối thể thao, kết nối con người "từ trái tim tới trái tim".