Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Thế hệ chúng tôi chưa làm thì thế hệ tương lai sẽ làm

Gặp các trí thức, sinh viên Việt kiều tại New York, Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ rằng “thế hệ chúng tôi chưa làm thì thế hệ các bạn sẽ làm”.

Đại diện trí thức Việt Kiều, thanh niên, sinh viên Việt Nam và cán bộ, nhân viên cơ quan đại diện Việt Nam tại New York vui mừng đón Thủ tướng Phạm Minh Chính, chiều 15/5 - (Ảnh: VGP/Nhật Bắc)

Chiều ngày 15/5 (theo giờ địa phương), tiếp tục chương trình chuyến thăm và làm việc tại Hoa Kỳ, Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp gỡ một số trí thức Việt Kiều và thanh niên, sinh viên Việt Nam và cán bộ, nhân viên cơ quan đại diện Việt Nam tại New York.

Tại cuộc gặp một số trí thức Việt kiều và thanh niên, sinh viên Việt Nam, Thủ tướng và đoàn công tác đã nghe giới thiệu về tình hình sinh viên, thanh niên Việt Nam tại New York, nhóm giáo sư Việt kiều tại Đại học Columbia đã báo cáo về chương trình Việt Nam học tại đây…

Việt Nam có số sinh viên du học tại Hoa Kỳ nhiều nhất trong số các nước Đông Nam Á với gần 24 nghìn sinh viên trong giai đoạn 2019-2020, mỗi năm đóng góp khoảng 1 tỷ USD cho kinh tế Hoa Kỳ.

Thủ tướng Phạm Minh Chính trả lời các câu hỏi của trí thức Việt kiều, sinh viên Việt Nam tại New York. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc)

Trả lời câu hỏi về việc xây dựng tuyến đường sắt cao tốc Bắc - Nam, Thủ tướng cho biết đây cũng là mong muốn của các thế hệ lãnh đạo và nhiều người dân Việt Nam. Vừa qua, Thủ tướng đã ký ban hành phê duyệt quy hoạch đường sắt, trong đó có quy hoạch tuyến đường sắt Bắc – Nam mới. Hiện vẫn còn những khác nhau về việc xây dựng tuyến đường này, như về tốc độ, phân kỳ đầu tư theo toàn tuyến hay từng đoạn…

Tinh thần là phải có tuyến đường sắt mới để phát huy lợi thế của loại hình vận tải đường sắt, nhưng chúng ta phải tính toán, nghiên cứu kỹ lưỡng, có thể làm trước một đoạn rồi rút kinh nghiệm, tiếp tục nhân rộng làm các đoạn khác, phù hợp với điều kiện, tình hình đất nước. Tinh thần chung là phải làm, thế hệ chúng tôi chưa làm thì thế hệ các bạn sẽ làm”, Thủ tướng chia sẻ.

Nhiều thanh niên, sinh viên Việt Nam tại New York đặt những câu hỏi liên quan đến định hướng phát triển của đất nước. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc)

Một sinh viên khác đặt câu hỏi về những giải pháp, chính sách để Việt Nam có thể vừa thu hút đầu  tư hiệu quả, tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu ở những nấc thang giá trị cao hơn?

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng để thu hút đầu tư hiệu quả, trước hết phải có đường lối đúng, khai thác, phát huy được tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của đất nước; đồng thời có môi trường pháp lý ổn định, phù hợp tình hình, điều kiện đất nước và các cam kết quốc tế; cải cách hành chính theo hướng đơn giản hóa thủ tục, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ; phát triển hệ thống hạ tầng đồng bộ về giao thông, xã hội, y tế, giáo dục; xây dựng hệ sinh thái kinh doanh phù hợp với truyền thống văn hóa, lịch sử dân tộc và hấp dẫn được các nhà đầu tư; phát triển, đào tạo, thu hút đội ngũ nguồn nhân lực chất lượng đáp ứng yêu cầu của nhà đầu tư…

Ở đâu đóng góp được cho đất nước cũng đều tốt cả

Bạn Đỗ Triệu Hải, đang theo chuyên ngành quan hệ quốc tế tại Đại học Columbia, đặt câu hỏi về giải pháp thu hút chất xám vào khu vực công, trong đó có vấn đề bằng cấp với cán bộ, để những người đi học ở nước ngoài có thêm động lực vào làm việc trong các cơ quan nhà nước.

Thủ tướng cho biết trong thời gian làm việc tại Ban Tổ chức Trung ương, ông rất muốn tuyển dụng các sinh viên xuất sắc nhưng việc chuyển đổi, công nhận bằng cấp lẫn nhau của Việt Nam và các nước đang có những vướng mắc trong thực tế. Các cơ quan chức năng đang triển khai các giải pháp để giải quyết, nhưng việc này đòi hỏi sự phối hợp giữa các quốc gia; mặt khác Việt Nam cũng phải nâng cao hơn nữa chất lượng đào tạo của các cơ sở giáo dục.

Bạn Đỗ Triệu Hải, đang theo chuyên ngành quan hệ quốc tế tại Đại học Columbia, đặt câu hỏi về giải pháp thu hút chất xám vào khu vực công. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc)

Thủ tướng cho rằng, muốn tuyển dụng được những nhân lực chất lượng cao, phải bảo đảm lợi ích vật chất và tinh thần cho họ. Nếu giải quyết được cả hai vấn đề này là tốt nhất, nhưng trong thực tế, những người có điều kiện tương đối tốt về vật chất thì có thể quan tâm hơn tới những nhu cầu tinh thần. Do đó, ở những nơi mà lợi ích vật chất chưa thật bảo đảm thì chúng ta cần chú ý việc xây dựng môi trường làm việc công khai, minh bạch, văn minh, người làm việc nhận được sự tôn trọng… Về phần mình, Chính phủ  đang cố gắng tiếp tục triển khai việc nâng lương cho cán bộ, công chức, viên chức trong khu vực công phù hợp với điều kiện đất nước; đồng thời chỉ đạo các cơ quan xây dựng môi trường làm việc ngày càng tốt hơn trong các cơ quan nhà nước. 

“Thời chúng tôi học ở nước ngoài, khi về nước, có được việc làm đã là quý lắm rồi và cũng phải mất nhiều thời gian mới tìm được việc làm. Bởi khi đó, đất nước còn trong cơ chế quan liêu, bao cấp, kinh tế tư nhân chưa phát triển, điều kiện hết sức khó khăn. Ngày nay, các bạn có nhiều lựa chọn hơn, nhưng tôi nghĩ quan trọng nhất là năng lực, phẩm chất và ý chí của mình thế nào. Ở đâu cũng vậy, tài năng bao giờ cũng được lựa chọn”, Thủ tướng chia sẻ.

Ông cho biết, Chính phủ đã ban hành Nghị định 140/2017/NĐ-CP về chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ. Mặt khác, dù làm việc ở đâu, kể cả ở nước ngoài, các bạn vẫn có thể vừa giải quyết được nhu cầu của cá nhân, vừa đóng góp được cho đất nước, như một “đại sứ” của Việt Nam ở nước sở tại.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ở đâu cũng vậy, tài năng bao giờ cũng được lựa chọn. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc)

“Chúng ta không quá nặng nề chuyện làm việc trong nước hay ngoài nước, quan trọng nhất là hiệu quả làm việc, mang lại lợi ích cho bản thân, gia đình và  luôn nghĩ về đất nước, tự hào mình là người Việt. Dân giàu thì nước mới mạnh. Ở đâu đóng góp được cho đất nước thì cũng đều tốt cả. Tôi nhớ là ngày còn đi học ở nước ngoài, điều mình ngại nhất là mình học tập thua kém một người ở nước khác, mình luôn muốn khẳng định trí tuệ của con người Việt Nam”, Thủ tướng nói.

Đồng tình với quan điểm này của Thủ tướng, một số ý kiến chia sẻ rằng những điều kiện tinh thần là rất quan trọng để người Việt Nam ở nước ngoài có thêm động lực về Tổ quốc làm việc. Các ý kiến cũng chia sẻ về một số khó khăn, thách thức trong quá trình học tập, sinh sống tại nước ngoài.

Thủ tướng mong muốn bà con Việt kiều luôn khỏe mạnh, làm việc ổn định, các học sinh, sinh viên Việt Nam học tập “không thua kém ai”. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc)

Những “đại sứ” của Việt Nam ở nước sở tại

Nói thêm về vấn đề này, Thủ tướng chia sẻ với những khó khăn, vất vả của những Việt kiều, sinh viên, thanh niên Việt Nam khi ở nước ngoài, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19. Trong dịch bệnh, Việt Nam nhất quán quan điểm đối xử công bằng với công dân Việt Nam và công dân nước ngoài. Trong quan hệ với các nước, chúng ta cũng luôn đề nghị các nước quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho công dân Việt Nam sinh sống, làm việc, học tập.

Chúng ta cũng triển khai các giải pháp cần thiết để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người Việt Nam ở nước ngoài theo các quy định của pháp luật Việt Nam và luật pháp sở tại. Tuy nhiên, trong sinh hoạt, làm việc, học tập cũng có thể xuất hiện những khó khăn, vướng mắc… do sự khác biệt về văn hóa, Thủ tướng mong các sinh viên, thanh niên Việt Nam nỗ lực vươn lên khẳng định mình, đồng thời chia sẻ với người dân sở tại để hai bên hiểu biết hơn về nhau.

Đảng, Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách, luôn luôn coi cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận không tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam, đã đề ra nhiều chủ trương, chính sách rộng mở và biện pháp cụ thể nhằm tạo điều kiện ngày càng thuận lợi hơn cho đồng bào về thăm đất nước, người thân, đầu tư, kinh doanh, hợp tác khoa học - công nghệ, hoạt động văn hóa - nghệ thuật.

Thủ tướng cho biết, Nhà nước có những ưu đãi nhất định để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, nhưng phải phù hợp điều kiện chung của đất nước. Mặt khác, trong nước cũng có những điều kiện thuận lợi nhiều mặt khác, như tình cảm đồng bào, văn hóa đất nước… và mỗi người sẽ cân nhắc, quyết định phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của mình.

Thủ tướng cho biết, Nhà nước có những ưu đãi nhất định để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, nhưng phải phù hợp điều kiện chung của đất nước. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc)

Cũng tại cuộc gặp, Thủ tướng đã trao đổi về  những cam kết ứng phó của biến đổi khí hậu của Việt Nam, cách tiếp cận toàn cầu, đề cao hợp tác quốc tế và kêu gọi công bằng, công lý của Việt Nam, bởi Việt Nam là một trong 5 nước chịu ảnh hưởng nặng nhất về biến đổi khí hậu, là nước đang phát triển, vẫn phải tiếp tục khắc phục hậu quả nặng nề của chiến tranh. Ngoài việc phát huy nội lực, Việt Nam cần sự hỗ trợ của các nước phát triển, các đối tác về thể chế, tài chính, nhân lực, công nghệ, quản trị.

Thủ tướng mong muốn bà con Việt kiều luôn khỏe mạnh, làm việc ổn định, các học sinh, sinh viên Việt Nam học tập “không thua kém ai”, giữ vững đoàn kết, phát huy vai trò cầu nối, bằng những hành động cụ thể, đóng góp vào quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển và thịnh vượng trong khu vực và trên thế giới.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và các thanh niên, sinh viên Việt Nam tại New York. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc)

Thủ tướng cũng mong bà con luôn tự hào về truyền thống văn hóa – lịch sử, về những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử mà đất nước ta đã đạt được trong thời gian qua, mỗi người là một “đại sứ” tiếp tục đóng góp để nâng cao hình ảnh, ảnh hưởng Việt Nam trong mắt bạn bè, đối tác quốc tế.

Khẳng định phẩm chất, năng lực, trí tuệ Việt Nam trong giải quyết các vấn đề đa phương

Tiếp đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với các cơ quan đại diện Việt Nam tại New York.

Báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại Liên Hợp Quốc đã điểm lại những bước tiến dài, những thành tựu nổi bật trong quan hệ Việt Nam – Liên Hợp Quốc trong 45 năm qua kể từ khi Việt Nam gia nhập tổ chức quốc tế lớn nhất thế giới này.

Chúng ta tự hào là thành viên hết sức tích cực, chủ động của Liên Hợp Quốc. Nhiều bài học kinh nghiệm của Việt Nam được Liên Hợp Quốc áp dụng tại nhiều nơi trên thế giới. Những mục tiêu mà Việt Nam theo đuổi cũng là những mục tiêu của Liên Hợp Quốc, như hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển, không ngừng nâng cao đời sống người dân…”, Đại sứ nói.

Phát biểu tại đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, để làm tốt nhiệm vụ, các cán bộ, nhân viên các cơ quan đại diện Việt Nam phải nắm chắc các vấn đề song phương và các vấn đề toàn cầu như ứng phó dịch bệnh, cạn kiệt tài nguyên, già hóa dân số, biến đổi khí hậu… Những vấn đề này đòi hỏi cách tiếp cận toàn cầu, kêu gọi sự chung tay của các quốc gia, đề cao chủ nghĩa đa phương, trong đó cơ chế quan trọng nhất là Liên Hợp Quốc.

Đồng thời, phải nắm chắc và cụ thể hóa đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, vì hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại; là bạn tốt, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế; xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả.

Cùng với đó, phải  nhận thức rõ về vai trò của Liên Hợp Quốc và vai trò của Việt Nam với Liên Hợp Quốc; tiếp tục tổng kết sâu hơn về kinh nghiệm hai lần Việt Nam đảm nhận vai trò Ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an; bám sát, nắm chắc, phân tích, đánh giá thông tin, tình hình thế giới, động thái của các nước; không ngừng khẳng định phẩm chất, năng lực, trí tuệ Việt Nam trong giải quyết các vấn đề song phương và đa phương, với phương châm “chân thành, tin cậy, trách nhiệm”.

Thủ tướng cũng lưu ý việc tăng cường nghiên cứu chiến lược, chú ý lựa chọn cán bộ cho công tác này; đề xuất các sáng kiến với lãnh đạo Đảng, Nhà nước, nhất là khi tình hình có những diễn biến mới, khác so với trước đây.

Thủ tướng đề nghị các cán bộ, nhân viên các cơ quan đại diện không ngừng nâng cao trình độ, chú ý việc giao lưu, học hỏi với các cơ quan đại diện các nước, bạn bè quốc tế, nhất là các kỹ năng ngoại giao; giữ vững đoàn kết, thống nhất; chăm lo cho cộng đồng người Việt, nhất là đội ngũ trí thức, sinh viên để đóng góp nhiều hơn cho đất nước, quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ và các nước…

Nguồn: Báo điện tử Chính phủ

Tin mới