Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm Mỹ: Chuyến đi 3 trong 1, kết nối với thế giới

(VTC News) -

Chuyến thăm Mỹ lần này đạt kết quả ba trong một, tăng cường song phương Việt-Mỹ, đa phương ASEAN - Mỹ, làm việc với Liên hợp quốc, kết nối với thế giới.

Từ ngày 12-17/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam thăm, làm việc tại Mỹ. Trong thời gian này, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có nhiều hoạt động có ý nghĩa, trong đó cùng lãnh đạo các nước ASEAN dự Hội nghị Cấp cao đặc biệt kỷ niệm 45 năm quan hệ ASEAN - Mỹ, làm việc tại Liên hợp quốc, các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp...

VTC News có cuộc phỏng vấn ông Phạm Quang Vinh - nguyên Đại sứ Việt Nam tại Mỹ, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao về chuyến thăm, làm việc tại Mỹ của Thủ tướng Phạm Minh Chính, để làm rõ hơn ý nghĩa chuyến thăm cũng như những cơ hội, điểm nhấn và mục tiêu trong chuyến công du lần này của thủ tướng và đoàn đại biểu Việt Nam.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Tổng thống Mỹ Joe Biden.

- Diễn ra trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực diễn biến phức tạp, hội nghị cấp cao đặc biệt Mỹ - ASEAN lần này có nhiều ý nghĩa, thưa Đại sứ?

Hội nghị cấp cao đặc biệt Mỹ - ASEAN lần này có nhiều ý nghĩa. Một mặt, vừa là để kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ASEAN và Mỹ nên hai bên không chỉ nhìn lại chặng đường đã qua, đánh giá những thành tựu đã đạt được mà còn là dịp để cả Mỹ và ASEAN đưa ra những định hướng lớn cho phát triển quan hệ song phương trong thời gian tới.

Thứ hai, hội nghị lần này diễn ra trong bối cảnh thế giới đang có những chuyển động nhiều chiều. Bối cảnh này có sự đan xen, vừa tạo nhiều cơ hội song cũng có nhiều thách thức, phức tạp cho các khu vực trên thế giới. Do đó, tại hội nghị, Mỹ và ASEAN cùng hợp tác tìm ra những biện pháp xử lý, tìm kiếm những cơ hội cho hòa bình và phát triển.

Thứ ba, trong bối cảnh hiện nay, để phát triển một cách bền vững, có chất lượng, Mỹ và ASEAN cần xem xét, thúc đẩy hợp tác hơn nữa trên lĩnh vực kinh tế. Trong đó, có chuyển đổi số, chuyển đổi sang ứng dụng khoa học công nghệ sáng tạo hay phát triển những ngành kinh tế thích ứng với những biến đổi khí hậu. Đây là câu chuyện mới và được các nước quan tâm cho việc phát triển bền vững.

Hơn nữa, sau 45 năm thiết lập quan hệ, Mỹ - ASEAN cũng cần việc định hướng và nâng tầm quan hệ song phương trong thời gian tới. Cần làm rõ rằng, trong bối cảnh khu vực chuyển động liên tục thì Mỹ sẽ ủng hộ cộng đồng ASEAN ra sao, ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN như thế nào. Đây là những câu chuyện đã được hai bên thảo luận tại hội nghị này.

bac-vinh (1).jpg

Chuyến thăm, làm việc tại Mỹ lần này của Thủ tướng Phạm Minh Chính được coi như chuyến đi ba trong một, có cả song phương Việt Nam - Mỹ, có cả đa phương ASEAN - Mỹ, có cả Liên hợp quốc, kết nối với thế giới.

Đại sứ Phạm Quang Vinh

- Tham dự hội nghị cấp cao đặc biệt Mỹ - ASEAN, Việt Nam đã thể hiện vai trò của mình như thế nào?

Trước hết, Việt Nam có chính sách đối ngoại nhất quán, coi trọng môi trường hòa bình, ổn định, phát triển hợp tác với khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Điều này được chúng ta rất coi trọng, Việt Nam vừa thúc đẩy hợp tác với đối tác, đồng thời cũng mong muốn sự tôn trọng của quốc tế đối với khu vực này.

Thứ hai, Mỹ là một trong những đối tác quan trọng đối với Việt Nam nói riêng và ASEAN nói chung. Do đó, đóng góp của Việt Nam sẽ tăng cường hợp tác quan hệ của ASEAN với các nước khác, trong đó có Mỹ. Điều này có nghĩa là song trùng với lợi ích khu vực và lợi ích của Việt Nam. Những đóng góp của Việt Nam là rất tích cực.

Việt Nam nhấn mạnh vai trò trung tâm của ASEAN đối với hòa bình ổn định và hợp tác quốc tế. Theo đó, chúng ta mong muốn đóng góp vào đoàn kết của ASEAN, vừa đóng góp vào cộng đồng khu vực nhưng đồng thời cũng thúc đẩy hợp tác của ASEAN với tất cả các đối tác.

Trong bối cảnh tình hình thế giới nhiều biến động, đóng góp của Việt Nam đối với ASEAN trong hội nghị cấp cao lần này là việc khẳng định mối quan hệ hợp tác quốc tế phải dựa trên các nguyên tắc về tôn trọng độc lập, chủ quyền, bình đẳng, hợp tác cùng có lợi, giải quyết tranh chấp bằng giải pháp hòa bình. Tất cả điều này đều phải dựa trên luật pháp quốc tế.

Mỹ cũng rất coi trọng Việt Nam, không chỉ trong quan hệ song phương mà còn cả vị trí, chiến lược, vai trò uy tín của Việt Nam trong khu vực. Thế nên, trong hội nghị cấp cao đặc biệt Mỹ - ASEAN, tiếng nói, đóng góp của chúng ta rất được các nước lắng nghe và đánh giá cao.

Tổng thống Mỹ Joe Biden và các lãnh đạo ASEAN. 

- Việt Nam đã gửi gắm nhiều thông điệp đến bạn bè quốc tế qua chuyến thăm, làm việc của Thủ tướng Phạm Minh Chính, thưa Đại sứ?

Chuyến đi của Thủ tướng Phạm Minh Chính đến Mỹ không chỉ để dự hội nghị cấp cao đặc biệt Mỹ - ASEAN, bên cạnh đó còn có những chuyện thăm hỏi, gặp gỡ, làm việc với các đối tác Mỹ từ lãnh đạo cộng đồng doanh nghiệp, quốc hội, kiều bào ta ở đây… cũng như Liên hợp quốc và các tổ chức khác.

Bối cảnh của chuyến thăm là sau 2 năm đại dịch COVID-19, đây là chuyến đi lớn để thực hiện nhiệm vụ đối ngoại. Trước hết, về mặt đối ngoại thì đoàn đại biểu Việt Nam do Thủ tướng Phạm Minh Chính dẫn đầu thăm, làm việc lần này tại Mỹ vừa thể hiện thông điệp đa phương trong quan hệ ASEAN với Mỹ, Việt Nam với Liên hợp quốc, vừa thể hiện thông điệp song phương, trong đó đặc biệt là quan hệ của Việt Nam với Mỹ.

Thứ hai, chuyến đi lần này không chỉ triển khai hướng đi trong chính sách phát triển, chủ trương đối ngoại của Việt Nam, cũng như là định hướng phát triển của Việt Nam với khát vọng đến 2030 - 2045 do Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam thông qua, mà chủ trương lớn nhất của Việt Nam là thực hiện chính sách đối ngoại nhất quán độc lập, hòa bình, đa dạng hóa, đa phương hóa, đồng thời là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm trong các vấn đề của quốc tế. Đây chính là thông điệp lớn nhất, Việt Nam vừa tiếp tục phát triển vừa hội nhập mạnh mẽ.

Về thông điệp song phương với Mỹ cũng như đa phương với ASEAN, Liên hợp quốc thì có lẽ nó sẽ có những đặc thù riêng. Với ASEAN và Mỹ thì chắc chắn chúng ta sẽ nhấn mạnh đến sự đoàn kết, vai trò của ASEAN đối với hòa bình, ổn định và hợp tác phát triển ở khu vực này. Việt Nam cũng rất coi trọng hợp tác và rất mong muốn ASEAN tiếp tục phát triển mạnh mẽ để đóng vai trò tích cực đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương, vì hòa bình và ổn định.

- Với cam kết mạnh mẽ tại hội nghị lần này, Mỹ sẽ tiếp tục gắn kết sâu hơn vào khu vực thời gian tới?

Chắc chắn là như vậy. Lãnh đạo ASEAN và lãnh đạo Mỹ cam kết sẽ nâng tầm quan Mỹ sẽ gặp lại nhau ở Campuchia để chính thức thông qua và công bố về quan hệ đối tác chiến lược toàn diện. Cả hai bên đều cần nhau, đều có những đóng góp mang lợi ích cho nhau và đều cần đóng góp cho khu vực này.

Bên cạnh đó, khi Mỹ tăng cường hợp tác với ASEAN cũng gắn kết lợi ích của Mỹ đối với khu vực Đông Nam Á. Cả hai đều có lợi ích về mặt chiến lược, kinh tế. Mỹ sẽ tiếp tục coi trọng hợp tác với ASEAN và hai bên sẽ càng thúc đẩy hơn nữa quan hệ song phương sau hội nghị lần này.

- Đâu là điểm nhấn trong chuyến thăm, làm việc tại Mỹ lần này của Thủ tướng Phạm Minh Chính?

Chuyến thăm, làm việc tại Mỹ lần này của Thủ tướng Phạm Minh Chính được coi như chuyến đi ba trong một, có cả song phương Việt Nam - Mỹ, có cả đa phương ASEAN - Mỹ, có cả Liên hợp quốc, kết nối với thế giới. Điểm nhấn lớn nhất đó là chúng ta đã thể hiện được vị thế Việt Nam với tư cách là một quốc gia nhất quán về độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa và rất có trách nhiệm. Hơn nữa, Việt Nam vừa đóng góp vào công việc chung song đồng thời qua chuyến đi này cũng tranh thủ tận dụng được những nguồn lực cho sự phát triển đối với nền kinh tế đất nước.

Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp ông Abdulla Shahid, Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc.

- Cơ hội hợp tác giữa Mỹ và Việt Nam sau chuyến thăm này?

Chúng ta đã có những hợp tác rất tốt đẹp giữa Việt Nam và Mỹ trong một chặng đường dài. Trong những năm gần đây, mối quan hệ đó càng đi vào chiều sâu hơn, bao hàm cả chính trị, ngoại giao, khoa học công nghệ cho đến các vấn đề kinh tế.

Khi quan hệ ngoại giao song phương gắn kết lâu dài, nền kinh tế Việt Nam có cơ hội phát triển và hội nhập, có thể tham gia vào thị trường của Mỹ. Điều này cũng cho thấy qua hợp tác giữa hai nền kinh tế với nhau, có sự bổ sung cùng phát triển.

Chuyến thăm, làm việc lần này tại Mỹ của Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn đại biểu Việt Nam cũng tạo ra cơ hội hợp tác kinh tế mới, bảo đảm hơn nữa cho mối quan hệ song phương. Hơn nữa, quan hệ hợp tác giữa Mỹ và Việt Nam đã trải qua một quá trình dài, chắc chắn sự kiện lần này sẽ tăng thêm sự hiểu biết và xây dựng lòng tin đối với nhau.

Quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Mỹ không chỉ dừng ở mức hợp tác song phương mà còn quan hệ về cả mặt đa phương, về mặt quốc tế. Chắc chắn rằng sau hội nghị lần này, Việt Nam và Mỹ sẽ hợp tác chặt chẽ và sâu rộng hơn nữa.

- Bên cạnh cơ hội để hai nước phát triển trong thời gian tới, quan hệ Việt - Mỹ cũng có không ít những nhân tố khác biệt?

Trong tất cả các mối quan hệ, khi các nước có trình độ phát triển khác nhau thì sự khác biệt là chuyện bình thường. Nhất là trong mối hợp tác giữa ASEAN - Mỹ vốn có nền chính trị khác nhau. Trong thời gian qua, Việt Nam và Mỹ đã từng bước vượt qua khác biệt để tiếp tục phát triển.

Để làm điều đó, cần dựa trên những nguyên tắc và quan hệ tôn trọng lẫn nhau, tăng cường hiểu biết và xây dựng lòng tin. Hơn nữa, phải tạo ra những lợi ích đan xen đôi bên cùng có lợi. Hai bên cùng hiểu biết để thúc đẩy mối quan hệ về mặt kinh tế, chính trị.

Khi quan hệ về mặt kinh tế giữa hai nước ngày càng đi vào chiều sâu thì chắc chắn càng có những cọ xát, khác biệt về mặt kinh tế, thương mại. Trường hợp cọ xát thuế chống bán phá giá hay những rào cản về kỹ thuật đã cho thấy điều đó. Những câu chuyện nảy sinh trong kinh tế, thương mại khi càng đi sâu vào hợp tác lẫn nhau cũng là điều hết sức tự nhiên.

Có những vấn đề đặt ra đối với quan hệ Việt Nam - Mỹ trong thời gian tới. Một là hai bên cần phải thiết lập những cơ chế để đối thoại, xử lý những khác biệt trong quan hệ kinh tế khi 2 nước ngày càng đẩy mạnh quan hệ đi vào chiều sâu và thực chất hơn.

Hai là khuôn khổ hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Mỹ vốn được xây dựng khoảng 20 năm trước đây như là hiệp định thương mại song phương... cần phải củng cố và có những cải biến thích hợp với bối cảnh hiện nay để thúc đẩy hợp tác, phát triển.

Thứ ba là trong lĩnh vực hợp tác kinh tế mới, trong đó có hợp tác về kỹ thuật số bao gồm cả thương mại số,… là những vấn đề rất mới, có lẽ hai bên cần phải thảo luận, trao đổi để cùng nhau hợp tác hơn nữa ở những khía cạnh này.

- Xin cảm ơn chia sẻ của Đại sứ.

Kông Anh (Thực hiện)

Tin mới