Thủ tướng nhấn mạnh điều này khi kết luận phần thảo luận tình hình kinh tế-xã hội tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1/2020 vào hôm nay.
Thủ tướng cho rằng diễn biến của dịch nCoV còn phức tạp, khó lường, mà theo một số nhận định có thể vào đỉnh dịch trong tuần tới và dịch có thể kéo dài. Trước tình hình dịch, Thủ tướng nêu rõ, tuyệt đối không chủ quan nhưng cũng không bi quan, không hoang mang, dao động; ổn định xã hội đồng thời chủ động, tích cực ứng phó trên tất cả các mặt trận từ y tế đến ngoại giao, quốc phòng, an ninh và kinh tế-xã hội.
Người đứng đầu Chính phủ khẳng định rằng chấp nhận hy sinh một số lợi ích kinh tế để bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân.
“Chúng ta đã thảo luận, cơ bản thống nhất: Chống dịch đồng bộ, quyết liệt để bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân là nhiệm vụ hàng đầu nhưng phải thúc đẩy, giữ vững phát triển kinh tế, giữ ổn định xã hội, kinh tế vĩ mô, bảo đảm quốc phòng, an ninh”, Thủ tướng nói.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại phiên họp (Ảnh: VGP/Quang Hiếu)
Thủ tướng yêu cầu huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, thực hiện nghiêm các giải pháp phòng chống, không được để dịch bệnh lây lan, coi việc phòng chống dịch như chống giặc.
Các đơn vị, địa phương cần có kịch bản, phương án chủ động ứng phó trong mọi tình huống, không để bị động, bất ngờ; Tăng cường thông tin truyền thông, hướng dẫn người dân chủ động phòng chống dịch, không gây hoang mang, lo lắng cho nhân dân.
Triển khai thực hiện ngay các đối sách, giải pháp để giảm thiểu tác động kinh tế của bệnh dịch này, có kế hoạch, biện pháp, lộ trình cụ thể trong từng ngành, từng lĩnh vực, từng địa bàn với tinh thần phấn đấu đạt và vượt các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội đề ra trong năm 2020.
Chính phủ đã thảo luận và nhấn mạnh vừa chống dịch, ngăn ngừa lây nhiễm, vừa đẩy mạnh giao thương, thương mại, hàng hóa với Trung Quốc và các nước khác.
Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Y tế thống nhất với các tỉnh có cửa khẩu để triển khai kế hoạch đồng bộ, nhất là Lạng Sơn, Lào Cai; xử lý một cách chặt chẽ để không được lợi dụng chủ trương này khiến dịch lây nhiễm.
Các bộ có liên quan phải có kế hoạch chủ trương, biện pháp cụ thể để tái cơ cấu ngành, lĩnh vực mình phụ trách nhằm giảm thiểu ảnh hưởng của dịch đến phát triển.
Ban chỉ đạo quốc gia và ban chỉ đạo các địa phương, UBND các tỉnh tiếp tục tập trung chỉ đạo thực hiện nghiêm túc các giải pháp phòng, chống dịch; khuyến cáo, yêu cầu người dân đeo khẩu trang ở nơi công cộng. Các địa phương cần tăng cường tiêu độc khử trùng nơi đông người, nhất là trường học, chợ, siêu thị, bến xe, nhà ga, chung cư; Tiếp tục hạn chế các cuộc họp, hội nghị đông người không cần thiết, trừ trường hợp phục vụ chống dịch.
"Không được chủ quan, lơ là, nói rằng chúng ta đã thành công rồi thì chưa đâu, vì chưa đến đỉnh dịch", Thủ tướng nêu rõ.
Về thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, Thủ tướng nhấn mạnh, không điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng, nhiệm vụ này là một thử thách đối với bản lĩnh, sự quyết tâm của chúng ta. Đồng thời, giữ vững các chỉ tiêu vĩ mô, nhất là lạm phát, tỉ giá, xuất khẩu.
“Chúng ta đưa ra mục tiêu xuất khẩu 300 tỷ USD trong năm nay, thì một tháng phải xuất khẩu gần 30 tỷ USD, rất lớn, cho nên sơ sẩy là rất phức tạp”, Thủ tướng nói, nhấn mạnh phải phấn đấu đạt toàn diện mục tiêu đề ra.
Phải tái cơ cấu sản xuất, tiêu dùng, tín dụng. Tập trung chỉ đạo phát triển kinh tế-xã hội theo kịch bản mới. Chủ động tìm kiếm thị trường. Chỉ đạo mạnh mẽ để người dân, doanh nghiệp yên tâm sản xuất, kinh doanh phát triển, không ngành nào được dừng lại. “Nền tảng của chúng ta rất tốt trong năm 2019, chưa bao giờ Việt Nam có vị thế lớn như vậy. Chúng ta cần tiếp tục phát huy nền tảng ấy, nhất là phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ”, Thủ tướng bày tỏ.
Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh chúng ta phải vượt qua khó khăn này để một lần nữa “mặt trời tiếp tục tỏa nắng ở Việt Nam”.
Hệ thống hành chính cả nước, từ Trung ương đến địa phương tập trung cao độ thực hiện tốt các nhiệm vụ, các công việc đề ra, bám sát thực tiễn và các kịch bản tăng trưởng của từng ngành, từng lĩnh vực, từng địa phương theo quý và cả năm để có biện pháp chỉ đạo, điều hành quyết liệt, bảo đảm được mục tiêu tăng trưởng. Trong đó tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tiếp tục tạo chuyển biến mạnh mẽ, nỗ lực phấn đấu ngay từ đầu năm để thực hiện thành công toàn diện nhiệm vụ 2020.