Nội dung này được Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh khi kết luận hội nghị tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, sáng 16/3.
Người đứng đầu Chính phủ nhận định, nhà ở xã hội là nhà ở bình thường như loại nhà ở khác, phải bảo đảm chất lượng, an toàn, vệ sinh môi trường, bảo đảm hạ tầng về y tế, giáo dục, xã hội và các dịch vụ khác, bảo đảm điện nước, nhưng điểm khác là có cơ chế, chính sách phù hợp cho người mua và người bán.
Thủ tướng Phạm Minh Chính. (Ảnh: TTXVN)
"Không phải những nơi xa xôi, vắng vẻ, những nơi không làm được nhà ở thương mại thì làm nhà ở xã hội, hay nhà ở xã hội thiếu hạ tầng y tế, giáo dục, điện nước, không bảo đảm vệ sinh môi trường… Nhà ở xã hội ngoài hình thức mua thì phải có thuê và thuê mua", Thủ tướng nêu rõ.
Theo Thủ tướng, phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân tại các địa phương gắn với phát triển thị trường bất động sản, phù hợp với chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở trong từng giai đoạn và tuân thủ pháp luật, quy hoạch, kế hoạch do cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, bảo đảm đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội.
"Điều quan trọng nhất là khi tổ chức thực hiện phải dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm và linh hoạt, chủ động, sáng tạo trong vận dụng cơ chế, chính sách, luật pháp", Thủ tướng nói.
Bên cạnh những thành tích đạt được, Thủ tướng nhìn nhận, việc phát triển nhà ở xã hội so với mục tiêu, yêu cầu, mong muốn thì chưa đạt được và còn một số tồn tại, khó khăn.
Theo đó, nhiều địa phương chưa có sẵn quỹ đất sạch để làm nhà ở xã hội; một số dự án tại địa phương có quy hoạch nhưng lại cấp cho các nhà đầu tư còn yếu về năng lực, trong khi doanh nghiệp lại thiếu động lực triển khai vì hiệu quả không cao, dẫn đến chậm triển khai dự án; mức lợi nhuận quy định tối đa chỉ 10% theo Luật Nhà ở năm 2023 với chủ đầu tư nhà ở xã hội không phải là cao nếu mất thêm các chi phí tuân thủ khác.
"Nếu các địa phương không tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ mà đòi hỏi, gây khó dễ, sách nhiễu thì doanh nghiệp cũng không hào hứng", Thủ tướng nói.
Để phát triển nhà ở xã hội, Thủ tướng yêu cầu Bộ Xây dựng chủ trì xây dựng quy trình rút gọn các thủ tục hành chính lựa chọn nhà đầu tư, triển khai dự án nhà ở xã hội để tiết kiệm thời gian, khuyến khích, huy động các nguồn lực xã hội.
Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại Nhà nước lớn chung tay cùng doanh nghiệp nghiên cứu, xây dựng và cung cấp gói tín dụng cho người mua với thời gian 10 - 15 năm với lãi suất thấp hơn từ 3 - 5% so với cho vay thương mại; nghiên cứu, xem xét hạ mức lãi suất cho vay nguồn vốn hỗ trợ 120.000 tỷ đồng phù hợp.
Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước báo cáo Thủ tướng bổ sung nguồn vốn ngân sách Nhà nước thực hiện cho vay nhà ở xã hội thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội giai đoạn 2024 - 2025 theo quy định pháp luật về nhà ở.
Đáng chú ý, lãnh đạo Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính nghiên cứu thành lập quỹ nhà ở xã hội, chính sách thuế phù hợp.
Với các địa phương, Thủ tướng đề nghị cấp ủy có nghị quyết để lãnh đạo việc phát triển nhà ở xã hội, HĐND ban hành các chính sách, quy định phù hợp với đặc thù địa phương.
Bên cạnh đó, UBND các cấp, đặc biệt là cấp huyện, cấp xã tổ chức thực hiện tốt, thực hiện nghiêm các cơ chế, chính sách, quy định của pháp luật, vận dụng sáng tạo, linh hoạt, kịp thời trong điều kiện địa phương, dám chịu trách nhiệm, dám nghĩ, dám làm không đùn đẩy, né tránh.
Lưu ý các địa phương có nhiệm vụ quy hoạch, bố trí quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, Thủ tướng nhấn mạnh, những vùng đất, vị trí đẹp, có lợi thế phải ưu tiên cho sản xuất, kinh doanh, tạo công ăn việc làm cho người dân, từ đó mới có người đến làm. Có người đến làm thì mới có người đến ở, mua nhà, phát triển được bất động sản, khu đô thị bền vững.
Đồng thời, các địa phương tổ chức đấu giá, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư có tiềm lực, tài chính, kinh nghiệm, triển khai công khai minh bạch và tăng tỷ lệ ký quỹ, bảo lãnh để bảo đảm lựa chọn nhà đầu tư tiềm lực tốt.
"Đôn đốc chủ đầu tư các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị triển khai đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trên quỹ đất 20% của các dự án này theo tiến độ được phê duyệt; trường hợp chủ đầu tư không thực hiện thì thu hồi quỹ đất 20% để lựa chọn các chủ đầu tư khác thực hiện", Thủ tướng yêu cầu.
Đối với các doanh nghiệp, Thủ tướng yêu cầu khẩn trương triển khai khởi công, đảm bảo tiến độ hoàn thành các công trình trên quỹ đất 20% cho nhà ở xã hội. Sau khi khởi công dự án cần nhanh chóng cung cấp, công bố công khai, đầy đủ các thông tin liên quan đến dự án để người dân biết đăng ký mua, thuê mua, thuê.
Cũng theo chỉ đạo của Thủ tướng, năm 2025, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương xây dựng kế hoạch, mục tiêu, số lượng cụ thể xây dựng nhà ở xã hội năm 2025 và giai đoạn 2026 - 2030, gửi Bộ Xây dựng tổng hợp, báo cáo Thủ tướng trước ngày 30/11/2024.
Nhiều địa phương chưa có 'động tĩnh' xây nhà ở xã hội
Trước đó, báo cáo tóm tắt việc phát triển nhà ở xã hội, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, một số địa phương không có dự án nhà ở xã hội khởi công trong giai đoạn từ năm 2021 đến nay, gồm: Hà Giang, Cao Bằng, Điện Biên, Lai Châu, Vĩnh Phúc, Ninh Bình, Nam Định, Quảng Ngãi, Quảng Bình, Kon Tum, Gia Lai, Long An, Vĩnh Long, Sóc Trăng...
Bên cạnh đó, một số địa phương trọng điểm mặc dù có nhu cầu về nhà ở xã hội rất lớn nhưng việc đầu tư nhà ở xã hội còn hạn chế so với mục tiêu của Đề án đến năm 2025.
Ví dụ Hà Nội: 3 dự án (1.700 căn), đáp ứng 9%; TP.HCM 7 dự án (4.996 căn) đáp ứng 19%; Đà Nẵng 5 dự án (2.750 căn) đáp ứng 43%...
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc)
Những địa phương tích cực trong việc thu hút đầu tư, thúc đẩy khởi công xây dựng nhà ở xã hội là: Bắc Ninh (15 dự án, 6.000 căn); Bắc Giang (5 dự án, 12.475 căn); Hải Phòng (7 dự án, 11.678 căn); Bình Dương (7 dự án, 6.557 căn); Đồng Nai (8 dự án, 9.074 căn); Bình Dương: (7 dự án, 6.557 căn); Thanh Hóa (9 dự án, 4.948 căn...).
Đại diện Bộ Xây dựng nhấn mạnh: Nhiều địa phương chưa quan tâm phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, người lao động khu công nghiệp. Chưa đưa các chỉ tiêu phát triển nhà ở, đặc biệt là chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và hàng năm.
Chưa xác định rõ quỹ đất cho phát triển nhà ở xã hội trong quy hoạch đô thị, khu công nghiệp; ngoài quỹ đất 20% nhà ở xã hội trong các dự án nhà ở thương mại. Hầu hết các địa phương chưa quan tâm đến việc quy hoạch bố trí quỹ đất làm dự án nhà ở xã hội độc lập.
Một số thành phố lớn, tập trung nhiều người lao động thu nhập thấp, có nhu cầu về nhà ở xã hội cao nhưng lại đăng ký nhà ở xã hội hành thành trong năm 2024 thấp như: Hà Nội 1.181 căn, TP.HCM 3.765 căn, Đà Nẵng 1.880 căn, Cần Thơ 1.535 căn...
Một số địa phương có nhiều dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư trong giai đoạn vừa qua nhưng các các cấp chính quyền lại chưa tạo điều kiện trong việc lựa chọn chủ đầu tư dự án để triển khai.
Một số dự án nhà ở xã hội đã khởi công nhưng doanh nghiệp không triển khai thi công hoặc thi công chậm tiến độ.
Một số dự án đã đủ điều vay vốn ưu đãi nhưng chưa được UBND cấp tỉnh rà soát để công bố danh mục được vay vốn ưu đãi.
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, đã có 28 địa phương công bố danh mục 68 dự án đủ điều kiện vay theo chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng với nhu cầu vay vốn hơn 30.000 tỷ đồng.
Trong khi đó, các ngân hàng đã cam kết cấp tín dụng cho 15 dự án với số tiền khoảng 7.000 tỷ đồng; trong đó 8 dự án nhà ở xã hội tại 7 địa phương được giải ngân với số vốn khoảng 640 tỷ đồng.
Doanh nghiệp hiến kế phát triển nhà ở xã hội
Tại Hội nghị, đại diện nhiều doanh nghiệp bất động sản nhận xét, thời gian qua, Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội, tạo hành lang pháp lý tương đối đầy đủ, hỗ trợ và khuyến khích doanh nghiệp tham gia vào phát triển nhà ở xã hội.
Tuy vậy, để đạt được mục tiêu 130.000 căn hộ nhà ở xã hội trong năm 2024 như Thủ tướng giao, cần nhiều giải pháp đồng bộ.
Ông Trương Anh Tuấn - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tư vấn - Thương mại - Dịch vụ Địa ốc Hoàng Quân nêu quan điểm: "Đây là một chương trình rất tốt, rất nhân văn nhưng chúng tôi băn khoăn là tại sao gói 120.000 tỷ không áp dụng cho những khách hàng đã mua nhà tại dự án đã hoàn thành".
Ông Trương Anh Tuấn - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoàng Quân. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc)
Theo ông Tuấn, trước đây, chúng ta có gói 30.000 tỷ đồng nhưng sau đó đã dừng, nên nhiều khách hàng là người dân, công nhân, lực lượng vũ trang khi mua nhà không được hưởng ưu đãi từ gói này.
"Vì thế, chúng tôi kiến nghị gói 120.000 tỷ đồng dành cho cả khách hàng đã mua những dự án đã hoàn thành nhưng chưa được tiếp cận gói tín dụng ưu đãi", ông đề xuất.
Cũng theo ông Tuấn, chương trình 120.000 tỷ đồng hiện chưa có sự đồng bộ thời gian vay giữa chủ đầu tư và khách hàng. Khách hàng thì được vay 5 năm nhưng chủ đầu tư chỉ có vay 3 năm và nhiều ngân hàng đề nghị chủ đầu tư phải bảo lãnh cho khách hàng khi vay vốn mua nhà ở xã hội. Như vậy, nếu khách hàng là 5 năm thì chủ đầu tư phải được vay 5 năm, NHNN nên nghiên cứu thêm vấn đề này.
Ông cũng kiến nghị Chính phủ có thể nghiên cứu dành ra một khoản từ 1 - 2% bù lãi suất cho các ngân hàng thương mại. Theo ông, nếu 1% thì mỗi năm là 1.200 tỷ đồng, nếu bù 2% là mỗi năm 2.400 tỷ đồng. Như vậy khi có việc bù lãi suất 1-2% của Chính phủ, chương trình này chắc chắn sẽ thành công và mạnh hơn gói 120.000 tỷ đồng như hiện nay.
Với Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và Luật đất đai, ông Tuấn đề xuất nên áp dụng từ 1/7/2024, như vậy sẽ tháo gỡ được rất nhiều vướng mắc và thúc đẩy mạnh hơn cho chương trình 1.000.000 căn nhà ở xã hội.
Trong khi đó, ông Nguyễn Việt Quang, Phó Chủ tịch Tập đoàn Vingroup, nêu ý kiến: Dù Chính phủ đã có chính sách về các gói vay ưu đãi cho người mua, thuê nhà ở xã hội nhưng thực tế người dân chưa thuận lợi tiếp cận các gói vay ưu đãi này.
Mức lãi suất cho vay ưu đãi để đầu tư xây dựng cũng như để cho thuê, mua nhà ở xã hội hiện vẫn đang cao (lãi suất cho vay áp dụng trong 6 tháng đầu năm 2024 đối với chủ đầu tư là 8%/năm và với khách hàng mua nhà ở xã hội là 7,5%/năm).
Vì thế, ông Quang đề xuất nên xem xét điều chỉnh hạ lãi suất cho vay để đầu tư xây dựng cũng như để mua, thuê nhà ở xã hội. Trên cơ sở ngân sách thực hiện, cấp bù chênh lệch lãi suất nếu chủ đầu tư, khách hàng vay vốn từ các ngân hàng thương mại để đầu tư xây dựng và thuê, mua nhà ở xã hội.
Ông Nguyễn Việt Quang - Phó Chủ tịch Tập đoàn Vingroup. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc)
Một kiến nghị nữa được ông Quang nêu ra đó là xem xét cắt giảm, tối ưu các thủ tục liên quan đến việc đầu tư xây dựng dự án nhà ở xã hội.
Ông Quang nói: "Hiện số lượng thủ tục của dự án nhà ở xã hội hiện nay đang nhiều hơn so với dự án nhà ở thương mại. Bên cạnh các thủ tục chung như phê duyệt quy hoạch; chấp thuận chủ trương đầu tư; đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư; giao đất, cho thuê đất thì dự án nhà ở xã hội phát sinh thêm các thủ tục về xác nhận đối tượng được mua, thuê nhà ở xã hội, thủ tục thẩm định giá bán, giá cho thuê nhà ở xã hội…
Điều này khiến tổng thời gian hoàn thành thủ tục dự án nhà ở xã hội từ lúc bắt đầu đến khi khởi công thường là khoảng 2 năm".
Ngoài ra cũng cần ban hành danh mục các hạng mục hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội được ngân sách hỗ trợ kinh phí đầu tư, miễn giảm tiền thuê đất đối với các diện tích công trình dịch vụ thương mại trong phạm vi dự án nhà ở xã hội.
Đồng thời, xem xét điều chỉnh lại suất vốn đầu tư dự án nhà ở xã hội cho phù hợp với thực tế. Theo ông Quang, suất vốn đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cao tầng theo Quyết định số 610/QĐ- BXD, ngày 13/2/2022 của Bộ Xây dựng hiện nay đang thấp hơn suất vốn đầu tư cho nhà ở thương mại, trong khi đó chi phí và suất vốn đầu tư thực tế của nhà ở thương mại đang cao hơn suất vốn đầu tư do Bộ Xây dựng công bố.
Điều này làm ảnh hưởng đến chất lượng công trình nhà ở xã hội và khó khăn về doanh thu cho nhà đầu tư dự án nhà ở xã hội do việc xác định giá bán phải trên cơ sở suất vốn đầu tư.
Đồng quan điểm trên, ông Nguyễn Văn Thanh Huy, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Becamex, nhận xét lãi vay cho người lao động vẫn còn cao, trong khi thời gian vay còn ngắn. Nếu chúng ta kéo dài thời gian vay cho người lao động thì sẽ tạo điều kiện lớn cho người lao động được sở hữu nhà ở xã hội.
Ông Nguyễn Văn Thanh Huy, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Becamex. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc)
Trong khi đó, ông Trần Ngọc Anh, Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Viglacera, bày tỏ: Doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong việc kinh doanh nhà ở xã hội do các quy định còn hạn chế về đối tượng cũng như điều kiện thuê mua.
Vì vậy, ông Ngọc Anh kiến nghị với Thủ tướng là sớm cho áp dụng Luật Nhà ở sửa đổi và ban hành Nghị định về nhà ở xã hội theo hướng tháo gỡ, mở rộng đối tượng được mua, được thuê với điều kiện đơn giản, dễ thực hiện để người nghèo sớm tiếp cận được với các sản phẩm này.