Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Thủ tướng: 'Một chữ V trong phát triển đang chờ đợi chúng ta'

(VTC News) -

"Một chữ V trong phát triển đang chờ đợi chúng ta nếu biết tổ chức trong công việc”, Thủ tướng nhấn mạnh tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8/2020.

Theo Thủ tướng, phải chú trọng đẩy mạnh hơn xây dựng một nền kinh tế tự chủ, giảm phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu và chuỗi cung ứng ngoài nước. Muốn vậy, phải đề cao nội lực, chú ý thị trường nội địa với 100 triệu dân.

Thủ tướng phát biểu kết luận phiên họp. (Ảnh: VGP/Quang Hiếu)

Phục hồi kinh tế 4 tháng cuối năm 

Thủ tướng nêu rõ, đến nay, cơ bản dịch COVID-19 đã được kiểm soát, cho phép chúng ta khởi động lại các hoạt động kinh tế - xã hội. Kết quả này tạo cơ sở cho phục hồi kinh tế 4 tháng cuối năm 2020 và lấy lại đà tăng trưởng mạnh hơn trong năm 2021. "Mục tiêu kép vẫn phải kiên trì. Chúng ta cố gắng phấn đấu ở mức cao nhất có thể nhưng không được chủ quan với dịch bệnh", Thủ tướng nhấn mạnh.

Một điểm sáng nữa là xuất siêu cao nhất trong 4 năm qua. Xuất khẩu 8 tháng đạt trên 174 tỷ USD, là kết quả tích cực trong bối cảnh thương mại toàn cầu sụt giảm nghiêm trọng. Đặc biệt, khu vực kinh tế trong nước có kim ngạch xuất khẩu tăng 15,3%.

Lạm phát đang được kiểm soát tốt, giảm dần xuống dưới mức mục tiêu, nhưng Thủ tướng lưu ý, không được chủ quan, phải phối hợp chính sách tiền tệ, tài khóa tốt hơn nữa.

Giải ngân vốn đầu tư công duy trì đà tăng tích cực, tổng mức thực hiện 8 tháng đầu năm đạt hơn 250.000 tỷ đồng, tăng 30,4% so với cùng kỳ. Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư với quyết tâm chỉ đạo như vừa qua, tiếp tục điều chuyển vốn từ nơi không thể tiêu tiền sang nơi có thể.

Sức khỏe của nền tài chính Việt Nam được đánh giá tốt và hoàn toàn có thể vượt qua tác động của COVID-19, được xếp hạng 12/66 nền kinh tế mới nổi có nền tài chính khỏe mạnh. Đây là điểm khác biệt quan trọng so với giai đoạn 2008-2011, tình trạng bất ổn vĩ mô nghiêm trọng đã xảy ra lúc bấy giờ.

Tuy vậy, vẫn còn nhiều rủi ro, thách thức, mà lớn nhất hiện nay là COVID-19 diễn biến khó lường, chưa kiểm soát được tại nhiều nước và khu vực. Căng thẳng thương mại vẫn leo thang, địa chính trị phức tạp, thiên tai, lũ lụt ảnh hưởng đến khả năng phục hồi kinh tế toàn cầu. Ngoài ra, cũng có cảnh báo về bất ổn tài chính toàn cầu do lượng tiền bơm ra lớn nhưng khả năng hấp thụ còn yếu, có thể dẫn đến bong bóng tài sản tài chính, chúng ta cần lưu tâm đến vấn đề này.

Tiêu dùng còn chưa phục hồi. Sản xuất công nghiệp còn nhiều khó khăn. Thu hút vốn FDI có tiến bộ, đạt được gần 20 tỷ USD nhưng có hiện tượng chững lại, giảm so với cùng kỳ. “Chúng ta ghi nhận kết quả nhưng phải có những giải pháp mạnh mẽ hơn, xúc tiến tốt hơn để FDI vào Việt Nam tốt hơn”, Thủ tướng nói.

Khắc phục các khiếm khuyết của nền kinh tế

Thủ tướng nhấn mạnh, điều hành chủ động, linh hoạt, tiếp tục nghiên cứu chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ kích thích kinh tế nhưng phải bảo đảm ổn định vĩ mô, kiểm soát tốt lạm phát như mục tiêu đề ra. Tiếp tục giảm lãi suất cho vay, kể cả các khoản nợ hiện có.

Đẩy mạnh xuất khẩu gắn với phát triển mạnh thị trường trong nước. Kích cầu tiêu dùng nội địa rất quan trọng mà các bộ, ngành, địa phương cần quan tâm. Thu hút mạnh mẽ các nguồn vốn đầu tư xã hội, đặc biệt là dòng vốn đang dịch chuyển trong khu vực và thế giới.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục rà soát, hoàn thiện các kịch bản tăng trưởng và phương án chỉ đạo điều hành quý III, IV, cả năm 2020 và kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 2021, trong đó lưu ý xem xét tốc độ tăng trưởng năm 2021 khoảng 6-6,5%.

Càng có đại dịch, càng phải khắc phục các khiếm khuyết của nền kinh tế. Cần phải xác định chiến lược áp dụng kinh tế số, chiến lược số ở Việt Nam, cơ cấu lại quản trị, tổ chức lại sản xuất, “nếu làm được thì sẽ có sức bật mạnh sau khủng hoảng”. “Một chữ V trong phát triển đang chờ đợi chúng ta nếu biết tổ chức trong công việc”. Phải đẩy mạnh phương pháp và phương thức phát triển, nhất là tập trung vào những lĩnh vực mang tính thời đại như chuyển đổi số quốc gia. Phải chú ý sâu hơn nữa đến nông nghiệp, nông thôn, đó tiếp tục là trụ đỡ, van đệm trước các cú sốc.

Phải chú trọng đẩy mạnh hơn xây dựng một nền kinh tế tự chủ, giảm phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu và chuỗi cung ứng ngoài nước. Muốn vậy, phải đề cao nội lực, chú ý thị trường nội địa với 100 triệu dân. Không chỉ chú ý đến doanh nghiệp vừa và nhỏ mà phải đặc biệt quan tâm đến những doanh nghiệp lớn, đầu đàn có khả năng dẫn dắt và lan tỏa.

Chúng ta quyết tâm tiếp tục thực hiện mục tiêu kép trong bất kỳ hoàn cảnh nào để phấn đấu tăng trưởng mức cao nhất”, Thủ tướng nói. 

Ngân hàng Nhà nước phải sớm sửa đổi Thông tư 01 theo hướng mở rộng đối tượng, hỗ trợ và gia hạn thời gian hoãn, giãn nợ, cân nhắc thời điểm chuyển nhóm nợ cho phù hợp để giảm bớt khó khăn cho tổ chức tín dụng, tránh nợ xấu tăng đột biến.

Còn rất nhiều dư địa để đẩy mạnh xuất khẩu, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương, các địa phương nên có chương trình hành động cụ thể để thực hiện trong 4 tháng cuối năm. 

Yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh kích cầu thị trường nội địa, Thủ tướng nêu rõ, phải có những chính sách cụ thể về du lịch nội địa, bán lẻ, vận tải, lưu trú, ăn uống, chăm sóc sức khỏe, giáo dục...

Về việc mở lại các chuyến bay thương mại, Thủ tướng nhắc lại yêu cầu kiểm soát chặt chẽ, không được để dịch bệnh lây lan. 

Lê Thịnh

Tin mới