Nội dung trên được Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề cập khi phát biểu kết luận Hội nghị trực tuyến toàn quốc của Thường trực Chính phủ về thúc đẩy đầu tư công năm 2024, sáng 16/7.
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng biểu dương, đánh giá cao những kết quả mà các Bộ, ngành, địa phương nỗ lực đạt được, đặc biệt là 11 bộ, cơ quan và 35 địa phương có tỷ lệ giải ngân trên mức trung bình của cả nước.
Trong đó, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Tổng Công ty Cảng hàng không có nhiều dự án đầu tư công đang vượt tiến độ, đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội thời gian qua.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: VGP)
Đồng thời, lãnh đạo Chính phủ phê bình nghiêm khắc các Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương chưa thực hiện tốt công tác giải ngân vốn đầu tư công, chưa phân bổ hết kế hoạch vốn được giao. Thủ tướng cũng phê bình 33 Bộ, cơ quan, 28 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới mức trung bình của cả nước.
Thủ tướng nhìn nhận những khó khăn, vướng mắc của một số dự án phải kéo dài chưa được giải quyết triệt để.
"Một số cơ chế, chính sách, quy định pháp luật còn vướng mắc nhưng chậm được sửa đổi, còn tình trạng mâu thuẫn, chồng chéo, áp dụng thiếu thống nhất. Nhất là về chuyển đổi mục đích sử dụng đất lúa, đất rừng; quản lý khoáng sản và vật liệu thông thường, mỏ nguyên vật liệu xây dựng thông thường mà cấp phép như mỏ vàng; tách giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập", Thủ tướng đề cập.
Bên cạnh đó, người đứng đầu Chính phủ cũng chỉ rõ những tồn tại, hạn chế trong công tác chuẩn bị dự án, phê duyệt chủ trương đầu tư và quyết định đầu tư; quản lý chi phí đầu tư xây dựng, quản lý định mức, giá xây dựng, quản lý vật liệu xây dựng thông thường đối với các dự án đầu tư xây dựng; công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư; công tác đấu thầu và thanh tra, kiểm tra.
Thủ tướng cho rằng có nơi xảy ra tình trạng thông thầu, bán thầu.
Ngoài ra, một số địa phương còn chưa chủ động, chưa quyết liệt, còn lúng túng trong chỉ đạo, điều hành, chưa thể hiện được tinh thần trách nhiệm chính trị cao. Việc triển khai thực hiện các kết luận, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng có lúc, có nơi còn chậm. Một số nơi chưa chủ động thông tin đầy đủ để người dân đồng tình, ủng hộ…
Về nguyên nhân của những tồn tại hạn chế, Thủ tướng nhận định kỷ luật kỷ cương có nơi, có lúc chưa nghiêm; công tác chuẩn bị dự án còn sơ sài, chất lượng kém; năng lực của nhiều ban quản lý dự án, cán bộ chuyên môn, nhà thầu còn yếu; tồn tại tình trạng né tránh, sợ sai, sợ trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ được giao; huy động nguồn vốn chưa kịp thời, nhất là từ đất đai, trái phiếu chính quyền địa phương…
Thủ tướng đề ra mục tiêu giải ngân trên 95% kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2024 đã được giao (gần 670.000 tỷ đồng).
Thủ tướng quán triệt tiếp tục duy trì hoạt động của các tổ công tác của Thủ tướng kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, trong đó bổ sung thêm một tổ công tác do Phó Thủ tướng Lê Thành Long làm Tổ trưởng.
Theo người đứng đầu Chính phủ, các Bộ trưởng, Trưởng ngành, Chủ tịch UBND cấp tỉnh phải coi kết quả giải ngân là một trong những căn cứ quan trọng để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ hằng năm của tổ chức, cá nhân liên quan.
Bên cạnh đó, lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương cần rà soát kỹ từ khâu chuẩn bị dự án, giao vốn đến công tác thiết kế, đấu thầu, thi công, thủ tục thanh, quyết toán… đối với từng dự án.
Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan tháo gỡ các chồng chéo, vướng mắc, xóa bỏ xin-cho, chống phiền hà, sách nhiễu…, đặc biệt là các quy định về lập, thẩm định, phê duyệt dự án, kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm.
Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài nguyên và Môi trường và UBND các tỉnh, thành phố tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, bảo đảm nguồn cung vật liệu xây dựng thông thường (cát, đất đắp nền) cho các dự án đường bộ cao tốc, các dự án trọng điểm.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải, các Bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai các dự án trọng điểm quốc gia, liên vùng gắn với đợt thi đua "500 ngày đêm quyết tâm cao, nỗ lực lớn, thi đua hoàn thành thắng lợi các dự án đường bộ cao tốc" để hoàn thành 3.000 km cao tốc chào mừng 50 năm Giải phóng miền Nam và 80 năm Quốc khánh.
Cũng theo chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Tài nguyên và Môi trường khẩn trương hoàn thành việc trình Chính phủ ban hành 4 nghị định hướng dẫn bảo đảm đồng thời với hiệu lực của các Luật Đất đai (hiện 3 nghị định đã được ban hành).