Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Thủ tướng kiểm tra, đôn đốc dự án cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ

Sáng 25/1 (mùng 4 Tết Quý Mão), Thủ tướng Phạm Minh Chính đi kiểm tra dự án cao tốc Tuyên Quang-Phú Thọ, thăm chúc Tết bà con nhân dân khu tái định cư của dự án.

Tại tỉnh Phú Thọ, Thủ tướng và đoàn công tác đã kiểm tra tình hình triển khai dự án, chúc Tết cán bộ, công nhân viên tham gia dự án tại công trường thuộc địa phận tỉnh Phú Thọ; kiểm tra khu tái định cư và chúc Tết bà con nhân dân khu tái định cư.

Sau đó, Thủ tướng di chuyển dọc theo Quốc lộ 2 lên Tuyên Quang, kiểm tra tình hình triển khai thi công và chúc Tết cán bộ, công nhân viên tham gia dự án trên công trường thuộc địa bàn tỉnh Tuyên Quang.

Thủ tướng thăm chúc Tết cán bộ, công nhân viên tham gia dự án. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc)

Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Tuyên Quang-Phú Thọ kết nối với cao tốc Nội Bài-Lào Cai dài hơn 40 km, trong đó đoạn qua tỉnh Phú Thọ dài hơn 11 km, đoạn qua tỉnh Tuyên Quang dài hơn 28 km.

Theo dự kiến, dự án được triển khai theo 2 giai đoạn, trong giai đoạn 1, tuyến đường gồm 2 làn với tốc độ thiết kế 80 km/h, hoàn thành vào quý III/2023. Giai đoạn 2 triển khai sau năm 2025, nâng lên 4 làn xe.

Tháng 9/2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đi kiểm tra thực địa và làm việc với lãnh đạo địa phương về dự án này, chỉ đạo nghiên cứu, đề xuất điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án theo hướng đầu tư ngay để hoàn chỉnh quy mô 4 làn xe, vận tốc tối đa 100 km/h, không đợi tới sau năm 2025, đáp ứng yêu cầu phát triển. 

Tinh thần là đầu tư công trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt điểm việc đó; tập trung nguồn lực cho dự án này để sớm hoàn thành, phát huy hiệu quả.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh yêu cầu việc thi công phải bảo đảm chất lượng, tiến độ, không đội vốn phi lý, bảo đảm an toàn lao động cho công nhân trên công trường, an toàn cho người dân, chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc)

Theo báo cáo của các địa phương về công tác giải phóng mặt bằng, đến nay, tỉnh Tuyên Quang đã bàn giao được 11,3/11,3 km, đạt 100%; xây dựng 3/3 khu tái định cư; di dời hạ tầng kỹ thuật (đường điện, nước, viễn thông), đạt 100% khối lượng.

Tỉnh Phú Thọ đã bàn giao mặt bằng được 28,6/28,93 km, đạt 99%; xây dựng hoàn thành 24/24 khu tái định cư; di dời hạ tầng kỹ thuật (đường điện, viễn thông...) đạt 90% khối lượng; phấn đấu hoàn thành toàn bộ công tác giải phóng mặt bằng trong tháng 2/2023.

Dự án chia thành 4 gói thầu xây lắp phần đường, 1 gói thầu xây lắp cầu trên tuyến và 3 gói thầu các hạng mục khác (điện chiếu sáng, nút giao IC9 với cao tốc Nội Bài – Lào Cai và hệ thống an toàn giao thông), trong đó 1 gói thầu (hệ thống an toàn giao thông) đang tổ chức đấu thầu.

Các gói thầu xây lắp đã triển khai thi công từ đầu tháng 8/2021 theo hướng vừa thi công vừa giải phóng mặt bằng. Khối lượng xây lắp hoàn thành đến nay đạt 1.070/1.829,57 tỷ đồng, đạt 58,48% giá trị hợp đồng.

Về vấn đề các mỏ đất, đá, nguyên vật liệu cho dự án, Thủ tướng yêu cầu thực hiện nghiêm theo nghị quyết, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, tinh thần là cắt giảm tối đa khâu trung gian, tránh đội giá, giảm thời gian, thủ tục, hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân, doanh nghiệp. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc)

Khảo sát thực tế dự án đang triển khai, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh yêu cầu việc thi công phải bảo đảm chất lượng, tiến độ, không đội vốn phi lý, bảo đảm an toàn lao động cho công nhân trên công trường, an toàn cho người dân, chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí. Nhà thầu tư vấn phải luôn bám sát công trường; các bên cùng giải quyết vấn đề phát sinh.

Thủ tướng yêu cầu với các dự án cao tốc nói chung cần tránh tình trạng "chia nhỏ" các gói thầu, có quá nhiều đơn vị thi công trên một tuyến đường, mất nhiều thời gian làm các thủ tục, khó kiểm soát tiến độ và chất lượng, dễ nảy sinh tiêu cực.

Về vấn đề các mỏ đất, đá, nguyên vật liệu cho dự án, Thủ tướng yêu cầu thực hiện nghiêm theo nghị quyết, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, tinh thần là cắt giảm tối đa khâu trung gian, tránh đội giá, giảm thời gian, thủ tục, hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân, doanh nghiệp; không để tình trạng tài nguyên là của đất nước nhưng nhiều mỏ đất, đá… lại giao tư nhân quản lý và họ lợi dụng để "bắt chẹt", nâng giá, gây khan hiếm nguyên vật liệu, ảnh hưởng tới tiến độ dự án. Thủ tướng giao Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà kiểm tra, đôn đốc nội dung này.

Nguồn: Báo điện tử Chính phủ

Tin mới