Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Thủ tướng: Giao thông là nút thắt trong phát triển kinh tế - xã hội Hà Giang

(VTC News) -

Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, tỉnh Hà Giang còn một số tồn tại, đặc biệt hạ tầng giao thông là điểm nghẽn, nút thắt lớn nhất trong phát triển kinh tế - xã hội.

Văn phòng Chính phủ vừa ban hành thông báo 220 kết luận của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Hà Giang.

Theo nội dung thông báo, Thủ tướng ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao những nỗ lực, cố gắng và thành quả về kinh tế - xã hội mà Đảng bộ, chính quyền, quân và dân các dân tộc tỉnh Hà Giang đã đạt được trong thời gian qua.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Giang.  (Ảnh: VGP/Nhật Bắc).

Dù còn nhiều khó khăn, thách thức, kinh tế của tỉnh năm 2022 đạt tốc độ tăng trưởng 7,62%, quy mô kinh tế và GRDP bình quân đầu người đều tăng; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, giá trị sản xuất công nghiệp tăng 16,8%, du lịch và dịch vụ phục hồi tốt, lượng khách du lịch năm 2022 bằng 2,4 lần so với năm 2021...

Bên cạnh kết quả đạt được, Thủ tướng nhìn nhận tỉnh vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục như: Quy mô kinh tế còn nhỏ, tăng trưởng chưa thật sự bền vững, chưa khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của địa phương.

"Hạ tầng kinh tế - xã hội còn hạn chế, đặc biệt hạ tầng giao thông là điểm nghẽn, nút thắt lớn nhất trong phát triển kinh tế - xã hội Hà Giang. Môi trường đầu tư kinh doanh còn hạn chế, các chỉ số PCI, PAPI, SIPAS, PAR INDEX cần tiếp tục cải thiện...", thông báo nêu rõ.

Vì vậy, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu tỉnh Hà Giang cần chú trọng đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, đặc biệt là hạ tầng giao thông để tăng cường khả năng kết nối nội tỉnh, liên tỉnh, liên vùng và quốc tế; khắc phục các khó khăn về hạ tầng thông tin, hạ tầng lưới điện từ nguồn nội lực và huy động các nguồn đóng góp tự nguyện từ xã hội.

Tỉnh cần xác định công tác quy hoạch là nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm. Quy hoạch phải đi trước một bước, phải có tư duy đổi mới, tầm nhìn dài hạn, chiến lược để khắc phục những khó khăn, vướng mắc, khai thác hiệu quả các tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của địa phương. Bên cạnh đó, Thủ tướng yêu cầu tỉnh hoàn thành công tác lập, trình phê duyệt Quy hoạch tỉnh Hà Giang thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trong quý 3/2023.

Hà Giang cần huy động tối đa mọi nguồn lực cho phát triển, bao gồm cả nguồn vốn nước ngoài và nguồn vốn xã hội. Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và triển khai thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, 3 Chương trình mục tiêu quốc gia theo hướng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho địa phương và các cấp cơ sở...

Theo Thủ tướng, tỉnh cần chú trọng triển khai thực hiện 3 đột phá chiến lược, đặc biệt là công tác rà soát, hoàn thiện thể chế và hệ thống pháp luật. Đẩy mạnh 3 động lực tăng trưởng gồm đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng; cơ cấu lại ngành công nghiệp theo hướng giảm tỷ trọng công nghiệp khai thác khoáng sản, tăng tỷ trọng công nghiệp chế biến nông sản và phát triển năng lượng tái tạo.

Tiếp tục thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, công tác dân tộc, tôn giáo, giảm nghèo bền vững, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của người dân, đặc biệt là bảo đảm vệ sinh môi trường ở các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Thủ tướng lưu ý tỉnh Hải Giang chú trọng công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị và hệ thống cơ quan hành chính trong sạch, vững mạnh; nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy cơ quan công quyền.

Xây dựng đội ngũ cán bộ đủ năng lực, đủ uy tín, chuyên nghiệp, trong sạch, tận tụy, vì nhân dân phục vụ, làm việc có trọng tâm, trọng điểm, việc nào dứt điểm việc đó, không đùn đẩy trách nhiệm; đặc biệt coi trọng công tác xây dựng đội ngũ cán bộ người dân tộc.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng yêu cầu đẩy mạnh hơn nữa công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở tất cả các cấp, các ngành, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai.

Anh Văn

Tin mới