Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Thủ tướng đối thoại doanh nghiệp: Giới tinh hoa thể hiện khát vọng, niềm tin lớn

(VTC News) -

"Đối thoại 2045” - cuộc gặp mặt giữa Thủ tướng với các doanh nhân, trí thức tiêu biểu diễn ra chiều nay 6/3 đã thu hút nhiều ý kiến sắc bén từ giới tinh hoa.

Nói về ý tưởng tổ chức "Đối thoại 2045”, Thủ tướng khẳng định nhằm mục tiêu lắng nghe ý kiến của giới tính hoa, đặc biệt là các trí thức và doanh nhân.

Sau phát biểu khai mạc của Thủ tướng, đại diện nhiều doanh nghiệp đã lên tiếng phát biểu, hiến kế phát triển đất nước. Phần lớn đều khẳng định hơn lúc nào hết đất nước Việt Nam, từng người dân cần chung khát vọng lớn đưa đất nước trở nên hùng cường.

Mãnh liệt tinh thần Việt Nam

Ông Võ Quang Huệ, một nhà khoa học, một trong những tổng công trình sư của Tổ hợp Vinfast tại Hải Phòng, bày tỏ cảm ơn Thủ tướng đã tổ chức cuộc đối thoại. Chia sẻ về tinh thần “Mãnh liệt Việt Nam” được lựa chọn làm slogan cho VinFast, ông Huệ cho rằng có một sự trùng hợp tuyệt vời. “Mãnh liệt Việt Nam” cũng chính là tinh thần mà tất cả chúng ta đã và đang chứng kiến khi Chính phủ, người dân Việt Nam đang quyết tâm mạnh mẽ trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19, nhằm thực hiện mục tiêu kép: vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế đất nước.

Ông Võ Quang Huệ, một nhà khoa học, một trong những tổng công trình sư của Tổ hợp Vinfast tại Hải Phòng, chia sẻ về tinh thần “Mãnh liệt Việt Nam” được lựa chọn làm slogan cho VinFast. (Ảnh: VGP/Quang Hiếu)

"Hạnh phúc hơn cả, là sự đồng điệu khi tôi nhận ra thật khó có ở đâu một tinh thần, một ý chí cao độ đến như vậy trong việc quyết tâm làm ra chiếc ô tô mang thương hiệu Việt, vì niềm tự hào dân tộc", ông Võ Quang Huệ chia sẻ.

Hiện tại đã có hơn 40.000 ô tô thương hiệu VinFast lăn bánh trên đường phố Việt Nam. Nếu tính từ thời điểm bàn giao chiếc xe thương mại đầu tiên cho khách hàng vào tháng 6/2019, VinFast mới chỉ có vẻn vẹn 20 tháng chính thức tham gia thị trường. Báo chí trong và ngoài nước, cộng đồng gọi việc VinFast đưa vào vận hành nhà máy sản xuất hiện đại bậc nhất khu vực, ra 3 mẫu xe đầu tiên với kiểu dáng đẹp và chất lương đạt tiêu chuẫn quốc tế chỉ sau 21 tháng khởi công và đã đạt doanh số tốt như vậy trong thời gian ngắn là những “kỳ tích”. Nhưng kỳ tích chỉ có thể lập nên khi chúng ta có khát vọng làm những điều lớn lao cho đất nước, có bản lĩnh dám nghĩ dám làm, có tinh thần chiến đấu không lùi bước trước mọi khó khăn, có ý chí quyết tâm mãnh liệt để đi đến cùng con đường của mình.

Sau giai đoạn “khởi nghiệp” đầu tiên, VinFast đang bước sang một giai đoạn phát triển mới. "Chúng tôi cũng hiểu rằng, để thành công trong giai đoạn mới này không phải chuyện dễ dàng. Có rất nhiều khó khăn, rất nhiều thách thức, rất nhiều chông gai. Chúng tôi sẽ phải nỗ lực gấp nhiều lần trước đây; cần sự động viên, khuyến khích, ủng hộ của Nhà nước, của xã hội, của người dân Việt Nam. Tuy nhiên, chúng tôi cũng tin tưởng rằng, với khát vọng cống hiến, ý chí cùng chiến lược đúng đắn, VinFast sẽ quyết tâm thực hiện bằng được mục tiêu của mình", ông Huệ bày tỏ.

Và trên tất cả, VinFast mong muốn sẽ lan tỏa được tinh thần "Mãnh liệt Việt Nam" đến cho cộng đồng. Với sức mạnh của tinh thần Việt Nam, chúng ta sẽ cùng nhau xây dựng một Việt Nam hùng cường, thịnh vượng, tự tin sánh vai với các cường quốc trên thế giới.

Cải thiện hạ tầng cung ứng và phân phối

Ông Nguyễn Đăng Quang: Nâng cao năng lực cạnh tranh và định hướng tiêu dùng từ Chính phủ tạo động lực cho phát triển. (Ảnh: VGP/Quang Hiếu)

Ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch Công ty Massan, cho biết, để hướng tới mục tiêu nền kinh tế năm 2045, Việt Nam đi sau về đích trước, giải pháp nằm ở đổi mới nền tảng cạnh tranh, tìm năng lực cạnh tranh vượt trội.

Theo ông Quang, hiện nay, nền kinh tế toàn cầu đang hội nhập, vấn đề quan trọng là chuỗi cung ứng, tạo năng lực cạnh tranh cho chuỗi cung ứng. Xuất khẩu nông sản rất lớn, tuy nhiên hiện nay, hạ tầng của chuỗi cung ứng và phân phối luôn là trở ngại. Tình trạng được mùa nhưng giá thấp, khi giá cao lại không có sản phẩm.

Bên cạnh đó, vấn đề then chốt để đẩy mạnh phát triển nền kinh tế là hạ tầng cung ứng và phân phối. Chi phí công đoạn sản xuất đến tiêu dùng chiếm khoảng 30% giá thành. Nếu giảm thiểu chi phí trong lưu thông hàng hóa, sẽ mang lại lợi ích cho người tiêu dùng, DN tiết kiệm được chi phí, hàng hóa lưu thông tốt hơn, DN có năng lực tìm kiếm lợi nhuận tốt hơn.

Ngoài ra cần chú trọng nền tảng công nghệ. Nhà nước chuyển đổi từ nền kinh tế, quản lý truyền thống, sang nền kinh tế số hóa.

Cuối cùng, cần hướng công nghệ gắn đến phát triển xanh và tái tạo năng lượng. Rất cần động lực, định hướng của Chính phủ, như chi ngân sách vào xe điện...

Ông Nguyễn Đăng Quang nhấn mạnh, nâng cao năng lực cạnh tranh và định hướng tiêu dùng từ Chính phủ sẽ tạo động lực cho phát triển.

Tập trung phát triển kinh tế tư nhân

Ông Trương Gia Bình, Trưởng ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân, Chủ tịch tập đoàn FPT. (Ảnh: VGP/Quang Hiếu)

Để tạo ra sự tăng trưởng thần kỳ từ nay đến 2045, nhiều người đang nói đến việc phát huy hơn nữa vai trò của kinh tế tư nhân, trở thành động lực mạnh mẽ cho sự phát triển. Ông Trương Gia Bình, Trưởng ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân của Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng, khẳng định hơn lúc nào hết đất nước Việt Nam, từng người dân cần chung khát vọng lớn đưa đất nước trở nên hùng cường.

Khát vọng không phải trên giấy mà phải chuyển sang DN, sang từng người dân, cùng mơ ước có những phát minh sáng chế cả thế giới cần và sử dụng… Để có khát vọng đó chúng ta cần một niềm tin lớn của người dân vào Chính phủ, niềm tin của Chính phủ với người dân. Đó là niềm tin Việt Nam trở thành quốc gia tận dụng tốt cơ hội, hòa nhập vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Ông Trương Gia Bình đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho phép các doanh nghiệp tư nhân xử lý vấn đề vướng mắc hiện tại của sàn giao dịch chứng khoán Việt Nam.

Tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo. (Ảnh: Quang Hiếu/VGP)

Cũng như ông Bình, tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo cho rằng Việt Nam cần tập trung phát triển vào khu vực kinh tế tư nhân.

Bà Thảo nhấn mạnh khát vọng tăng trưởng dài hạn này rất thách thức nhưng Việt Nam có những nguồn lực, động lực để biến khát vọng thành hiện thực.

Bà Thảo đề xuất hãy để Việt Nam là một điểm đến du lịch quốc tế với các dịch vụ đa dạng về giải trí, ẩm thực, phục vụ mọi đối tượng du khách.

Thứ hai, cần đầu tư, phát triển vượt bậc trong giáo dục, đào tạo, nghiên cứu khoa học và công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, đặc biệt đào tạo nghề và tăng năng suất lao động.

Thứ ba, đầu tư mạnh mẽ cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ, đường không, hàng hải, logistic… Xây dựng Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất phụ trợ, đào tạo về dịch vụ hàng không của khu vực và thế giới.

Thứ tư, tập trung phát triển vào khu vực kinh tế tư nhân. Một mặt hình thành các tập đoàn kinh tế tư nhân có sức mạnh và thương hiệu quốc gia, quốc tế, đồng thời thúc đẩy các doanh nghiệp vừa và nhỏ, khu vực nông nghiệp nông thôn, các công ty khởi nghiệp.

Chủ tịch Doji Đỗ Minh Phú cũng cho rằng để đất nước phát triển thì cần đổi mới mạnh mẽ khoa học công nghệ và thể chế, nâng cao năng suất. Ngoài ra cần có sự trỗi dậy mạnh mẽ của kinh tế tư nhân. Kinh tế tư nhân năm 3020 dự báo sẽ chiếm 60% GDP, đóng vai trò quan trọng cho mục tiêu 2030 và 2045.

Ông Đỗ Minh Phú, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TPBank, Chủ tịch Hội đồng sáng lập Tập đoàn DOJI. (Ảnh: VGP/Quang Hiếu)

Ông Phú đề xuất, các bộ ngành cần thay đổi tư duy khi làm chính sách, thực thi chính sách, theo hướng phục vụ người dân. Cơ quan công quyền cần tháo gỡ doanh nghiệp và người dân, lấy sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp làm hiệu quả công việc.

Ông Phú mong muốn doanh nghiệp cần được tiếp cận bình đẳng các nguồn lực, và được bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp. Doanh nghiệp cũng cần được khuyến khích và tôn vinh khi họ tạo ra vệc làm, đóng góp vào ngân sách, sự phát triển của đất nước. Doanh nghiệp cũng cần được trao cơ hội một cách bình đẳng.

Đề cao con người công nghiệp

Ông Trần Bá Dương, Chủ tịch Tập đoàn THACO. (Ảnh: VGP/Quang Hiếu)

Chủ tịch Thaco Trần Bá Dương nói đến vấn đề nguồn nhân lực và ứng dụng khoa học, công nghệ. Ông nhấn mạnh con người của đất nước công nghiệp phải là con người công nghiệp. Đó là con người có tư duy kỹ thuật, sáng tạo, cải tiến, làm việc với tinh thần tỉ mỉ, kỷ luật và có tính tuân thủ cao.

Ngoài ra, cần ứng dụng công nghệ, các nền tảng quản trị trong phát triển công nghiệp. Vị này cho biết đến năm 2023, Thaco sẽ quản trị trên nền tảng số, có công nghệ riêng trong tất cả các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh.

Kiến nghị đẩy mạnh phát triển công nghiệp phụ trợ

Bà Thái Hương, Chủ tịch TH True Milk mong muốn Chính phủ tạo ra một thể chế minh bạch, sáng suốt, tạo bệ đỡ cho các doanh nghiệp phát triển. (Ảnh: VGP/Quang Hiếu)

Bà Thái Hương, Nhà sáng lập TH True Milk, đánh giá việc tổ chức đối thoại 2045 là cơ hội cho các doanh nghiệp phát biểu, nêu các kiến nghị về phát triển đất nước. 

Theo bà, Việt Nam đang phát triển và năm 2045 phấn đấu là một quốc gia phát triển, văn minh, môi trường được bảo vệ, xã hội an lành. Nền tảng con người phải có trí tuệ và sức khỏe. Do đó, phải có ngành nông nghiệp xanh, sạch, hữu cơ, với một thế hệ doanh nhân hướng tới phát triển bền vững, các sản phẩm thực phẩm không gây hại cho sức khỏe con người.

Bà Thái Hương cũng kiến nghị đẩy mạnh phát triển công nghiệp phụ trợ; doanh nghiệp phát triển đi theo hướng chia sẻ với người nông dân. Bà Hương bày tỏ mong muốn Chính phủ cần tạo ra một thể chế minh bạch, sáng suốt, tạo bệ đỡ cho các doanh nghiệp phát triển. Một hướng đi khác là đẩy nhanh du lịch chữa bệnh, kết hợp Đông y và Tây y, cùng với du lịch sinh thái, du lịch lịch sử.

Đề xuất phát triển cây mắc ca

Đó là ý kiến của Chủ tịch Sacombank Dương Công Minh. Ông Minh cho rằng mắc ca là cây đa mục tiêu, vừa là cây rừng, cây nông nghiệp, cây công nghiệp và cây có lợi cho môi trường. Bên cạnh đó, đây cũng là loại cây xóa đói giảm nghèo, phục vụ mục tiêu an sinh xã hội và an ninh quốc phòng.

Ông Minh đề xuất tập trung trồng mắc ca ở khu vực biên giới như Tây Nguyên, phía tây dãy Hoàng Liên Sơn, vùng Tây Bắc... Đây là những nơi thu nhập của người dân rất thấp. Hiện nay nguồn lực để phát triển cây mắc ca tại Việt Nam còn rất lớn, việc cần làm là tạo cơ chế tốt cho người dân để đầu tư vào cây trồng này.

Để phát triển mạnh được cây macca trong thời gian tới, ông Dương Công Minh đề xuất Chính phủ có chính sách đất đai để phát triển cây macca, với mục tiêu đến năm 2045, Việt Nam trồng được 300.000 ha có giá trị xuất khẩu khoảng 5 tỷ USD.

Phát huy nội lực để đón ngoại lực

Ông Don Lam, Tổng Giám đốc Tập đoàn VinaCapital. (Ảnh: VGP/Quang Hiếu)

 

Ông Don Lam, Tổng Giám đốc Tập đoàn VinaCapital, cho rằng, hướng tới 2045, chúng ta cần phát huy nội lực để đón ngoại lực phục vụ xây dựng đất nước.

Việc xây tổ đón đại bàng đang là vấn đề lớn cho tất cả các địa phương muốn thu hút đầu tư nước ngoài, bao gồm những sự chuẩn bị về tài nguyên, đất đai, năng lượng, nhân lực, chính sách ưu đãi cho các nhà đầu tư lớn, có tâm huyến với Việt Nam.

Theo ông Don Lam, trong các yếu tố chuẩn bị, có 2 yếu tố cần được quan tâm hàng đầu:

Đó là yếu tố kết nối giữa hạ tầng kinh tế và hạ tầng xã hội giữa các tỉnh, thành phố, giúp hàng hóa lưu thông nhanh, tiết kiệm chi phí. Kết nối các khu công nghiệp, khu chế xuất với các thành phố và khu dân cư vệ tinh để tạo điều kiện sinh hoạt cho đội ngũ chuyên gia và người lao động.

Ngoài ra là yếu tố về chỉ số thuận lợi kinh doanh. Đã có rất nhiều thay đổi tích cực về thủ tục đầu tư, giúp rút ngắn đáng kể thời gian hoàn thiện hồ sơ và giúp dòng vốn FDI được lưu chuyển nhanh hơn.

Đối với các DN có vốn đầu tư nước ngoài khi tham gia đầu tư vào Viêt Nam, rất quan tâm đến môi trường đầu tư, đến quy trình thủ tục hành chính. Vì vậy, cải cách hành chính tốt sẽ là tiền đề để thu hút đầu tư của các DN nước ngoài.

Với mục tiêu xem Việt Nam là một đất nước đầy tiềm năng, VinaCapital sẽ đầu tư 10 tỈ USD  vào Việt Nam, ông Don Lam cam kết.

Tự hào là những chiến sỹ trên mặt trận kinh tế

Bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch Tập đoàn BRG.  (Ảnh: VGP/Quang Hiếu)

Bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch Tập đoàn BRG, Phó Chủ tịch Ngân hàng SEABANK cho rằng có thể đặt tầm nhìn Việt Nam sẽ nằm trong top những nền kinh tế lớn nhất khu vực. 

"​Tôi hoàn toàn tin tưởng Việt Nam chúng ta có cơ hội để hiện thực hóa tầm nhìn nói trên. Dưới góc độ kinh tế, trong vai trò của một doanh nghiệp tư nhân đa ngành lớn của Việt Nam với lịch sử hơn 30 năm phát triển, tôi thấy cộng đồng kinh tế tư nhân đang có một môi trường kinh doanh tốt nhất từ trước đến nay", bà Nguyễn Thị Nga chia sẻ.

Điều đó đến từ sự lãnh đạo của Đảng, sự sát sao và tâm huyết của Chính phủ với tinh thần Chính phủ kiến tạo mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã xây dựng. Nhờ tinh thần kiến tạo, một mô hình điều hành đất nước phát triển mạnh mẽ và bền vững đã được hình thành. Và kết quả là đã có những doanh nghiệp tư nhân Việt đã thực sự vươn tầm, góp phần đưa thương hiệu Việt Nam ngày một rạng danh trên trường quốc tế.

"Năm 2045 sẽ là một cột mốc đáng nhớ khi Việt Nam kỷ niệm 100 năm ngày thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Chúng tôi, các doanh nghiệp, những chiến sĩ trên mặt trận kinh tế, thấy rằng không chỉ cần có tầm nhìn của riêng mình mà cần có tầm nhìn rộng hơn, phải có được niềm tự hào và trách nhiệm cao hơn để cùng xây dựng nên một nền móng vững chắc cho tương lai. Tôi tin, dưới sự định hướng, chỉ đạo và điều hành của Chính phủ để đồng hành cùng doanh nghiệp, cùng nhìn về 1 hướng và cùng đi trên một con đường, Việt Nam sẽ tự hào khi có những tên tuổi và thương hiệu mạnh làm rạng danh đất nước, đồng thời xây dựng một đất nước kiến tạo cho nhiều thế hệ người Việt sau này viết tiếp những trang sử hào hùng của dân tộc", bà Nguyễn Thị Nga bày tỏ.

Điều chỉnh cơ chế, chính sách để DNNN dám nghĩ, dám làm

Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) Hoàng Quốc Vượng cho biết, trải qua 46 năm hình thành và phát triển, từ một xí nghiệp nhỏ bé, với nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt trong giai đoạn đầu phát triển, đến nay PVN đã trở thành một tập đoàn kinh tế nòng cốt  trong việc đảm bảo an ninh năng lượng, có vị trí, vai trò quan trọng trong việc bảo vệ chủ quyền biển đảo, an ninh quốc gia.

Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí Việt Nam Hoàng Quốc Vượng. (Ảnh: VGP/Quang Hiếu)

Tập đoàn đã triển khai thực hiện hoạt động tìm kiếm, thăm dò, khai thác, phát triển dầu khí trên toàn bộ vùng biển và thềm lục địa Việt Nam. Tính đến hết năm 2020, tổng sàn lượng khai thác của PVN đạt khoảng 640 triệu tấn quy dầu, trong đó bao gồm trên 424 triệu tấn dầu và condensate, gần 217 tỷ m3 khí.

Đến nay, PVN đã cơ bản xây dựng và hoàn thiện được chuỗi giá trị, trong đó phải kể đến một số cụm dự án/dự án tiêu biểu: cụm Khí - Điện - Đạm Cà Mau; cụm Khí - Điện - Đạm Đông Nam Bộ và dự án Nhà máy Lọc dầu Dung Quất; các cụm dự án này đang hoạt động hiệu quả, đóng góp to lớn cho phát triên kinh tế-xã hội.

Các hoạt động dầu khí trong những năm qua đã đóng góp to lớn vào sự phát triển của nền kinh tế quốc dân. Tính riêng trong giai đoạn 2006 - 2015, hằng năm, PVN đóng góp trung bình 20-25% tổng thu ngân sách Nhà nước, 18-20% GDP. Bên cạnh đó, hoạt động dầu khí trên biển còn góp phần khẳng định và bảo vệ chủ quyền biển đảo của đất nước.

Giai đoạn 2016-2020, trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới và trong nước có nhiều khó khăn thách thức, biến động mạnh của giá dầu, các khó khăn nội tại và tác động kép của dịch bệnh COVID-19..., song với sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, sự nỗ lực phấn đấu và đoàn kết của cán bộ công nhân viên PVN, các nhiệm vụ kế hoạch 5 năm 2016-2020 của PVN về cơ bản đã hoàn thành, đạt được những kết quả quan trọng.

Trong giai đoạn này, nộp ngân sách nhà nước hằng năm của PVN chiếm tỉ trọng 9-11% tổng thu ngân sách của nhà nước và chiếm 16,5-17% tổng thu ngân sách Trung ương. Đóng góp cho GDP cả nước trung bình hằng năm là 10-13%.

Năm 2020, mặc dù bị tác động nặng nề của dịch bệnh COVID-19, giá dầu sụt giảm, nhưng PVN vẫn hoàn thành kế hoạch, khai thác trên 20 triệu tấn dầu quy đổi, nộp ngân sách nhà nước trên 83.000 tỷ đông; lợi nhuận sản xuất kinh doanh đạt gần 20.000 tỷ đồng.

Đến năm 2030, tầm nhìn 2045, Tập đoàn định hướng phát triển thành tập đoàn năng lượng lớn trong nước và khu vực với các hoạt động sản xuất kinh doanh cốt lõi là tìm kiểm, thăm dò, khai thác và chế biến nguồn tài nguyên dầu khí, phát triển các nguồn năng lượng xanh, năng lượng tái tạo gắn với bảo vệ môi trường, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

PVN sẽ tập trung phát triển 03 lĩnh vực chính bao gồm: Thăm dò khai thác dầu khí; Chế biến dầu khí; Công nghiệp khí - Điện và Năng lượng tái tạo. Tập đoàn tiếp tục đẩy mạnh công tác tìm kiếm, thăm dò nhằm gia tăng trữ lượng và sản lượng khai thác dầu khí tại các khu vực tiềm năng, nước sâu, xa bờ gắn với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển; nâng cao hệ số thu hồi, tận thu các mỏ nhỏ, khối sót, cận biên. 

Theo ông Vượng, khu vực kinh tế tư nhân ngày càng có vai trò quan trọng, nhưng tới 2045, các doanh nghiệp nhà nước vẫn đóng vai trò hết sức quan trọng để đóng góp vào mục tiêu chung đưa đất nước trở thành quốc gia phát triển, có thu nhập cao. 

Cùng với tạo thuận lợi cho khu vực tư nhân, cũng cần điều chỉnh cơ chế, chính sách cho khu vực doanh nghiệp nhà nước để dám nghĩ, dám làm.

Kinh tế Việt Nam phải do người Việt Nam làm chủ

Phát biểu tại Đối thoại, nhà nghiên cứu, TS. Đỗ Thiên Anh Tuấn, Giảng viên Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbrigh tin tưởng, 25 năm nữa Việt Nam sẽ hoàn thành mục tiêu "tầm nhìn" năm 2045.

Theo ông Tuấn, 25 năm trước tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đạt ở mức cao khoảng 9,3%/năm. Tuy nhiên, sao đó, do tác động của khủng hoảng kinh tế thế giới nên chúng ta tăng trưởng chậm lại. Những năm gần đây Việt Nam tiếp tục tăng trưởng mạnh khoảng 7%/năm, thuộc tốp cao nhất thế giới, được cộng đồng quốc tế đánh giá như ngôi sao đang lên.

Theo phân tích của ông Tuấn, nếu Việt Nam vẫn duy trì mức tăng trưởng trung bình khoảng 7%/năm trong 25 năm tới, thì Việt Nam sẽ chạm chuẩn thu nhập cao của thế giới.

Ông Tuấn cho rằng, kinh tế Việt Nam phải do người Việt Nam làm chủ, không chỉ kinh tế Nhà nước mà phải mở rộng ra kinh tế trong nước nói chung, trong đó doanh nghiệp Việt Nam mới là chủ đạo. Doanh nghiệp nước ngoài là một bộ phận quan trọng của nền kinh tế. "Sự giàu có của người dân VN, sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp VN là một đòi hỏi cấp thiết, như là một mệnh lệnh trên con đường hướng tiến đến một Việt Nam cường thịnh 2045", ông Đỗ Thiên Anh Tuấn nói.

"Tôi đặt niềm tin Việt Nam sẽ có ngày càng nhiều những doanh nhân công, những nhà lãnh đạo xuất sắc có tinh thần dám nghĩ dám làm, quyết tâm hành động, phụng sự tổ quốc, phục vụ nhân dân, với tinh thần: Trách nhiệm - Danh dự - Lương tâm.

Đồng thời, trong quá trình phát triển, chúng ta cần phải kết hợp hài hòa yếu tố văn hóa, môi trường cũng như tăng trưởng GDP để tạo nên sự phát triển bền vững cho đất nước", ông Tuấn nói.

Linh Phi

Tin mới