Chiều 13/3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị trực tuyến sơ kết 3 tháng vận hành Cổng Dịch vụ công quốc gia và công bố 11 thủ tục mới được tích hợp lên Cổng.
Tại đây, người đứng đầu Chính phủ trực tiếp chứng kiến đại diện Cục CSGT - Bộ Công an, Cục Thuế - Bộ Tài chính… thực hiện thủ tục thu tiền nộp phạt vi phạm giao thông, thu lệ phí trước bạ đăng ký mô tô, xe máy, thu tiền nộp thuế thu nhập cá nhân, thuế thu nhập doanh nghiệp vừa được tích hợp và đưa lên Cổng dịch vụ công quốc gia.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: VGP)
Không gây khó dễ cho dân
Trên giao diện Cổng dịch vụ công quốc gia đã hiện lên các trường thông tin về số biên bản, tên người vi phạm, địa điểm vi phạm, thời gian vi phạm, đơn vị lập biên bản để người vi phạm truy xuất, đối chiếu thông tin, đảm bảo mỗi quyết định xử phạt là duy nhất, không trùng lặp, nhầm lẫn với người nộp phạt khác.
Sau khi đối chiếu, người nộp phạt quyết định lựa chọn thanh toán (thanh toán trực tuyến và nhận giấy tờ tại cơ quan xử phạt hoặc thanh toán trực tuyến và nhận kết quả tại nhà thông qua dịch vụ chuyển phát của bưu chính công ích).
Thiếu tướng Lê Xuân Đức, Phó cục trưởng Cục CSGT (Bộ Công an), khẳng định dịch vụ nộp phạt trực tuyến mang lại nhiều tiện ích cho cả người dân và cơ quan quản lý, giúp hạn chế việc đi lại, giao dịch trực tiếp, tránh hành vi tiêu cực, tham nhũng phát sinh.
Theo ông Đức, mỗi năm cả nước có khoảng 4 triệu vụ vi phạm mà CSGT phải ra quyết định xử phạt. Trong khi đó, mỗi năm có 400.000 ôtô, hơn 1 triệu xe máy đăng ký mới.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho rằng khi áp dụng phương thức thu - nộp phạt này, người nộp phạt thậm chí có thẻ quẹt thẻ để trả tiền phạt và nhận lại giấy tờ (bằng lái, đăng ký xe) ngay tại nơi xử phạt.
Chứng kiến các thao tác, quy trình, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá việc tích hợp 11 thủ tục mới lên Cổng Dịch vụ công quốc gia giúp tiết kiệm lớn cho người dân, doanh nghiệp, cả về thời gian và tiền bạc. Đặc biệt, góp phần rất lớn phòng chống tham nhũng vì các bên không gặp nhau, không nói qua nói lại.
“CSGT, thuế, hải quan… vừa qua đều mang tiếng về chuyện nộp phạt, thu tiền nhiều lắm. Trong thời điểm dịch Covid-19 lan tràn ở Việt Nam, việc không tiếp xúc tiền bạc, không gặp nhau cũng góp phần chống dịch lớn”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Riêng trong chuyện nộp phạt vi phạm giao thông, người đứng đầu Chính phủ lưu ý không gây khó dễ cho người dân trong việc nhận lại giấy tờ khi đã nộp phạt vi phạm giao thông qua mạng.
Ông gợi ý thêm các cơ quan xem xét lại quy định thu giữ giấy phép lái xe khi xử phạt vi phạm. Thủ tướng nêu câu hỏi: “Sao các nước không có thao tác thu giữ giấy tờ như vậy mà Việt Nam lại làm? Thu giữ bằng lái gây trở ngại lớn với cuộc sống, mưu sinh của người dân”.
Video: Quy trình giúp phát hiện sớm người nhiễm Covid-19 tại TP.HCM
Không quyết liệt, dịch sẽ lây theo cấp lũy thừa
Nhân sự có mặt đông đủ của các lãnh đạo địa phương tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng thông tin thêm nội dung tại phiên họp thường trực Chính phủ bàn các biện pháp phòng, chống dịch Covid -19 diễn ra sáng cùng ngày.
Theo người đứng đầu Chính phủ, tình hình dịch bệng diễn biến hết sức nghiêm trọng.
“Chúng tôi nhận thấy rằng, trong tháng 3 và tháng 4 sắp tới đây sẽ là đỉnh điểm nếu chúng ta không cương quyết chỉ đạo, ngăn ngừa vùng lây nhiễm từ nước ngoài vào trong cộng đồng”, Thủ tướng nhận định.
Nhấn mạnh Việt Nam đã chữa khỏi 16 ca, Thủ tướng lưu ý mấy ngày qua, tổng số người nhiễ Covid-19 đã tăng thêm gần 30 ca - là con số rất lớn, cho thấy dịch lan rộng, nếu không ứng phó kịp thời sẽ lan theo cấp lũy thừa chứ không chỉ là cấp số nhân. Vì thế, các địa phương phải quyết liệt trong việc khoanh vùng, khử trùng, có giải pháp đồng bộ.
Thủ tướng nhấn mạnh lại quan điểm Việt Nam chấp nhận hy sinh quyền lợi kinh tế trong ngắn hạn để tập trung ngăn ngừa hiệu quả, không để dịch lan rộng gây tai hoạ cho đất nước. Theo ông, bảo vệ tính mạng sức khoẻ nhân dân là nhiệm vụ của ấp ủy, chính quyền, không ai được lơ là trong việc này.