Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Thủ tướng công nhận ngày 22/11 là 'Ngày truyền thống tỉnh An Giang'

(VTC News) -

Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký quyết định công nhận ngày 22/11 hàng năm là “Ngày truyền thống tỉnh An Giang”.

Tối 22/11, tại quảng trường Trưng Nữ Vương (phường Mỹ Long, TP Long Xuyên), tỉnh An Giang tổ chức Lễ kỷ niệm 190 năm Ngày thành lập tỉnh (22/11/1832 – 22/11/2022).

Tại lễ kỷ niệm, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh trao Quyết định của Thủ tướng công nhận ngày 22/11 hàng năm là “Ngày truyền thống tỉnh An Giang” cho lãnh đạo tỉnh An Giang.

Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh trao Quyết định của Thủ tướng cho Bí thư Tỉnh ủy An Giang Lê Hồng Quang.

Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình cho biết, An Giang là tỉnh ĐBSCL có đặc trưng riêng biệt, vừa có đồng bằng, vừa có rừng núi với nhiều di tích lịch sử mang dấu ấn nền văn hóa lúa nước cổ xưa; có nhiều cảnh quan thiên nhiên về sông nước, đồng lúa, núi non kỳ vĩ… tạo bức tranh sơn thủy, hội tụ trong không gian văn hóa độc đáo.   

An Giang còn là tỉnh đa dân tộc, đa tôn giáo, nơi khởi nguồn của đạo Phật giáo Hòa Hảo, Bửu Sơn Kỳ Hương và Phật giáo Tứ Ân Hiếu Nghĩa. Các dân tộc Kinh, Hoa, Chăm, Khmer cùng chung sống hòa thuận lâu đời, hình thành những giá trị văn hóa phong phú cùng các công trình kiến trúc độc đáo.

“Với bề dày lịch sử, giàu truyền thống yêu nước và cách mạng, An Giang là vùng đất địa linh, nhân kiệt, quê hương của Chủ tịch Tôn Đức Thắng kính mến. Trải qua thăng trầm lịch sử 190 năm hình thành và phát triển, nhân dân An Giang luôn anh dũng, kiên cường trong kháng chiến; cần cù, sáng tạo trong lao động; đoàn kết, nhân ái, giản dị, thủy chung trong cuộc sống. Tính chất phát, cần cù, chịu khó và lối sống nhân hậu, nghĩa tình tạo nét văn hoá đặc trưng của con người An Giang”, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình nói.

Đảng bộ tỉnh xác định đến năm 2030 phấn đấu đưa An Giang trở thành tỉnh phát triển khá trong vùng ĐBSCL. Kinh tế phát triển năng động, hài hòa, bền vững trên cơ sở đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo để nâng cao chất lượng phát triển, năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế...

Tầm nhìn đến năm 2050, phấn đấu trở thành tỉnh phát triển toàn diện, hiện đại, văn minh, sinh thái, bền vững và mang bản sắc văn hóa sông nước của vùng đất đầu nguồn sông Cửu Long; có trình độ phát triển khá so với cả nước; chất lượng cuộc sống của người dân ở mức cao.

THANH TIẾN

Tin mới