Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Thủ tướng: Chúng ta có trả giá nhưng cũng có nhiều kinh nghiệm chống dịch

(VTC News) -

Thủ tướng nhấn mạnh, qua 2 năm chống dịch, chúng ta đã có những trả giá, có những điều chưa được, nhưng qua đó cũng có nhiều kinh nghiệm để thích ứng.

Video: Thủ tướng trả lời về chương trình hành động ứng phó với dịch COVID-19

Sáng 12/11, Thủ tướng Phạm Minh Chính đăng đàn trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.

Đặt câu hỏi chất vấn, đại biểu Ma Thị Thuý (đoàn Tuyên Quang) nêu vấn đề chương trình hành động ứng phó với dịch COVID-19 trong thời gian tới.

Trả lời vấn đề này, Thủ tướng cho biết, dịch bệnh COVID-19 không những ảnh hưởng đến nước ta mà trên thế giới cũng bị ảnh hưởng. Sau 2 năm chống dịch, chúng ta rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm. 

"Chúng ta đã có những trả giá, có những điều chưa được, nhưng qua đó chúng ta đã có nhiều kinh nghiệm. Từ những kinh nghiệm đó, chúng ta cũng đã dần dần thích ứng, dần dần hiểu được dịch bệnh này và một phần hiển được con virus này", Thủ tướng nói. 

Thủ tướng Phạm Minh Chính trả lời chất vấn trước Quốc hội.

Theo Thủ tướng, tuy chưa tổng kết một cách toàn diện nhưng Việt Nam đã đưa ra các trụ cột phòng chống dịch. Ví dụ thứ nhất, phải cách ly nhanh chóng, diện hẹp nhất, nhanh nhất có thể.

Thứ hai là chiến lược xét nghiệm. Con virus này không sờ thấy, không ngửi thấy, không nhìn thấy, thì phải xét nghiệm. Xét nghiệm phải khoa học, hiệu quả, tiết kiệm, phải an toàn và tốc độ xét nghiệm phải nhanh hơn tốc độ lây lan. Thứ ba, phải điều trị từ sớm, từ xa, từ cơ sở, ngăn chặn chuyển bệnh nặng, giảm tử vong.

Trên cơ sở 3 trụ cột đó, chúng ta hình thành công thức chống dịch, từ 5K đến 5K + vaccine + công nghệ. Ngoài ra, căn cứ tình hình thực tế sẽ kết hợp những phương pháp khác như kết hợp điều trị bằng Đông - Tây y kết hợp. Đồng thời, Thủ tướng cho rằng cần đề cao ý thức của nhân dân.

Thủ tướng cho biết đã tạm đúc rút ra lý thuyết để phòng chống dịch. Trên cơ sở đó chúng ta đã mạnh dạn, tự tin mở cửa.

Tuy nhiên theo Thủ tướng, qua dịch bệnh đã bộc lộ những yếu kém là y tế dự phòng và y tế cơ sở, chúng ta phải củng cố.

"Lo nhất là nguồn nhân lực, phải đầu tư cho nguồn nhân lực như đào tạo và thu hút. Chúng ta có thể dành tiền mua trang thiết bị có thể nhanh nhưng đào tạo nguồn nhân lực thì mất nhiều năm. Trong đó, với ngành y để đào tạo được một bác sĩ phải mất 6 năm, chưa kể học thêm", Thủ tướng nói.

Thủ tướng nhấn mạnh cần tập trung cho vấn đề này, đồng thời phải có chính sách thu hút nguồn nhân lực này xuống cơ sở.

Tại buổi chất vấn, đại biểu Vương Thị Hương (Hà Giang) đặt câu hỏi: "Việc đẩy mạnh kết cấu hạ tầng là kỳ vọng và mong muốn của cử tri. Xin Thủ tướng cho biết giải pháp phát triển kết cấu hạ tầng thời gian tới?".

Trả lời đại biểu, Thủ tướng cho biết, phát triển hạ tầng là vấn đề mà trong những ngày vừa qua, trong thảo luận và chất vấn, có rất nhiều đại biểu đề cập. Hạ tầng bao gồm hạ tầng cứng và hạ tầng mềm, hạ tầng phát triển kinh tế - xã hội như y tế, giáo dục, chuyển đổi số, chống biến đổi khí hậu…

Về giải pháp phát triển hạ tầng, trước hết phải tổng kết, rà soát lại việc thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước trong thời gian qua, cái gì đã làm được, cái gì chưa làm được, nguyên nhân khách quan, chủ quan ở đâu, trên cơ sở đó, xây dựng chiến lược, quy hoạch phát triển hạ tầng phù hợp, nhất là quy hoạch hạ tầng gắn với quy hoạch, phát triển kinh tế - xã hội, chủ trương đường lối chính sách của Đảng tại Đại hội XIII.

Thủ tướng cho rằng trước hết phải rà soát, hoàn thiện thể chế, quy định, quy trình liên quan phát triển hạ tầng, những điểm còn vướng mắc cần bổ sung hoàn thiện để có hành lang pháp lý đủ mạnh, đủ điều kiện để chúng ta phát triển hạ tầng.

Nội dung nào thuộc thẩm quyền của chính quyền địa phương thì chính quyền địa phương phải lo, nội dung nào thuộc thẩm quyền của Chính phủ thì Chính phủ phải lo, nội dung nào vượt thẩm quyền của Chính phủ thì Chính phủ đề xuất cấp có thẩm quyền, đề xuất Quốc hội xem xét, quyết định, ban hành, từng bước hoàn thiện thể chế phát triển hạ tầng.

Người đứng đầu Chính phủ cho rằng qua phân tích thực trạng đầu tư công, có các nguyên nhân như các đại biểu đã phân tích trong những ngày vừa qua, có nguyên nhân từ Trung ương và từ địa phương. Tuy nhiên, nguyên nhân chính là từ nguồn nhân lực, do đó, phải tiếp tục đào tạo nguồn nhân lực trong phát triển hạ tầng.

Thứ ba, vấn đề huy động nguồn vốn để phát triển hạ tầng gồm cả vốn nhà nước và tư nhân, trong đó nguồn vốn nhà nước làm vốn mồi, kích hoạt, dẫn dắt mọi nguồn vốn.

Bên cạnh đó, Thủ tướng cho rằng phải có công nghệ phát triển hạ tầng đáp ứng yêu cầu, nâng cao chất lượng, giảm giá thành…

Cuối cùng, người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh về quản trị trong phát triển hạ tầng phải bảo đảm quản trị để không lãng phí, chống tiêu cực, công khai minh bạch trong phát triển hạ tầng. 

Thủ tướng: Đại dịch bộc lộ nhiều hạn chế, yếu kém của nhiều ngành, nhiều cấp

Sáng 12/11, phát biểu trước Quốc hội, Thủ tướng nhấn mạnh, Chính phủ xin lắng nghe, nghiêm túc tiếp thu ý kiến của các cơ quan của Quốc hội, các Đoàn đại biểu, các vị đại biểu Quốc hội và ý kiến của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, của đồng bào, cử tri cả nước.

Trên cơ sở đó Chính phủ yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương tập trung xử lý, giải quyết, nhất là những khó khăn, vướng mắc và các vấn đề thực tiễn đặt ra trên các lĩnh vực để vừa thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, vừa tạo thuận lợi thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

"Như nhiều vị đại biểu Quốc hội đã phát biểu, qua đại dịch đã khẳng định những kết quả đáng trân trọng trên các lĩnh vực mà đất nước ta đã đạt được, ngược lại cũng bộc lộ nhiều hạn chế, yếu kém, bất cập có tính hệ thống của nhiều ngành, nhiều cấp.

Nhưng trong “nguy” có “cơ”, tạo ra áp lực và là động lực để các cấp, các ngành, các địa phương, người dân, doanh nghiệp phải tiếp tục đổi mới tư duy và hành động để thích ứng với tình hình mới, góp phần thực hiện thắng lợi các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã đề ra", Thủ tướng nhấn mạnh.

Theo Thủ tướng, qua thảo luận của Quốc hội và thực tiễn thời gian qua cho thấy, càng trong khó khăn, thử thách, tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng - một tài sản vô giá của đất nước - càng được khẳng định, phát huy mạnh mẽ, nhất là nghĩa đồng bào, tình đồng chí, sự yêu thương, đùm bọc và sức mạnh của ý chí, tinh thần vượt khó vươn lên của Nhân dân ta được thể hiện đậm đà, sâu sắc trong những ngày tháng gian khó phòng, chống đại dịch theo lời kêu gọi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Nhân dịp này, Chính phủ, Thủ tướng bày tỏ chia sẻ, cảm thông sâu sắc với đồng bào, đồng chí về những mất mát, tổn thất về tinh thần, vật chất, nhất là với những gia đình mất người thân do dịch COVID-19.

"Chúng ta tôn vinh, tri ân, cảm ơn và đánh giá rất cao những nỗ lực, đóng góp của các tầng lớp Nhân dân; sự cống hiến to lớn, hy sinh quên mình của các lực lượng tuyến đầu, nhất là ngành y tế và cán bộ, chiến sĩ quân đội, công an, đội ngũ cán bộ cơ sở, các tổ công tác cộng đồng, các nhóm thiện nguyện trong phòng, chống dịch, bảo vệ tính mạng và sức khỏe của Nhân dân", Thủ tướng nói và đề nghị các cơ quan chức năng đề xuất, khen thưởng bậc cao đối với các tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong phòng, chống dịch vừa qua.

Chính phủ đề nghị Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể Nhân dân và các vị đại biểu Quốc hội tăng cường giám sát, đồng hành, hỗ trợ, giúp đỡ, tạo điều kiện và yêu cầu các cơ quan, chính quyền các cấp thực hiện kịp thời, đầy đủ, hiệu quả các chính sách hỗ trợ của Đảng, Nhà nước và huy động sự tham gia của toàn xã hội để chung tay chia sẻ, góp phần giảm nhẹ phần nào những mất mát, đau thương, giúp những cá nhân, gia đình, cộng đồng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh sớm ổn định đời sống tinh thần, vật chất và tích cực tham gia các hoạt động kinh tế xã hội.

Thủ tướng cho biết, theo chương trình chất vấn của Quốc hội, trong hơn 2 ngày qua đã có các Bộ trưởng và các Phó Thủ tướng trực tiếp trả lời và tham gia trả lời chất vấn tại Hội trường. Đối với những vấn đề chất vấn bằng văn bản hoặc các vị đại biểu Quốc hội chất vấn trực tiếp nhưng chưa được trả lời, Thủ tướng yêu cầu các thành viên Chính phủ nghiêm túc trả lời bằng văn bản gửi đến các vị đại biểu Quốc hội.

Xuân Trường - Quang Tuyền

Tin mới