Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Thủ tướng chủ trì thảo luận giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô

(VTC News) -

Thủ tướng nhấn mạnh lạm phát trong vòng kiểm soát; tăng trưởng kinh tế 6 tháng đạt 6,42%; dự báo tăng trưởng quý III cao hơn quý II; các cân đối lớn được bảo đảm …

Chiều 30/7, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc làm việc với lãnh đạo các bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương, các chuyên gia, nhà khoa học, tổ chức quốc tế tại Việt Nam để thảo luận vấn đề giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, thúc đẩy phục hồi nhanh và phát triển bền vững. Cùng dự có Phó Thủ tướng Lê Minh Khái.

Phát biểu mở đầu cuộc làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, hơn 2 năm qua, đại dịch Covid-19 diễn ra khốc liệt trên toàn cầu, nhưng nhờ sự đoàn kết, sự nỗ lực của quốc gia, chúng ta đã kiểm soát được dịch bệnh mặc dù tình hình vẫn còn phức tạp trên thế giới. Dịch bệnh Covid-19 tác động tiêu cực đến Việt Nam vì kinh tế Việt Nam có độ mở cao, kim ngạch xuất nhập khẩu lớn; khả năng chống chịu với các cú sốc bên ngoài còn hạn chế.

Tuy nhiên dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, sự nỗ lực của nhân dân, doanh nghiệp, sự ủng hộ của bạn bè quốc tế, chúng ta đã huy động nguồn lực trong nước, nguồn lực bên ngoài, kết hợp sức mạnh dân tộc và thời đại, chúng ta giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, thúc đẩy quan hệ đối ngoại với các nước, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, bảo đảm các cân đối lớn trong điều kiện thế giới khó khăn, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, xung đột Nga - Ukraine, lạm phát trên thế giới tăng, giá các nguyên liệu đầu vào tăng cao; các chuỗi cung ứng bị đứt gãy; chính sách các nước thay đổi tác động trong nước.

Thủ tướng Phạm Minh Chính.

Thủ tướng cho biết, lạm phát vẫn đang trong vòng kiểm soát; tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm đạt 6,42%; dự báo tăng trưởng quý III cao hơn quý II; các cân đối lớn được bảo đảm như thu ngân sách, lương thực, thực phẩm, năng lượng, thị trường lao động…  Vừa qua, Việt Nam thực hiện phục hồi nhanh và phát triển bền vững, trong đó có việc tập trung vào cải thiện năng lực ngành y tế, nhất là y tế dự phòng, y tế cơ sở, hỗ trợ người bị tác động bởi Covid-19; tập trung đầu tư cho phát triển cơ sở hạ tầng…

Với sự nỗ lực chung, chúng ta nhận thấy kinh tế phục hồi, tập trung vào những vấn đề lớn như liên quan hạ tầng, 3 đột phá chiến lược, đào tạo nguồn nhân lực, thể chế. Các ngành được tập trung cho phát triển xanh, bền vững, chuyển đổi năng lượng, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số… An sinh xã hội được bảo đảm, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng lên, các tổ chức quốc tế đánh giá khách quan. Chính trị ổn định, độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Hội nhập quốc tế, hoạt động đối ngoại được giữ vững, uy tín của Việt Nam được nâng lên trên trường quốc tế.

Việt Nam cũng tập trung các nhiệm vụ cấp bách và lâu dài; tiếp tục xử lý các nhiệm vụ tồn đọng liên quan xử lý các ngân hàng yếu kém với kết quả ban đầu tích cực; xử lý các dự án ngành công thương yếu kém, tồn đọng, những biến đổi mới của tình hình thế giới và dịch bệnh.

Tuy nhiên, Chính phủ khẳng định khó khăn, thách thức nhiều hơn, phải tự lực, tự cường, nên không chủ quan, tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ, chính sách tài khoá hài hoà, hợp lý, hiệu quả, phù hợp tình hình, các chính sách này hỗ trợ lẫn nhau, không triệt tiêu nhau. Thực hiện chính sách tiền tệ thận trọng, chắc chắn, linh hoạt. Chính sách tài khóa mở rộng, có trọng tâm, bảo đảm hiệu quả, tập trung vấn đề lớn có tính chất lan toả cao. Tiếp tục củng cố các thị trường về vốn, bất động sản, chứng khoán bảo đảm phát triển an toàn, lành mạnh, hiệu quả, bền vững.

Chính phủ khẳng định khó khăn, thách thức nhiều hơn nên Việt Nam phải tự lực, tự cường, không chủ quan, tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ, chính sách tài khoá hài hoà, hợp lý.

Để việc điều hành tiếp tục suôn sẻ, hiệu quả, Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu một chuyên đề kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn, phục hồi nhanh và phát triển bền vững. Trên cơ sở đó, Thủ tướng đề nghị các đại biểu đánh giá tình hình sát thực tế, khách quan, trung thực, đúng diễn biến trong và ngoài nước.

Trên cơ sở đó, chúng ta cần đề ra các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp để sát tình hình, đúng, hiệu quả, toạ hiệu ứng lớn. Chính phủ luôn luôn chú ý lắng nghe, cầu thị, nhất là lắng nghe ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, các tổ chức quốc tế tại Việt Nam. Mong các đại biểu góp ý thẳng thắn để Chính phủ tiếp thu, hoàn chỉnh sự lãnh đạo, chỉ đạo, bảo đảm mục tiêu xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, hội nhập quốc tế tích cực, chủ động, hiệu quả, bảo đảm ấm no, hạnh phúc cho nhân dân.

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tình hình thế giới, khu vực diễn ra rất nhanh, tác động sâu sắc, toàn diện đến KTXH các nước trên thế giới trong đó có Việt Nam. Dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu liên tục được điều chỉnh giảm. Mới đây, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) lần nữa lại hạ dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới, trong bản cập nhật về Triển vọng Kinh tế Thế giới, IMF cho biết tăng trưởng GDP thực tế toàn cầu sẽ chậm lại xuống 3,2% vào năm 2022 từ mức dự báo 3,6% được đưa ra vào tháng 4. Ngân hàng Thế giới (WB) trong dự báo tháng 6, đã cắt giảm dự báo tăng trưởng GDP toàn cầu cho năm nay xuống còn 2,9% từ mức 4,1% được đưa ra trong tháng 1/2022. Việc thu hẹp triển vọng tăng trưởng được cho là do giá năng lượng và lương thực tăng cao, tác động của cuộc chiến ở Ukraine đối với nguồn cung và thương mại, và lãi suất chính sách tăng nhằm hạ nhiệt lạm phát .

Các chính sách khác về năng lượng, lương thực, xuất nhập khẩu của các nước cũng có sự điều chỉnh rất nhanh, rất khác nhau. Triển vọng tăng trưởng xấu đi ở 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới (Mỹ và Trung Quốc). IMF đã hạ mức dự báo tăng trưởng GDP của Mỹ 1,4 điểm phần trăm xuống còn 2,3%, do tăng trưởng yếu hơn dự kiến trong nửa đầu năm nay, sức mua hộ gia đình giảm và chính sách tiền tệ thắt chặt. Trong khi đó, báo tăng trưởng GDP năm nay của Trung Quốc xuống 3,3% từ mức 4,4% vào tháng 4, với lý do Covid-19 bùng phát và tình trạng phong tỏa trên diện rộng ở các thành phố lớn đã hạn chế sản xuất và làm trầm trọng thêm sự gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu.

Lạm phát toàn cầu tiếp tục tăng, nguy cơ suy thoái toàn cầu. Tỷ lệ lạm phát được dự đoán là rất cao trên khắp thế giới, đạt trung bình 7% trong năm nay.  IMF dự báo lạm phát toàn cầu sẽ đạt 6,6% ở các nền kinh tế phát triển và 9,5% ở thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển trong năm nay, mức tăng lần lượt là 0,9 và 0,8 điểm phần trăm. IMF cho biết việc kiềm chế lạm phát nên là ưu tiên số một của các nhà hoạch định chính sách.

Đại dịch đã khiến các nên kinh tế phải đóng cửa để hạn chế sự lây lan, dẫn đến gián đoạn chuỗi sản xuất và cung ứng. Cũng chính đại dịch đã khiến các chính phủ phải tung ra các gói chi tiêu khẩn cấp để hạn chế tình trạng thất nghiệp và phá sản. Trong khi đại dịch vẫn chưa lắng xuống, cuộc xung đột Nga - Ukraine leo thang đã làm tình hình hỗn loạn càng trầm trọng thêm. Các lệnh trừng phạt của phương Tây nhằm vào dầu và khí đốt Nga khiến cho nguồn cung toàn cầu càng thêm thắt chặt, đẩy giá năng lượng tăng vọt.

Về tình hình trong nước từ năm 2020 đến nay, mặc dù phải đối mặt với rất nhiều khó khăn thách thức. Trong bối cảnh đó, Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương đã triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả theo các Nghị quyết, Kết luận, chỉ đạo của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ; đồng thời, bám sát tình hình thực tiễn, đặc biệt những biến động nhanh, phức tạp, khó lường trên thế giới và khu vực, đưa ra và quyết liệt thực hiện các giải pháp linh hoạt, phù hợp ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, thúc đẩy phục hồi và tăng trưởng các ngành, linh vực cũng như toàn nền kinh tế. Nhờ đó, nước ta cơ bản vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế hợp lý, đặc biệt GDP 6 tháng đầu năm 2022 ước tăng 6,42% so với cùng kỳ, cao hơn nhiều so với dự kiến kịch bản đặt ra đầu năm (5,1-5,7%), giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát tốt lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Việt Nam có độ mở kinh tế cao, tác động nhỏ bên ngoài cũng có thể ảnh hưởng lớn đến kinh tế trong nước.

Trong 7 tháng đầu năm 2022, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được đảm bảo; thị trường tiền tệ cơ bản ổn định, tín dụng tăng 9,42%; lãi suất, tỷ giá duy trì hợp lý. Chỉ số CPI tháng 7 tăng 0,4% so tháng trước, tăng 3,14% so cùng kỳ, bình quân 7 tháng tăng 2,54%. Thu NSNN 7 tháng ước đạt 77,5% dự toán, tăng 18,1% so với cùng kỳ năm 2021.

An sinh xã hội được bảo đảm; đẩy nhanh hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động, tiếp tục thực hiện hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng của dịch COVID-19 . Quốc phòng an ninh được giữ vững; trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm. Thúc đẩy đối ngoại toàn diện, cân bằng, xử lý hiệu quả các vấn đề phát sinh. Đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, tập trung điều tra, xử lý nghiêm các vụ, việc lớn.

Tổ chức xếp hạng tín dụng quốc tế Fitch Ratings cho rằng kinh tế Việt Nam trong 6 tháng đầu năm đang phục hồi tốt hơn kỳ vọng, dự báo GDP sẽ đạt 6,5% trong năm nay và tiếp tục tăng trong năm sau; mức lạm phát năm nay của Việt Nam là 3,5% và sẽ còn giảm dần trong năm sau. Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) giữ nguyên dự báo tăng trưởng của Việt Nam ở mức 6,5% trong năm nay và 6,7% trong năm sau; lạm phát của Việt Nam sẽ ở mức 3,8% cho năm 2022 và 4% cho năm 2023 không thay đổi so với dự báo hồi tháng 4 vừa qua. Gần nhất, Ngân hàng Standard Chartered Bank đã dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ đạt 10,8% trong Quý III và 3,9% trong Quý IV; theo đó cả năm 2022 sẽ đạt 6,7%.

Tuy nhiên, tình hình trong nước cũng có nhiều yếu tố không thuận lợi, rất rủi ro, thách thức, nhất là những vấn đề lớn rất khó dự báo do phụ thuộc điều hành chính sách của các kinh tế lớn, đối tác thương mại, đầu tư chủ yếu của nước ta như giá cả, nguồn cung xăng dầu, nguyên vật liệu đầu vào, cân đối sản xuất, cung – cầu hàng hóa của các nước xuất khẩu lớn… Cạnh tranh chiến lược ảnh hưởng đến thị trường xuất khẩu chung, cũng như từng phân khúc xuất khẩu của nước ta, chuỗi cung ứng trong nước đối với từng khu vực cũng bị ảnh hưởng.

Nước ta có độ mở kinh tế cao, tác động nhỏ bên ngoài cũng có thể ảnh hưởng lớn đến kinh tế trong nước. Gần đây nhiều quốc gia đã điều chỉnh chính sách tiền tệ theo hướng thắt chặt (FED đã 2 lần tăng lãi suất và dự báo sẽ còn 01 đợt tăng lãi suất vào cuối năm), đã tạo sức ép không nhỏ đến điều hành chính sách tiền tệ (để giữ ổn định mặt bằng tỷ giá, lãi suất, góp phần kiểm soát lạm phát), thu hẹp thị trường của ta.

Toàn cảnh buổi thảo luận.

Chỉ số giá bình quân 7 tháng năm 2022 chỉ tăng 2,54% so với cùng kỳ năm trước nhưng nếu so với cuối năm 2021 thì tăng 3,59%, gấp gần 2,3 lần mức tăng cùng kỳ năm 2019 (1,59%). Giá xăng dầu đã giảm từ giữa tháng 7 nhờ sự quyết tâm, nỗ lực trong điều hành của Chính phủ, liên Bộ: Công Thương – Tài chính, sự ủng hộ của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhưng còn bấp bênh, kém bền vững vì phụ thuộc vào diễn biến thị trường quốc tế trong khi căng thẳng về nguồn cung toàn cầu chưa có chuyển biến rõ nét.

Những rủi ro do dịch Covid-19 vẫn còn hiện hữu, đặc biệt khi nước ta xuất hiện nhiều biến chủng mới, số ca nhiễm Covid-19, chuyển biến bệnh nặng trong tháng 7 tăng, nguy cơ “dịch chồng dịch”; tiếp tục thiếu hụt nhân sự ngành y tế, tình trạng thiếu thuốc, vật tư tại một số khu vực, bệnh viện.

Vũ Khuyên (VOV.VN)

Tin mới