Theo Quyết định số 200/QĐ-TTg vào hồi tháng 02/2017, Thủ tướng đã yêu cầu Bộ Công Thương phải đặt ra mục tiêu của ngành kinh doanh dịch vụ logistics Việt Nam, giảm chi phí kinh doanh của ngành này nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics đến năm 2025 và góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của thương mại nói riêng và nền kinh tế nói chung.
Tuy nhiên, nhiều ông lớn đang kinh doanh trong ngành dịch vụ logistics vẫn đang phải “loay hoay” đi tìm giải pháp giảm chi phí. Đơn cử ở thành phố Hải Phòng đã có chính sách thu phí kết cấu hạ tầng ở cửa khẩu, cảng biển quá cao từ đầu năm 2017, việc làm này đã làm tăng chi phí và thời gian thực hiện của dịch vụ logistics.
Ngành Logistics gặp nhiều khó khăn, vướng mắc đang được Thủ tướng Chính phủ yêu cầu, kiểm tra tìm giải pháp khắc phục.
Về vấn đề trên, ông Nguyễn Tương - Phó tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp logistics Việt Nam nhận định điều kiện để kinh doanh dịch vụ logistics vẫn đang bị trói buộc doanh nghiệp phát triển, chưa đúng với tinh thần Quyết định số 200/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Cũng theo ông Tương, căn cứ vào Luật Đầu tư 2014 quy định kinh doanh dịch vụ logistics là nhóm ngành nghề kinh doanh có điều kiện nhằm tạo ra khung khổ pháp lý để các cơ quan quản lý nhà nước quản lý một cách hiệu quả hơn.
Không nên để các nhà cung cấp dịch vụ vận tải phải trả một khoản phí đường bộ và phí ngoài luồng quá cao, bởi cơ chế này sẽ dẫn đến gia tăng chi phí logistics một cách đáng kể, vì chi phí vận tải hiện nay của Việt Nam chiếm khoảng 60% chi phí logistics...
Trước vấn đề lo ngại này, vị đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp logistics Việt Nam không ngần ngại đề xuất cần thực hiện có kết quả 60 nhiệm vụ cụ thể của Quyết định 200, trong đó tập trung vào 4 yếu tố của hệ thống dịch vụ logistics Việt Nam.
Đó là chính sách, luật lệ điều chỉnh ngành dịch vụ logistics; kết cấu hạ tầng logistics (cả hạ tầng cứng và hạ tầng mềm trong đó có ICT và nguồn nhân lực chất lượng cao); các nhà sử dụng dịch vụ logistics (nhà sản xuất, nhà xuất nhập khẩu và nhà phân phối); và các nhà cung cấp dịch vụ logistics.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tiếp tục yêu cầu Bộ Công Thương phối hợp với cơ quan liên quan kiểm tra, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc liên quan đến ngành kinh doanh dịch vụ logistics.
Video: Các công ty vận chuyển Trung Quốc dùng máy bay không người lái để giao hàng
Đồng thời, sớm đưa ngành dịch vụ logistics đạt GDP bình quân từ 8 - 10%, tốc độ tăng trưởng dịch vụ đạt 15 - 20%, tỷ lệ thuê ngoài dịch vụ logistics đạt 50 - 60%, chi phí logistics giảm xuống tương đương 16 - 20% GDP, xếp hạng theo chỉ số năng lực quốc gia về logistics (LPI) trên thế giới đạt thứ 50 trở lên như đã được đề cập trong Quyết định 200/QĐ-TTg vào tháng 02/2017.
Được biết, theo xếp hạng của Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam đang đứng thứ 64/160 nước và đứng thứ 4 trong ASEAN sau Singapore, Malaysia, Thái Lan về mức độ phát triển logistics. Với tốc độ phát triển hàng năm đạt 16 đến 20%, đây là một trong những ngành dịch vụ tăng trưởng đều nhất của Việt Nam thời gian qua.