Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Thủ tướng chỉ đạo kiểm soát dòng tiền vào bất động sản, tránh đầu cơ

(VTC News) -

Thủ tướng chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước cần quản lý đảm bảo dòng vốn vào tín dụng phục vụ nhu cầu tiêu dùng bất động sản thực sự của người dân, tránh đầu cơ.

Chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước trong buổi làm việc hôm 17/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, ngàng Ngân hàng cần tổng hợp, phân tích dữ liệu để có đánh giá nhằm kiểm soát tín dụng vào lĩnh vực rủi ro như tín dụng bất động sản và chứng khoán. Đối với tín dụng vào bất động sản cần quản lý đảm bảo dòng vốn vào tín dụng phục vụ nhu cầu tiêu dùng bất động sản thực sự của người dân, tránh đầu cơ. Về lâu dài cần có giải pháp căn cơ, phát triển thị trường tài chính đảm bảo ổn định, lành mạnh và cân bằng giữa thị trường tiền tệ và thị trường vốn để giảm sức ép cung ứng vốn từ hệ thống tổ chức tín dụng, đáp ứng nhu cầu huy động vốn trung và dài hạn của nền kinh tế.

Thủ tướng: Kiểm soát dòng tiền vào bất động sản, tránh đầu cơ.

Trước đó, báo cáo Thủ tướng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, vấn đề tín dụng là vấn đề NHNN luôn đặt trọng tâm và điều hành với phương châm mở rộng tín dụng đi đôi với an toàn hiệu quả, tập trung vốn vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên.

Đối với tín dụng vào lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như bất động sản, chứng khoán, thời gian qua, NHNN đã sử dụng các công cụ để kiểm soát rủi ro như giảm dần tỷ trọng sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn (hiện nay là 40%), áp dụng hệ số điều chỉnh rủi ro cao, giới hạn dư nợ cho vay đầu tư kinh doanh chứng khoán so với vốn điều lệ…

Kết quả cho thấy, tốc độ tăng tín dụng vào lĩnh vực bất động sản có xu hướng chậm lại, dư nợ tín dụng để đầu tư kinh doanh chứng khoán chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng dư nợ tín dụng chung. Tỷ trọng đầu tư của các tổ chức tín dụng vào trái phiếu doanh nghiệp cũng chiếm tỷ trọng nhỏ và trên thực tế được kiểm soát như đối với khoản cấp tín dụng.

Tuy nhiên để phòng ngừa rủi ro phát sinh đối với hệ thống, tại Hội nghị trực tuyến toàn ngành Ngân hàng về công tác tín dụng ngày 14/4/2021 vừa qua, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng yêu cầu các tổ chức tín dụng phải tập trung quản trị, kiểm soát rủi ro trong mọi mặt hoạt động, kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng vốn vay để đảm bảo sử dụng vốn vay đúng mục đích…

NHNN cho biết, tốc độ tăng tín dụng vào lĩnh vực bất động sản có xu hướng chậm lại.

 

Từ đầu năm đến nay, thị trường bất động sản liên tục xuất hiện các cơn sốt đất nền kéo dài các địa phương từ Bắc tới Nam.

Cụ thể, như cơn sốt đất ảo ăn theo đề xuất nghiên cứu lập quy hoạch sân bay ở Bình Phước. Dù đây chỉ là một ý tưởng đề xuất chưa có cơ sở thực hiện nhưng ngay lập tức tạo nên cơn sốt khiến giá đất tăng gấp 3 – 4 lần chỉ trong một ngày.

Những cơn sốt đất chớp nhoáng tương tự cũng diễn ra ở nhiều địa phương như các khu vực vùng ven TP.HCM, Hà Nội, Đồng Nai, Phan Thiết, Phú Quốc…

Theo các chuyên gia bất động sản, cơn sốt đất thời gian qua chủ yếu là do các nhóm đầu cơ, cò đất lợi dụng các thông tin về thay đổi quy hoạch, đề xuất làm dự án hạ tầng trọng điểm để gây nhiễu loạn thị trường.

Bên cạnh đó, việc kinh doanh gặp khó khăn vì ảnh hưởng của dịch bệnh, lãi suất gửi tiết kiệm ngân hàng giảm sâu, những kênh đầu tư chứng khoán, vàng diễn biến phức tạp nên người dân đổ xô mua đất khiến làn sóng đầu tư ăn theo tâm lý đám đông xuất hiện.

Khống chế việc chi loại tiền mệnh giá 500.000 đồng

Mới đây NHNN yêu cầu sở giao dịch, chi nhánh các địa phương cân đối tỷ lệ cơ cấu các loại mệnh giá tiền đưa ra lưu thông.

NHNN cho thấy các đơn vị thời gian qua điều chỉnh giảm tỷ lệ chi mệnh giá 500.000; mệnh giá 200.000 đồng và 100.000 đồng được tăng cường đưa ra lưu thông, tiền mệnh giá nhỏ từ 10.000 đồng trở xuống được chi ra hợp lý, đúng mục đích thanh toán, cơ cấu các loại tiền trong lưu thông được cải thiện.

Tuy nhiên, tỷ lệ chi loại tiền 500.000 đồng ra lưu thông tại một số đơn vị vẫn ở mức cao (năm 2020, các chi nhánh có từ 5/10 tháng chi loại tiền 500.000 đồng vượt mức 60% trở lên là Quảng Bình, Bình Dương, Đồng Nai, Cà Mau, Thái Bình). Trong khi việc chi các loại tiền mệnh giá nhỏ tại một số đơn vị chưa được thực hiện tích cực, thông suốt.

Theo đó, NHNN yêu cầu sở giao dịch, chi nhánh các địa phương theo dõi diễn biến thu, chi tiền mặt trên địa bàn, đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu tiền mặt cho các ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, Kho bạc Nhà nước.

Chủ động cân đối tỷ lệ cơ cấu các loại mệnh giá tiền chi ra lưu thông, trong đó tăng cường chi các loại tiền 100.000 đồng và 200.000 đồng. Riêng loại tiền 500.000 đồng, tỷ lệ chi ra lưu thông không vượt quá 60% giá trị của mỗi khoản chi.

Theo đó, tăng cường chi tiền mệnh giá nhỏ từ 10.000 đồng trở xuống ra lưu thông, bao gồm tiền đã qua sử dụng và tiền mới in (thời gian chi tiền mới in từ tháng 4 đến hết tháng 11.2021); yêu cầu tổ chức tín dụng đáp ứng đầy đủ nhu cầu thanh toán cho các siêu thị, đơn vị bán lẻ và cá nhân. Qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân đến NHNN đổi tiền nhỏ lẻ phục vụ nhu cầu thanh toán.

Ngọc Vy

Tin mới