Sáng 22/3, trong chương trình đối thoại của Thủ tướng với thanh niên Việt Nam năm 2023, anh Nguyễn Văn Linh - Công ty xây lắp 1 (Tập đoàn Công nghiệp Than - khoáng sản Việt Nam, trực thuộc Đoàn Khối Doanh nghiệp Trung ương) nêu thực trạng, thanh niên công nhân đang gặp nhiều khó khăn về nhà ở. Nhu cầu thuê nhà của thanh niên công nhân là rất lớn, nếu có nhà để mua thì thanh niên công nhân rất muốn được vay để mua nhà trả góp với lãi suất thấp.
"Kính đề nghị Chính phủ quan tâm, chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước có những chính sách hỗ trợ cho tổ chức, cá nhân để xây dựng nhà ở cho thanh niên công nhân và lao động trẻ ở các địa phương, đồng thời có chính sách hỗ trợ về lãi suất hoặc không lãi suất để thanh niên công nhân có thể mua được nhà ở xã hội", anh Nguyễn Văn Linh nói.
Về nội dung này, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh nhà ở là vấn đề rất quan trọng với mỗi người. Với thanh niên, từ lúc ra trường, điều lo lắng nhất vẫn là về chỗ ở, ổn định việc làm.
"Đây cũng là vấn đề được Đảng, Nhà nước rất quan tâm", Thủ tướng bày tỏ.
Trước đây, quan niệm đưa nhà ở vào tiền lương, đi theo kinh tế thị trường, nhưng chưa phù hợp với bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đang phát triển, chuyển đổi. Theo người đứng đầu Chính phủ, sắp tới, Trung ương sẽ thảo luận, trong đó có vấn đề nhà ở, trong bối cảnh tiền lương còn khó khăn. Tới tháng 7/2023 sẽ thực hiện cải cách tiền lương, mặt tích cực là nâng cao đời sống người dân, nhưng mặt tiêu cực là tăng giá trên thị trường, phải cân đối tính toán sao cho phù hợp.
"Với tiền lương hiện nay, để cán bộ trẻ, người dân mua được nhà rất khó. Phân khúc nhà ở chưa điều chỉnh kịp thời nên chủ yếu là nhà ở thương mại, cao cấp với mức giá cao. Sắp tới, chính sách nhà ở phải có thuê và thuê mua, chứ không chỉ có mua", Thủ tướng nhấn mạnh và cho biết để giải quyết được bài toán này phải tháo gỡ được các vướng mắc về pháp lý, nhất là dành đất làm nhà cho công nhân thuê, người thu nhập thấp, các bạn trẻ thuê hoặc thuê mua.
Thủ tướng Phạm Minh Chính trả lời các đại biểu thanh niên.
"Ví dụ, thuê 5 - 10 năm, sau các bạn đủ tiền mua, hoặc quy định trả trong 10 - 20 năm", Thủ tướng nói.
Bên cạnh đó, với chính sách nhà ở xã hội, xử lý tiền đất thế nào cho phù hợp. Chính sách này phải phát huy được nguồn lực của đất nước, xã hội, phù hợp mặt bằng thu nhập của ngươi lao động, nhất là những người mới ra trường. Song, theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, phải giải quyết từng bước một, căn cơ, phù hợp, với đầu ra là nhà đầu tư và đầu vào là người mua đều phải có chính sách phù hợp.
Cùng trả lời về câu hỏi này, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh khẳng định, Đảng và Nhà nước rất quan tâm đến đầu tư, phát triển các chính sách nhà ở (trong đó đặc biệt có nhà ở xã hội) và đã có những kết quả nhất định.
Ông Nguyễn Văn Sinh cho biết, Chính phủ và Thủ tướng cũng đã chỉ đạo rất quyết liệt, tổ chức nhiều hội nghị để thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội.
"Gần đây nhất, Chính phủ và Thủ tướng đã có hội nghị trực tuyến toàn quốc để thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, ổn định và lành mạnh. Sau hội nghị này, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 33 với nhiều mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp cụ thể. Trong đó, những mục tiêu giải pháp đầu tư về phát triển nhà ở xã hội trong thời gian vừa qua đã được Chính phủ rất quan tâm và cụ thể hóa thông qua các nhóm nhiệm vụ giải pháp", Thứ trưởng Bộ Xây dựng nói.
Về nhóm nhiệm vụ hoàn thiện thể chế, Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh nêu, theo Nghị quyết 33 và chỉ đạo của Thủ tướng, trong thời gian tới, phải khẩn trương sửa đổi và sớm trình Quốc hội dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi để Quốc hội thảo luận vào kỳ họp diễn ra vào tháng 5 tới. Dự kiến, dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi sẽ được thông qua vào tháng 10/2023 và có hiệu lực từ 1/7/2024.
Trong thời gian trình Quốc hội dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi, Chính phủ sẽ trình Quốc hội một nghị quyết thí điểm đầu tư phát triển nhà ở xã hội với nhiều tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về mặt thể chế, trong đó có những khó khăn liên quan đến vấn đề dành quỹ đất đầu tư phát triển nhà ở, trong đó có nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân; vấn đề liên quan ưu đãi, tiến triển sử dụng đất, giao đất, lựa chọn chủ đầu tư, ưu đãi chủ đầu tư…
Cùng với đó, Thủ tướng đang chỉ đạo Bộ Xây dựng triển khai xây dựng và hoàn thiện dự thảo đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030". Trong đó, đề xuất một số giải pháp về hoàn thiện chính sách, bố trí nguồn vốn, tăng thêm các ưu đãi, phát triển nhà ở cho thuê để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội đạt mục tiêu đề ra.
"Đây là một đề án cụ thể, sẽ giao cho các bộ, ngành, địa phương triển khai một cách có hiệu quả", lãnh đạo Bộ Xây dựng cho hay.
Nói thêm về những giải pháp của Chính phủ liên quan đến vấn đề nhà ở, ông Nguyễn Văn Sinh cho biết, theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng cũng giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam triển khai gói tín dụng 120 nghìn tỷ để hỗ trợ chủ đầu tư vay với lãi suất ưu đãi, thấp hơn từ 1,5-2% để các chủ đầu tư đầu tư xây dựng các dự án nhà ở xã hội trong thời gian tới cũng như hỗ trợ người mua trong thời gian tới.
Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết 11 về chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội nhằm thực hiện Nghị quyết 43 của Quốc hội. Đối với các chính sách thúc đẩy chính sách phát triển nhà ở xã hội, có 2 gói hỗ trợ gồm: gói 40 nghìn tỷ để hỗ trợ chủ đầu tư vay với lãi suất ưu đãi 2% để đầu tư phát triển nhà ở xã hội; gói 15 nghìn tỷ giao Ngân hàng Chính sách xã hội để hỗ trợ các đối tượng được thụ hưởng chính sách nhà ở xã hội vay, trong đó có đối tượng thanh niên công nhân trên toàn quốc vay để mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng nhìn nhận, đó là những chính sách rất cụ thể và thiết thực để thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho người thu nhập thấp ở đô thị cũng như công nhân ở các khu công nghiệp có điều kiện tiếp cận nhà ở xã hội trong thời gian tới để vay vốn mua nhà, tạo điều kiện thuận lợi cho công nhân có nhà ở để họ yên tâm công tác và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.