“Biến chủng Delta tấn công khiến các ca COVID-19 trở nặng rất nhanh, thậm chí có người không triệu chứng nhưng chuyển nặng chỉ trong vài giờ. Đây là nguyên nhân gây khó khăn cho ngành y tế. Vì vậy, phác đồ điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng, nguy kịch tại Việt Nam cũng phải thay đổi. Phác đồ có nhiều sự thay đổi, cập nhật y văn, nghiên cứu, khuyến cáo từ nhiều tài liệu khoa học cũng như Tổ chức Y tế Thế giới (WHO)”, ông Sơn nói.
Qua theo dõi, các nhà khoa học cũng phát hiện cơ chế bệnh sinh của COVID-19 thay đổi. Do đó, Việt Nam cũng đang đưa những can thiệp sớm hơn khi điều trị. Bộ Y tế yêu cầu tăng cường các thiết bị, phương tiện thở oxy cho cơ sở thu dung, chăm sóc điều trị bệnh nhân COVID-19. Thậm chí, nhiều trường hợp nhân viên y tế, bác sĩ sẵn sàng sử dụng hệ thống oxy liều cao và các dòng máy thở hiện đại để phòng tình huống người bệnh diễn biến nặng hơn.
So với trước đây, một số loại thuốc như kháng đông, corticoid… sẽ được sử dụng ở giai đoạn muộn nhưng nay đã khuyến cáo dùng sớm hơn.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, Trưởng Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế tại TP.HCM (giữa).
Không chỉ có vậy, các loại thuốc như kháng nấm, kháng sinh hay hệ thống lọc máu liên tục hay hệ thống hỗ trợ hồi sức cho người bệnh cũng được khuyến cáo đưa vào sử dụng sớm.
Về quá trình điều trị cho ca COVID-19 tại nhà, ông Sơn cho rằng, quan trọng nhất trong trường hợp này là khả năng đáp ứng của ngành y tế về thăm khám, tư vấn, qua đó phát hiện sớm triệu chứng chuyển nặng sau đó đưa ngay bệnh nhân tới cơ sở y tế.
"Thời gian tới, hệ thống này sẽ hoạt động đồng bộ hơn, hy vọng người dân được chăm sóc tốt hơn, tránh những trường hợp chuyển nặng đáng tiếc", ông Sơn nói.
Về nguồn nhân lực phục vụ phòng chống dịch tại TP.HCM, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, Bộ vừa đưa ra kế hoạch điều động nhân lực tại các cơ sở y tế trên toàn quốc. Tất cả các cơ sở và bệnh viện tuyến Trung ương sẽ điều động chi viện cho TP.HCM. Với tư cách là Trưởng Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế tại TP.HCM, ông cũng kêu gọi tất cả lực lượng ngành y tham gia chống dịch tại đây.
“Nhờ nỗ lực của thành phố và chi viện của cả nước, các hoạt động kiểm soát và khống chế dịch bệnh đang được tích cực thực hiện. Nhưng sự phát tán của SARS-CoV-2 vẫn còn, công tác điều trị gặp khó khăn và quá tải.
Vì thế, Bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế và Sở Y tế TP.HCM khẩn thiết kêu gọi toàn bộ hệ thống y tế công, tư, Hội Y học TP.HCM, các hội nghề nghiệp thuộc lĩnh vực y tế, các chuyên gia, nhân viên y tế đang làm việc và đã nghỉ hưu, các lương y, giảng viên, sinh viên tại các trường đào tạo, dạy nghề thuộc khối ngành chăm sóc sức khỏe tham gia vào các hoạt động chống dịch tại TP.HCM”, ông Sơn nhấn mạnh.
Thứ trưởng Sơn nhận định, dịch tại TP.HCM vẫn đang diễn biến phức tạp. Việc kéo dài Chỉ thị 16 và siết chặt các biện pháp giãn cách hơn nữa, hy vọng 2 tuần tới, thành phố cơ bản có thể kiểm soát được dịch.