Hãng TASS (Nga) dẫn lời Thứ trưởng Sergey Ryabkov nói: “Hiện nay tôi sẽ không xem xét vấn đề này bởi những trường hợp từng được trao đổi trước đó đã chấp hành bản án của họ, bao gồm cả các công dân Mỹ, những người có hành vi phạm tội khá nghiêm trọng”.
“Chúng ta sẽ xem câu chuyện này tiến triển như thế nào”, ông Ryabkov nói.
Tòa nhà của FSB tại Quảng trường Lubyanskaya ở Moskva (Nga). (Ảnh: AP)
Cùng ngày 30/3, Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) cho biết đã bắt giữ Evan Gershkovich, công dân Mỹ, SN 1991, đang làm phóng viên cho tờ The Wall Street Journal ở Moskva, vì nghi ngờ người này là gián điệp.
FSB tuyên bố xác định rằng Gershkovich "đóng vai trò là đặc vụ cho phía Mỹ, đã thu thập dữ liệu tuyệt mật về hoạt động của một doanh nghiệp thuộc tổ hợp công nghiệp - quốc phòng Nga".
FBS không nêu rõ thời điểm bắt giữ Gershkovich. Phóng viên người Mỹ này có thể phải đối mặt với bản án 20 năm tù nếu bị kết tội.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova đăng trên tài khoản Telegram cá nhân rằng: "Nhân viên của tờ báo Mỹ The Wall Street Journal làm việc ở Yekaterinburg không liên quan gì đến báo chí. Thật đáng tiếc, đây không phải là lần đầu tiên quy chế phóng viên nước ngoài, một thị thực báo chí và việc được cấp phép lại bị lợi dụng bởi công dân nước ngoài ở Nga để che đạy các hoạt động không phải là báo chí. Đây không phải là công dân phương Tây nổi tiếng đầu tiên bị bắt quả tang".
Tờ Wall Street Journal đã bác bỏ cáo buộc của FSB và yêu cầu trả tự do ngay lập tức cho phóng viên Evan Gershkovich.
Phóng viên người Mỹ Evan Gershkovich. (Ảnh: Independent)
Theo hãng thông tấn AP (Mỹ), Gershkovich là phóng viên người Mỹ đầu tiên bị bắt với cáo buộc gián điệp ở Nga kể từ tháng 9/1986. Thời điểm đó, phóng viên của U.S. News và World Report tại Moskva là Nicholas Daniloff bị Cơ quan tình báo Nga (KGB) bắt giữ.
Nicholas Daniloff được thả và không bị buộc tội 20 ngày sau đó trong một cuộc trao đổi để đổi lấy một nhân viên phái bộ Liên hợp quốc của Liên Xô, vốn bị Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) bắt giữ.
Gershkovich nói trôi chảy tiếng Nga, trước đây từng làm việc cho hãng thông tấn Pháp AFP và tờ The New York Times (Mỹ). Bài báo cuối cùng của anh trước khi bị bắt giữ được đăng vào đầu tuần này, tập trung vào sự giảm tốc của nền kinh tế Nga trong bối cảnh phương Tây áp đặt nhiều lệnh trừng phạt liên quan đến chiến dịch quân sự đặc biệt của nước này tại Ukraine.
Tháng 12/2022, Nga và Mỹ đã trao đổi tù nhân. Nữ vận động viên bóng rổ Brittney Griner từ Nga đã trở về Mỹ. Cô Griner hồi hương sau gần 10 tháng bị giam giữ tại Nga. Việc Griner trở về Mỹ nằm trong thỏa thuận trao đổi tù nhân giữa Nga và Mỹ. Người được trao đổi là tay buôn vũ khí người Nga Viktor Bout.
Griner chơi bóng rổ chuyên nghiệp tại Nga, bị bắt hồi tháng 2/2022, tại sân bay Sheremetyevo ở Moskva với cáo buộc mang theo hộp thuốc lá điện tử có chứa dầu cần sa.
Tại tòa, Griner thừa nhận sở hữu các hộp chứa dầu cần sa nhưng cô nói bản thân không có ý định phạm tội mà đã vô tình đóng gói chúng.
Trong khi đó, Bout bị bắt tại Thái Lan năm 2008 và dẫn độ đến Mỹ năm 2010. Bout đang thụ án 25 năm tù với tội danh âm mưu bán vũ khí trị giá hàng chục triệu USD được sử dụng để chống lại người Mỹ.