Đây là chuyến thăm Đông Nam Á đầu tiên của một quan chức cấp cao Mỹ kể từ khi ông Joe Biden lên nắm quyền hồi đầu năm nay và diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc cũng đang tăng cường cam kết ngoại giao với khu vực.
Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman. (Ảnh: Asia Society)
Thông cáo báo chí của Bộ Ngoại giao Mỹ khẳng định, tại Đông Nam Á, Thứ trưởng Ngoại giao Wendy Sherman sẽ “tái khẳng định cam kết đối với vai trò trung tâm của ASEAN” và giải quyết hàng loạt vấn đề song phương, cũng như khu vực, trong đó có nỗ lực khôi phục tiến trình dân chủ tại Myanmar.
Việc lựa chọn Thái Lan, Indonesia và Campuchia là những điểm đến đầu tiên trong chính sách hướng tới Đông Nam Á là một bước đi mang nhiều tính toán của Mỹ. Bởi nếu như Thái Lan là đồng minh hiệp ước của Mỹ, thì Indonesia cũng đóng vai trò trung tâm tại khu vực Đông Nam Á. Cả hai nước đều có vị trí nhất định liên quan đến cuộc khủng hoảng chính trị ở Myanmar.
Dự kiến tại Indonesia, Thứ trưởng Indonesia sẽ gặp gỡ các quan chức Ban thư ký ASEAN để thảo luận về việc mở rộng và làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác chiến lược Mỹ-ASEAN. Còn Campuchia, nước này đang nhận được sự quan tâm đặc biệt của Mỹ trong những năm gần đây, mà một trong những lý do chính là ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc. Bên cạnh đó, Campuchia sẽ đảm nhận chức Chủ tịch ASEAN vào năm tới và do đó sẽ trở thành một phần quan trọng trong bất kỳ chính sách gia tăng can dự nào của Mỹ tại Đông Nam Á.
Từ cạnh tranh Mỹ-Trung ngày càng gay gắt tới chính sách hiện nay của Mỹ với Đông Nam Á đã cho thấy rõ hơn bối cảnh chuyến thăm Đông Nam Á của Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ. Đó chính là sự gia tăng nhanh chóng ảnh hưởng của Trung Quốc tại khu vực. Trong vòng hơn một năm qua, Trung Quốc đã có nhiều cam kết ngoại giao với khu vực, trong đó phải kể đến chuyến thăm cấp tập của Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tới hầu hết các quốc gia thành viên ASEAN hồi tháng 10 năm ngoái hay việc Trung Quốc lên kế hoạch về một cuộc họp cấp ngoại trưởng với ASEAN vào tháng 6 tới tại nước này.
Chính quyền Tổng thống Joe Biden rõ ràng đang cho thấy sự tiếp nối những nỗ lực của người tiền nhiệm Donald Trump nhằm tập hợp một liên minh khu vực để đối trọng với một Trung Quốc đang trỗi dậy, thông qua việc đẩy mạnh triển khai chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Tuy nhiên, theo Giáo sư James Crabtree tại Trường Chính sách Công Lý Quang Diệu (Singapore), tham vọng của chính quyền Tổng thống Joe Biden tập hợp các quốc gia đồng minh ở châu Á nhằm đối trọng với ảnh hưởng của Trung Quốc lại không phải là việc dễ dàng khi nước Mỹ dưới thời người tiền nhiệm Donald Trump đã tự đánh mất vai trò dẫn dắt thế giới của mình.
“Những gì Mỹ đã làm trước đây là cố gắng sử dụng cả sức mạnh an ninh và kinh tế để lôi kéo các đồng minh. Chẳng hạn như Mỹ đã thiết lập hiệp định thương mại TPP ban đầu. Nhưng thỏa thuận không được Quốc hội thông qua. Thực tế là sức nặng kinh tế của Mỹ đang giảm, còn vị thế của Trung Quốc ngày càng tăng. Và Trung Quốc cũng đang làm khá tốt trong việc thay thế Mỹ với tư cách bên bảo hộ thương mại tự do trong khu vực”, ông Crabtree nói.
Hơn nữa, mặc dù cũng thuộc khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, song các chính quyền tại Mỹ vẫn chưa thực sự coi Đông Nam Á là mối ưu tiên của mình. Ngay cả đối với chính quyền Tổng thống Joe Biden, các nỗ lực cho đến nay vẫn phần lớn tập trung vào nhóm Bộ Tứ Kim Cương, gồm Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia. Dẫu vậy, để cân bằng lại quyền lực mềm trước Trung Quốc, Tổng thống Joe Biden dù sớm hay muộn cũng sẽ không thể bỏ qua Đông Nam Á và chuyến thăm của Thứ trưởng Ngoại giao Wendy Sherman có thể sẽ là một sự khởi đầu.